Nghệ thuật có cao siêu (P2)

Nghệ thuật có cao siêu (P2)

Rốt cục nghệ thuật có kỳ bí đến mức cao siêu? Thật ra, nghệ thuật rất bình dị và gần gũi đời thường chứ không hẳn cao siêu. Kể cả những tư tưởng, những triết lý xa vời, cao vút…


Thật ra, nghệ thuật rất bình dị và gần gũi đời thường chứ không hẳn cao siêu. Ngay kể cả những tư tưởng, những triết lý xa vời, cao vút… hóa ra chẳng phải là quá khó đến mức không thể hiểu. Ở một góc độ nào đó, nói vui vui thì nghệ thuật "bình thường như cân đường hộp sữa", như "cơm bình dân", như nước uống mỗi ngày, như khí trời ta hít thở vậy thôi. Nó hiện diện khắp nơi trong cuộc sống. Nơi nào có con người, nơi đó có nghệ thuật.

 

 

Khi nghe một bản nhạc, một bài hát bạn thấy hay, thấy hứng khởi và trong vô thức bạn… nhún nhảy, bạn hát theo nó. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi điều gì làm cho bản nhạc, bài hát đó trở thành nghệ thuật, còn những âm thanh hỗn độn nơi đường phố, những tiếng nói cười hàng ngày thì không (Trong khi bản chất của chúng đều là âm thanh)? Cũng như thế, khi nghe một ca khúc nước ngoài, dù không hiểu lời, nhưng bạn vẫn thích thú, vẫn thấy phiêu diêu và lâng lâng xúc cảm. Điều bí ẩn gì trong ca khúc đó đã truyền cho bạn nhiều cảm xúc, thôi thúc bạn hành động hòa nhịp cùng nó đến vậy?

 

 

Giai điệu! Chính là giai điệu! Giai điệu kết nối những nốt nhạc rời, những âm thanh đơn lẻ theo các nguyên tắc mà ta thích thú để tạo nên bản nhạc, tạo nên bài hát và tạo ra mỹ cảm làm rung động những xúc cảm trong ta. Nghệ thuật trong âm nhạc chính là giai điệu. Giai điệu tạo ra sự khác biệt nghệ thuật giữa bản nhạc với mớ âm thanh hỗn tạp phố phường. Giai điệu là sợi dây kết nối cảm xúc của tất cả mọi người bất chấp rào cản ngôn ngữ. Ai nắm được giai điệu người đó có khả năng thụ cảm âm nhạc. Ai hiểu và làm chủ được giai điệu thì người đó có thể trở thành nghệ sỹ, nhà soạn nhạc, nhạc công.

 

Không gian của giai điệu rộng lớn đến vô cùng. Giai điệu không có giới hạn và hiện diện ở muôn nơi. Từ những bài đồng dao mà đám con nít vẫn thường nghêu ngao, đến tiếng à ơi mẹ ru con bên cánh võng. Từ những ca khúc xanh, đỏ, tím, vàng ngân nga nơi phòng trà quán hát, hay trên sân khấu hiện đại, hoành tráng rực rỡ sắc màu. Đâu đâu cũng ngập tràn giai điệu. Giai điệu hiện ra trong tiếng huýt sáo bâng quơ, tiếng hò dô ta lấy nhịp, tiếng trống chầu "tom chát" thăng hoa, hay những âm thanh hùng tráng của bản giao hưởng hợp xướng được trình diễn một cách kinh điển trong nhà hát opera lộng lẫy...

 

 

Giai điệu là nghệ thuật trong Âm nhạc, còn trong Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc, Nhiếp ảnh, Design thì nhịp điệu lại là cái "ăn tiền". Nhịp điệu của màu sắc, nhịp điệu của hình khối, của đường nét, của bố cục... cho đến nhịp điệu của ý nghĩ. Chúng cùng nhảy múa và hoà tấu với nhau trong tác phẩm để tạo nên nhịp điệu lớn, biến tác phẩm trở thành nghệ thuật. Tương tự như thế, Thi ca, Sân khấu, Vũ đạo, Điện ảnh... mỗi loại hình cũng đều có những "nhịp điệu", "giai điệu" của riêng mình.

 

Vậy nên nghệ thuật không ở đâu xa, mà ở… quanh ta. Bạn có thể nhìn, nghe, nếm, ngửi, sờ thấy và cảm nhận được nghệ thuật.

 

 

Từ chiếc ô tô, xe máy chạy trên đường, đến cái bàn, cái tủ trong nhà,... với sự kết hợp nhịp điệu khéo léo của màu sắc, chất liệu, chi tiết và công năng..., những sản phẩm này cũng đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật. Hay như đồ ăn thức uống hàng ngày, vào tay người đầu bếp tài ba, biết phối hợp, gia giảm các thành phần nguyên liệu và gia vị sẽ tạo ra món ăn ngon. Cao hơn nữa là khi ta biết kết hợp hài hòa giữa các món trong từng bữa, thì ẩm thực cũng được nâng nên tầm nghệ thuật.

 

 

Nghệ thuật luôn có sẵn ở mọi nơi. Nó hiện hữu ngay trong những hương vị bạn ngửi mỗi ngày, đến tiếng ầm ào sóng vỗ, hay tiếng rao " Bánh mỳ nóng hổi vừa thổi vừa ăn ơ" mà bạn nghe mỗi sáng tinh mơ. Từ bộ trang phục bạn mặc, đôi dép bạn đi và cả những nơi bạn không ngờ như trong… tolet... Tất cả, tất cả đều là nghệ thuật nếu hàm chứa "giai điệu", "nhịp điệu" bên trong.

 

 

Thế đó, nghệ thuật giản dị chứ không hẳn là cao siêu. Nghệ thuật ở quanh ta, ở ngay trong nhịp sống đời thường mà ta đang sống chứ không chỉ bó hẹp trong những nhà triển lãm sáng choang, những viện bảo tàng nghiêm trang kín cổng cao tường hay nhà hát opera hoa lệ. Nghệ thuật thực ra rất... đời thường.


CLICK ĐỂ XEM NGAY! 

Anh Kiệt

Xem thêm bài liên quan:

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nghệ thuật có cao siêu (P2)

Bạn cần gì để "thăng hoa" với nghệ thuật? (P1)

Bạn cần gì để "thăng hoa" với nghệ thuật? (P2) 

Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (Phần 1)

 Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (Phần 2) 

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2) 


Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm