Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (P2)

Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (P2)

Trái ngược với các danh nhân lịch sử thời phong kiến, đa số những danh nhân lịch sử thời cận và hiện đại lại có rất nhiều tư liệu đáng tin cậy để nghệ sỹ lấy làm căn cứ khi sáng tác. Từ ảnh chụp, phim tư liệu, bài viết, hồi ký của những người trong cuộc… cho đến ngay cả không khí thời đại cũng gần gũi hơn.


Những lợi thế đó giúp nghệ sỹ sáng tác có được cái nhìn tổng quát và thấu đáo về danh nhân được dựng tượng. Đầy đủ như thế, chi tiết như thế, ấy vậy mà rất nhiều tượng danh nhân…  vẫn xấu như không thể xấu hơn.

Có câu nói vui "trông như ảnh thẻ" dành để "khen" những tác phẩm nhiếp ảnh khô cứng về bố cục và vô cảm về cảm xúc. Người trong nghề, ai được ưu ái nhận lời khen tặng đó có lẽ đỏ hết cả mặt bởi … ngượng. Đó là đối với nhiếp ảnh, còn trong lĩnh vực điêu khắc nói chung, hẹp hơn là điêu khắc tượng đài nói riêng, hiện nay cũng có không ít những "tượng thẻ" vẫn đang sừng sững tồn tại với thời gian.

Khi chụp ảnh thẻ, người được chụp ảnh thường luôn bị người chụp nhắc nhở nào là ngẩng cao đầu lên, phải nhìn thẳng, không được cười, ưỡn ngực thêm chút nữa.v.v Để rồi cuối cùng ta có một bức ảnh thẻ đúng chuẩn… cứng đờ gượng gạo. Nhiều nghệ sỹ điêu khắc cũng mắc phải tật như người chụp ảnh nói trên, đó là quá sa đà vào việc chỉnh mẫu. Họ quên mất rằng, khi sáng tác tượng, cái chính là phải "bắt" cho được khoảnh khắc thể hiện thần thái và cá tính của nhân vật, chứ đâu phải là vặn vẹo mẫu để minh hoạ cho cái tinh thần ẩn chứa bên trong. Nếu người nghệ sỹ "bắt" và lột tả được đúng khoảnh khắc quý giá đó thì tự nhiên tượng sẽ có "thần" mà không cần phải cố gắng vặn vẹo gì thêm.

 

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hoà Bình

Điểm lại một số tượng đài danh nhân đã dựng trong thời gian qua, có thể thấy trình "tượng thẻ" của nhiều nghệ sỹ Việt đã đạt tới tầm xuất sắc. Những dáng tượng hao hao giống nhau lặp đi lặp lại. Hết đứng trịnh trọng nghiêm trang như trên lễ đài, lại đến giơ tay diễn thuyết trước đám đông, hay hờ hững chỉ vào đâu đó.v.v. Và có lẽ do cố gắng thể hiện thần thái hơn người của nhân vật được tôn vinh, mà nghệ sỹ sáng tác uốn thế, nắn dáng tượng nhiều khi thái quá. Hậu quả là tượng bị lên gân cương cứng, đánh mất đi dáng vẻ tự nhiên. Thế nên bảo sao nhiều tượng danh nhân trông như "tượng thẻ" đờ đẫn vô hồn cũng là điều dễ hiểu.

Đấy là tượng ở "Ta", còn tượng bên "Tây" liệu có… giống thế chăng?


Tượng đài Martin Luther King tại Công viên West Potomac (Mỹ)

Hãy cùng đến Công viên West Potomac (Mỹ) để ngắm tượng đài tưởng niệm mục sư Martin Luther King được khánh thành năm 2011. Tượng cao hơn 9 m, làm bằng đá nguyên khối, tạc chi tiết và sống động hình ảnh vị lãnh tụ da màu đấu tranh cho dân quyền và chống phân biệt chủng tộc. Ngắm tượng đài, ta có thể cảm nhận rõ nét sự tinh tế bay bổng của người sáng tác. Nghệ sỹ sáng tác đã kết hợp khéo léo và sáng tạo sự tương phản giữa nét mềm mại sống động của phần tượng người phía trước với cái xù xì vững trãi của nền đá phía sau. Hiệu ứng tương phản làm cho hình tượng Martin Luther King trở lên nổi bật giữa quảng trường. Hoành tráng và đồ sộ, nhưng từng chi tiết rất nhỏ của tượng đài cũng được tác giả trau chuốt kỹ lưỡng, cẩn trọng… mà vẫn giữ được sự hài hoà tổng thể và không bị sa đà vào tiểu tiết vụn vặt.

Đá là chất liệu đẹp để làm tượng … nhưng cứng và khó gia công. Chỉ một nhát đục sai là hỏng, là bỏ luôn cả bức tượng chứ không thể sửa lại được nữa. Ấy vậy mà ở tượng đài tưởng niệm mục sư Martin Luther King, dưới bàn tay người tạo tác, đá mềm mại đến không ngờ. Đá hoá mình thành những nếp áo xếp lớp chuyển tiếp tự nhiên từ cứng sang mềm mại ôm lấy cơ thể. Từ cái khuy áo nhỏ, cho đến việc diễn tả trạng thái biểu cảm trên gương mặt, hay những biểu hiện tinh tế hơn như mạch máu ẩn hiện dưới làn da.v.v  qua bàn tay nghệ sỹ, tất cả đều hiện lên sống động và có hồn.

Sự làm chủ về chất liệu cũng như việc tạo liên kết và kiểm soát tốt nhịp điệu của từng phần trong tác phẩm giúp cho hình tượng Martin Luther King trở nên nổi bật. Hình khối tượng đài mạch lạc rõ ràng nhưng cũng rất uyển chuyển tinh tế khi chuyển khối. Tác phẩm đạt tới sự chi tiết mà không rườm rà, vững chãi uy nghi nhưng vẫn sống động thanh thoát. Thô ráp chắc chắn mà lại rất tinh tế trau chuốt. Nhịp điệu đường chạy của các thành phần chi tiết trên tượng liên kết với nhau nhịp nhàng tạo điểm nhấn chứ không lộn xộn, lan man và đứt đoạn vô nghĩa. Trong tổng thể tác phẩm không có một chi tiết nào thừa thãi, tất cả đều nằm trong ý đồ của nghệ sỹ sáng tác.

Đứng trước tượng đài mà ta có cảm giác như đang đối diện trước một con người thật bằng xương bằng thịt. Mục sư Martin Luther King đứng đó, sống động, sừng sững uy nghi nổi bật trên quảng trường với ánh nhìn lôi cuốn. Ông như đang chuẩn bị bước ra trước hàng vạn khán giả để mở đầu bài diễn thuyết  "Tôi có một giấc mơ" bất hủ của mình.


CLICK ĐỂ XEM NGAY!

Anh Kiệt

Xem thêm các bài liên quan:

Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (Phần 1)

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

 Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2) 


Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm