Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (P1)

Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (P1)

Với hơn 360 tượng đài đã được xây dựng trong cả nước những năm gần đây, thì số lượng tượng đài tôn vinh các danh nhân Việt chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Bên cạnh những vấn đề chung vướng phải như đã đề cập trong bài "Tượng đài Việt xấu do đâu?", thì về mặt tạo hình, tượng đài danh nhân Việt cũng có nhiều cái đáng phải bàn.


Tạo hình xấu, nhiều điểm sai, nặng tính cổ động và vô hồn là tình trạng chung của nhiều tượng đài danh nhân Việt hiện nay. Để nhìn vấn đề sâu hơn, ta tạm chia tượng đài danh nhân ra làm hai loại. Một là tượng về các danh nhân thời phong kiến, hai là tượng các danh nhân thời cận và hiện đại.

Tượng đài về các danh nhân lịch sử thời phong kiến

Dựng tượng tôn vinh những danh nhân, anh hùng dân tộc trong lịch sử như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung.v.v. là điều nên làm và đáng trân trọng. Tuy nhiên để có được một tác phẩm tượng danh nhân chân thật, thể hiện được thần thái của nhân vật lại là điều không dễ. Nguyên nhân của vấn đề thì nhiều, nhưng trước tiên, phải thừa nhận một số yếu tố thuộc lĩnh vực văn hoá, lịch sử có tác động ảnh hưởng và làm khó cho các nghệ sỹ sáng tác.

Thứ nhất là về văn hoá. Người Việt không có truyền thống làm tượng đài, không điêu khắc tượng nhân vật cỡ lớn. Đó là bởi văn hoá phương Đông không đề cao vai trò cá nhân, cá nhân chỉ là một thành phần nhỏ phụ thuộc trong cộng đồng. Một đặc điểm nữa là nghệ thuật phương Đông mang nhiều tính ước lệ, không thiên về tả thực như của phương Tây. Các danh nhân Việt trong lịch sử bản thân đã mang đẫm tính huyền thoại, lại thường được mô tả với những nét khái quát chung chung (thường là tả "quý tướng"  theo những khuôn mẫu định sẵn có thể dùng chung cho nhiều nhân vật khác cùng dạng). Vậy nên nghệ sỹ sáng tác không có nhiều "chất liệu" riêng về nhân vật - một điều rất cần để lấy làm căn cứ cho việc sáng tác tượng. Chết cái, ngay cả những ghi chép sử liệu mô tả mang tính ước lệ mơ hồ như vậy, ngày nay cũng tồn tại không nhiều.

 

 

Thứ hai là về lịch sử. Do nhiều hoàn cảnh khách quan và chủ quan mà dẫn đến một thực tế là người Việt hiện nay hiểu biết rất lơ mơ về đời sống văn hoá của tổ tiên. Hỏi hai trăm năm trước trang phục, sinh hoạt của người Việt như thế nào đã là khó rồi chứ chưa nói xa hơn năm trăm năm hay nghìn năm trước nữa. Tất cả kiến thức chúng ta biết về cha ông hiện chỉ dựa vào ít ỏi các di, phế tích, hiện vật khảo cổ, ghi chép sử liệu trong nước còn sót lại không nhiều. Thư tịch cổ nước ngoài viết về Việt Nam cũng ít và sơ lược. Văn hoá truyền khẩu dân gian thì chứa đựng nhiều yếu tố phóng đại, hoang đường khó tin. Nghệ thuật điêu khắc và hội hoạ là cái quan trọng giúp ta có thể hình dung một cách trực quan cụ thể về đời sống xã hội xưa thì không có, hoặc có thì cũng bị phá huỷ gần hết qua các thời kỳ lịch sử. Tóm lại nói chung chung thì được, chứ đi vào chi tiết cụ thể thì… chịu.

Với vốn cứ liệu lịch sử còn nhiều mù mờ chưa biết như vậy, mà các tượng đài danh nhân lịch sử vẫn đi theo hướng tả thực thì việc cho ra đời các bức tượng xấu xí và ngô nghê là điều hoàn toàn dễ hiểu. Những điểm yếu đáng ra nên tránh hoặc tìm cách giảm thiểu thì ta lại xông vào và khuyếch trương nó lên.

Bởi không hiểu biết về phục trang của từng thời kỳ, từng thời đại trong lịch sử dẫn đến việc "mặc" cho tượng danh nhân đủ những thứ linh tinh theo chủ quan suy đoán của người sáng tác. Tư liệu trang phục không có thì ta mượn tạm "trang phục Tàu" cùng thời kỳ, rồi dựa trên vài thông tin sử liệu ít ỏi sót lại để gia giảm thêm những hoạ tiết hoa văn dân tộc trong giai đoạn đó là ra… trang phục ta. Có lẽ vì thế nên trông xa xa tượng ta mà lại cứ thấy hao hao giống tượng… tàu.

 

 

Nói về hình dáng và tướng mạo các danh nhân, ta dễ nhận thấy có quá nhiều điểm na ná giống nhau ở các tượng danh nhân lịch sử mà khó nhận ra điểm đặc sắc riêng của từng nhân vật. Việc mô tả ước lệ các danh nhân trong lịch sử đã không cung cấp cho nghệ sỹ sáng tác được nhiều thông tin về nhân vật. Vậy nên võ tướng thì râu hùm hàm én, mặc áo bào, chống gươm chỉ tay, hoặc vung gươm cưỡi ngựa. Văn nhân thì trán cao, áo chùng, tay cầm bút, tay cầm cuốn thư. Vị nào tinh thông cả văn lẫn võ như Trần Hưng Đạo thì tay chống kiếm, tay cầm cuốn "Binh thư yếu lược".v.v. Với những đặc điểm khái quát mang tính chung chung như vậy thì các tượng danh nhân đều nhang nhác giống nhau. Giả sử nếu đặt các tượng đài cạnh nhau, thì người xem hoàn toàn có thể nhầm lẫn giữa tượng vua Lê với tượng vua Đinh hoặc danh nhân nào khác.

 

 

Bên cạnh đó thì trình độ chuyên môn của nhiều nghệ sỹ làm tượng đài không cao. Khi sáng tác mẫu tượng thiếu sự tham khảo từ thực tế, dẫn đến kết quả là thế và dáng của tượng đài vô lý, cứng nhắc gượng gạo đến vô hồn. Việc thiếu hiểu biết về văn hoá, lịch sử của nghệ sỹ sáng tác cũng dẫn tới những lỗi lầm trần trọng. Tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình là một ví dụ tiêu biểu cho những cái vừa nêu.

Tượng vua ĐinhTiên Hoàng đứng ở vị trí trung tâm Quảng trường Đinh Tiên Hoàng. Vua mặc áo trận, tay trái đặt trên đốc kiếm, tay phải giơ ngang cầm tờ chiếu thư, trong đó có ghi 3 chữ Hán "Chính Thống Thuỷ", nghĩa là "Mở nền chính thống". Tuy nhiên, thế và dáng tượng nặng nề, đuồn đuỗn và cứng ngắc. Tư thế tượng gồng mình hơi quá và hoàn toàn không tự nhiên. Thế và dáng đó không không toát lên được cái thần thái của một vị quân vương. Điểm vô lý hiện rõ ở bàn tay đặt trên đốc kiếm. Hợp lý ra thì bàn tay sẽ nắm vào chuôi kiếm một cách chắc chắn và thoải mái chứ không thể gồng mình nắm tay để hờ hững tạo dáng trên đốc kiếm như vậy được. Động tác đó giả tạo đến gượng gạo. Một sai lầm tệ hại nữa về việc "râu ông nọ cắm cằm bà kia" thể hiện ở việc vua Đinh mặc chiến bào ra trận, tay cầm kiếm nhưng đầu lại đội mũ bình thiên, loại mũ vua chỉ đội khi thiết triều. Tuy nhiên, đỉnh cao của sự thiếu hiểu biết về văn hoá, lịch sử thể hiện ra ở việc các tác giả tượng đài đã "sáng tạo" cho tượng vua Đinh giơ ra tờ chiếu thư ghi thông điệp " Chính Thống Thuỷ". Cả người sáng tác mẫu tượng và người duyệt đều không biết rằng 3 chữ đó không phải có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, mà là đến sau. Khi đền thờ Đinh Tiên Hoàng được xây dựng lại ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư vào thế kỷ thứ XVII, người ta mới treo bức đại tự "Chính Thống Thuỷ"để ca ngợi vua Đinh Tiên Hoàng là người có công mở nền chính thống. Vậy là đời sau ca ngợi vua Đinh chứ không phải vua Đinh Tiên Hoàng muốn cho mọi người xem 3 chữ "Chính Thống Thuỷ"để khẳng định mình là người mở nền chính thống. Sai lầm chết người này chỉ được phát hiện muộn màng khi tượng đã dựng lên. Và giải pháp mang tính chữa cháy là… cưa bàn tay tượng cầm chiếu thư đi để thay vào một bàn tay khác. Tay đã vậy, thế còn cái mũ bình thiên đội đầu thì sao? Chẳng nhẽ lại cắt đầu "cụ" đi để thay đầu mới à? Tượng đã dựng lên, theo tâm linh người Việt thì như vậy là thần đã nhập tượng. Vậy nên cắt đầu "cụ" đi để thay đầu mới vào đâu có dễ, mấy ai cả gan dám làm. Thôi đành cứ để thế vậy.

 

 

Với hơn một nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng quần thể Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế, thì những sai lầm ngô nghê chết người như vậy không thể chấp nhận được. Có một thực tế đáng buồn là không riêng gì tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế, mà rất nhiều tượng đài danh nhân lịch sử khác trong cả nước cũng mắc phải những lỗi lầm đáng tiếc như vậy.

 

Anh Kiệt

Xem thêm các bài liên quan:

Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (Phần 2)

Tượng đài Việt xấu bởi do đâu?


Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm