Bạn cần gì để “thăng hoa” với nghệ thuật? (P2)

Bạn cần gì để “thăng hoa” với nghệ thuật? (P2)

Quay trở lại vấn đề. Có thể nói, trí tưởng tượng đóng vai trò rất lớn trong nhận biết cũng như sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật. Trí tưởng tượng của bạn càng phong phú, bay bổng bao nhiêu thì bạn càng tiếp cận dễ dàng với nghệ thuật bấy nhiêu. Ngược lại, với trí tưởng tượng nghèo nàn thì một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc cũng chả khác nào một cục đá vô tri.

Như vậy, có các giác quan, có khiếu thẩm mỹ và trí tưởng tượng là những điều kiện tiên quyết để bạn có thể nhận biết và cảm nhận về nghệ thuật. Tuy nhiên đấy mới chỉ là những điều kiện cơ bản mà bạn cần phải có. Với nó, bạn có khả năng nhận biết, cảm thụ được những tác phẩm nghệ thuật ở dạng phổ thông nhất (các tác phẩm mô phỏng gần gũi với tự nhiên). Còn muốn vươn tới tầm thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật ở mức độ sâu hơn, nhiều chiều và tinh tế hơn thì bạn cần thêm nhiều điều khác nữa.

Vậy những điều khác nữa đó là gì? Và làm sao để ta có thể phiêu du, thăng hoa cùng nghệ thuật?

Tư tưởng mới, cách tư duy mới vượt ra ngoài khuôn phép thông thường là cái bạn cần. Nói ngắn gọn là tư duy sáng tạo. Bởi mỗi một tác phẩm nghệ thuật là một tác phẩm sáng tạo. Yếu tố sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật lớn vô cùng. Nếu ta ví nghệ thuật như… chim trời, thì sáng tạo và nhịp điệu-giai điệu chính là đôi cánh. Đôi cánh đó giúp cho chú chim nghệ thuật tự do tung hoành giữa bầu trời bao la.

Sáng tạo quyện cùng nhịp điệu, giai điệu trong tác phẩm đem đến cho người thưởng thức những khoái cảm thăng hoa. Bởi thế, nếu sẵn có tư duy sáng tạo thì bạn sẽ dễ dàng cảm nhận hơn về nghệ thuật. Đặc biệt, khi tư duy sáng tạo trong bạn đồng điệu với tư duy sáng tạo của người nghệ sỹ làm ra tác phẩm, thì bạn sẽ cảm thụ được đúng và rõ nét nhất về tác phẩm đó.

Khiếu thẩm mỹ bản năng giúp ta nhận biết và cảm thụ nghệ thuật. Có điều, với đa số mọi người, thì khả năng nhận biết và thụ cảm theo khiếu thẩm mỹ bản năng thường chỉ dừng lại ở một mức độ giới hạn. Trừ một số rất ít người được trời phú cho khả năng đặc biệt, còn lại hầu hết chúng ta, ai muốn cảm thụ sâu hơn về nghệ thuật thì đều phải học hỏi, trau dồi nâng cao kiến thức không ngừng.

Thu nạp và trau dồi kiến thức giúp tăng bề dày văn hóa trong ta. Với vốn kiến thức và văn hoá, bạn có thể cảm nhận đa chiều, sâu sắc và toàn thể hơn về cái mình quan tâm. Trước một tác phẩm nghệ thuật, thì người nào tích tụ được nền tảng văn hoá tốt hơn sẽ có cơ hội phát hiện ra vẻ đẹp nhiều chiều, nhiều góc độ và toàn thể hơn của tác phẩm so với người còn lại. Nói vui vui là bạn "lãi" hơn người khác khi cùng thưởng lãm một tác phẩm nghệ thuật.

Vậy là đã đủ để cảm thụ về nghệ thuật rồi chăng?

Chưa đủ! Thế mới tạm ổn… nhưng vẫn chưa sâu. Ta cần phải hơn thế nữa. Bạn sẽ "thẩm" nghệ thuật tốt hơn khi bạn có khả năng tư duy sâu về các vấn đề trừu tượng siêu hình. Cái này, ngoài tố chất trời cho thì còn có gốc từ "phông" kiến thức, văn hoá của bạn. Vốn kiến thức và văn hoá của bạn càng dầy, càng sâu rộng thì khả năng tư duy, nhận biết về các vấn đề trừu tượng, siêu hình càng rộng mở. Kết quả dẫn đến là bạn có thể cảm thụ nghệ thuật một cách sâu sắc hơn. Cùng một tác phẩm nghệ thuật, nhưng ở mỗi thời điểm nhận thức khác nhau bạn lại khám phá ra thêm nhiều xúc cảm mới. Đó chính là một trong những lý do quan trọng để các tác phẩm nghệ thuật có sức sống trường tồn và không bao giờ trở nên nhàm chán trong con mắt người thưởng thức.

Khi hội tụ đủ tất cả các phẩm chất và điều kiện kể trên đã là một điều đáng quý để bạn nhận biết và thưởng thức nghệ thuật. Tuy nhiên sẽ là hoàn hảo hơn nếu bạn được tiếp xúc nhiều và thường xuyên với các tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Đây chính là những khoảnh khắc thú vị nhất để bạn tận hưởng, chiêm nghiêm và trau dồi thêm xúc cảm nghệ thuật của mình. Có điều, muốn tận hưởng được lạc thú này, đôi lúc ta lại phải phụ thuộc vào nhiều thứ như: tiền bạc, thời gian, sức khoẻ, điều kiện và cả… cơ duyên.

Và cuối cùng, lý trí là điểm mà bạn nên lưu ý. Lý trí cần cho cuộc sống, nhưng lý trí quá lại không tốt cho thưởng thức nghệ thuật chút nào. Bạn sẽ khó thăng hoa với một cái đầu "tỉnh như sáo sậu". Nghe khó tin nhưng đó là sự thật. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tại những không gian thưởng thức nghệ thuật ở rất nhiều nơi lại thường ngập trong rượu bia, khói thuốc... Và tỷ lệ những người làm nghệ thuật sử dụng các chất gây ảo giác cũng cao hơn so với các giới khác rất nhiều. Có câu "logic khô khan, thi ca sống động" - Osho. Thế nên, nếu bạn là một người quá lý trí, thì trước khi bước vào Ngôi nhà nghệ thuật - nhà hát của những xúc cảm thăng hoa, bạn nên mạnh dạn gạt bỏ nó ra khỏi tâm tưởng. Hãy làm một "người mơ"… để có thể "lên đỉnh" cùng với nghệ thuật. Vậy, bạn đã sẵn sàng!?


Anh Kiệt - songmoi.vn

Xem thêm những bài liên quan:

Bạn cần gì để “thăng hoa” với nghệ thuật? (P1)

 Nghệ thuật có cao siêu (P1) 

 Nghệ thuật có cao siêu (P2) 



Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm