CHẢY ĐI SÔNG ƠI! (p1)

CHẢY ĐI SÔNG ƠI! (p1)

Ấy là nói về chuyện…đái. Đái ư? Ngày nào ai chẳng mấy bận. Có gì đáng nói?

Ờ, đời nó vậy. Có những cái thiết thân với mình, nhưng vì bởi nó gần gũi cận kề thường ngày quá... nên đâm ra dễ dãi, đánh giá không đúng mức rồi chuyển sang miệt thị khinh khi. Còn nhiều thứ rõ vớ vẩn lại được coi trọng mới tài. Triết nhở:) Cũng giống như ị, đái bị hắt hủi đẩy xuống hạng vớ vẩn nhất trong các hạng vớ vẩn. Bị xếp vào loại "tiện". Nghĩa là thích thì làm mà không thích thì thôi. Đã thế lại chỉ đươc liệt vào hạng "tiểu tiện". Bất công! Quá bất công! Không có cái "tiện" ấy có mà… Thử không "tiện" một ngày xem, vỡ cha nó bụng ra ấy chứ.

Thấm điều này nhất chắc chắn là những người bị sỏi bàng quang. Cái túi chứa nước tiểu gọi nôm là "bọng đái" trương đầy nước mà không làm sao tháo ra được. Bụng dưới căng cứng, đau tức khó chịu kinh khủng. Càng cử động lại càng đau. Lúc đấy mà thấy y tá đến thì mừng hơn trẻ con thấy mẹ đi chợ về nhiều. Bao nhiêu sự xấu hổ, e thẹn ngại ngùng thường ngày vứt hết, vứt hết. Ơn giời... "Mẹ" đây rồi! Và thế là chẳng cần phải nhắc đã tự nguyện giạng tè he ra chờ... thông tiểu. Xong việc, nhẹ cả người! Qua đận đó thì chẳng bao giờ dám miệt thị nói việc đi đái là "tiểu tiện nữa".

"Đái" là từ dân dã thường dùng cho tất cả mọi người, từ ông già bà lão, con trai con gái đến cái hĩm thằng cu.v.v Riêng hơn một chút, âu yếm hơn một tẹo thì gọi là "tè" là "tồ" - ấy là nói về trẻ nhỏ, kiểu như "Thằng cún con của bà lại tè ra giường rồi à!", hay "Cái hĩm ra đây mẹ xi tồ nào".v.v



Là từ thuần Việt, "Đái" mô tả đúng nhất cái việc mà ai cũng biết đó là gì. Nhưng cơ mà nghe nó... hơi thô. Đôi lúc trong một số ngữ cảnh cụ thể mà dùng từ "đái" thì nghe không được thanh cho lắm. Ví như đang loanh quanh đi tìm chỗ giải quyết mà có em gái xinh tươi nào hỏi: "Anh đi đâu đấy?" chẳng nhẽ lại bảo "Anh đi đái" à? Ngượng chết!

Ấy nhưng mà cũng đừng ngượng vội, từ ngữ ta vốn phong phú và biểu cảm. Chả những đậm chất tượng hình mà lại còn réo rắt tượng thanh và giàu liên tưởng. Dân ta lại yêu văn nghệ, máu ca hát, đồng thời cũng có tý sáng tạo. Gì chứ phóng dăm ba câu đại loại như "Ngồi buồn giở… ái ra xem, còn hơn vào rạp xem phim nước mình", hay "Chưa đi chưa biết Cà Mau, đi rồi mới biết... đau hơn cà nhà"... thì chắc ối người làm được. Vậy nên chẳng có việc gì khó đối với người Việt ta cả, kể cả cái việc nghĩ ra từ gì đó "thơ" hơn, "nhạc" hơn, "văn" hơn, hay "học thuật" hơn thay cho từ "đái".

Này nhé, mộc mạc thì gọi là đi tè, đi tồ... nghe vẫn đúng, lại tràn đầy âm thanh, vui tai, không chối như đi đái. Học thuật hơn thì gọi là đi giải, ok chưa? Không tin ư? Thì đây: Giải (嶰) theo Từ điển Thiều Chửu có hai nghĩa. Một là "khe suối trong núi" ; hai là "tên một cái hang".  Ối giời, vậy thì gọi đi giải là đúng quá còn gì. À ha, nước từ trong một cái hang chảy ra là đây chứ đâu. Các cụ nhà mình xưa quả là thâm thuý, chuyển từ «đi đái» dân dã sang «đi giải» nghe nó nho nhã hơn hẳn. Ẩn dụ được cả nguồn gốc mà lại tượng thanh tượng hình dẫn đến trữ tình ghê gớm. Nghe thôi đã thấy tiếng suối khe róc rách rồi.

Ấy là còn chưa kể «giải» với «dải» phát âm khá giống nhau, nên nhiều người vẫn nhầm là «đi dải». Rồi khi hành sự, tia nước vọt ra, lúc cuồn cuộn như thác, lúc mềm mại như dải lụa phất phơ, thì nghe ra cái sự «đi dải» cũng có vẻ như hữu lý. Mà dù chả phải vậy thì cũng cứ nghĩ thế đi nó mới "thú" mới "phê" mới "sướng" mới «bay» chứ. Nhở! Còn người thích lịch sự, thích học làm sang thì họ gọi đi đái là tiểu tiện. Gớm chết...tiểu tiện, tiểu tiện... nghe đã thấy sự chối bỏ khinh khi rồi. Nói chung rất là... lịch kịch.

Những năm mở cửa, tây tàu vào nhiều, việt kiều về chơi cũng lắm. Gớm trông người ta cứ văn minh là, còn mình thì quê quê một cục. Vậy là lại nhao đi học tiếng tây cho đuổi kịp văn minh. Học về, nói được đôi ba câu như «Hê lô» «Goắt do nêm?» «Mai nêm nêm... » gì đấy dân tình đã lác mắt rồi. Sang mồm giờ là khi nói cứ phải đệm tí tiếng tây, phải tỏ ra là mình quen biết việt kiều. Vậy nên khi đi đái thì cứ nói là đi gặp «Guy Li Am Cường» cho nó oách, nó oai.

À rồi lại còn karaoke nữa chứ. Từ khi phong trào hát karaoke du nhập vào, thì đi đái còn có thêm một tên gọi nữa đó là «đi hát". Nhưng từ này chỉ dùng khá hẹp ở một số nơi và một số ít nhóm người. Bởi thế nếu có một ai đó hỏi bạn "đi hát ở chỗ nào ấy nhỉ?" thì rất có thể là họ muốn hỏi chỗ đi giải quyết cái nỗi buồn muôn thủa đấy. 

«Đái» không được các cụ xếp riêng thành một "thú" mà chỉ có "ị" thôi, nhưng thực ra nó cũng là một phần của "thú" rồi, bởi đơn giản đã ị thì nhất khoát là phải đái. Ai ị mà lại không đái mới gọi là tài. Ị thiên hình vạn trạng thì đái cũng chẳng kém đâu. Có ị bậy thì cũng có đái bậy, có ị đùn thì cũng có đái dầm, mà có ị vãi thì cũng có đái vãi lung tung.v.v nói chung đủ cả.



Ị mà vừa đi vừa ị là cái cực chẳng đã, kiểu như bị "Tào tháo đuổi", còn vừa đi vừa đái lại là cái thú rất hay. Nhớ thủa xưa còn nhỏ, có lúc ngẫu hứng cả lũ rủ nhau vừa đi vừa vẽ rồng vẽ rắn rất vui. Rồi còn thi nhau xem đứa nào vẽ được con rồng dài nhất, uốn lượn nhất, vươn cao nhất.v.v Trò chơi thủa nhỏ có nhiều cái ngộ nghĩnh nhưng quả thật là vui, vô tư mà trong sáng.

Nghệ thuật giờ phát triển rất phong phú và đa dạng. Từ Ấn tượng, Dã thú, Siêu thực, Lập thể, Ý niệm, đến Sắp đặt, Trình diễn, VideoArt.v.v với đủ các hình thức thể hiện phá cách tìm tòi cái mới. Chả dụ như người ta dùng vải bọc cả một hòn đảo, hay hất màu có chủ đích trước một quạt gió lớn để tạo thành tác phẩm nghệ thuật. Rồi cũng có thể nhúng râu vào màu, vẽ thẳng lên mặt toan mà chẳng cần dùng đến tay. Hay như nghệ sỹ người Ý Piero Manzoni thì... ỉa vào lon, đóng hộp rồi đem bán mà người ta tranh cướp nhau mua. Bạn không tin ư, nhưng rất tiếc... đó lại là sự thật. (Artist's Shit) – Cứt của nghệ sỹ 100%, thối rinh và... đắt như vàng. À phải nói rõ thêm giá đó là vào thời điểm những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước thôi nhé. Còn giờ thì "Cứt của nghệ sỹ" đã đắt hơn cả kim cương rồi. Mỗi hộp "Cứt của nghệ sỹ" được bán không thấp hơn 60.000 bảng Anh cho… 30gram cứt. Đắt là vậy, thế nhưng các bảo tàng nghệ thuật danh tiếng trên thế giới vẫn tranh nhau mua. Kẻ chậm chân sẽ phải mua lại với giá cao hơn, cao hơn rất nhiều.



Vậy cái thủa vẽ rồng vẽ rắn trên đường thời bé dại liệu có thể phát triển lên như một loại hình nghệ thuật được chăng? Có thể lắm chứ. Nghệ sĩ  Fan Yang - người Canada gốc Việt chỉ vì say mê với trò chơi bong bóng xà phòng thời ấu thơ mà đẩy nó lên thành một môn nghệ thuật làm kinh ngạc biết bao người đó thôi!


Bibo

Xem thêm những bài cùng tác giả:

CHẢY ĐI SÔNG ƠI! (p2)

CHUYỆN... CHÓ! (p1)

 CHUYỆN... CHÓ! (p2) 

Tin tức cùng chuyên mục

  • 16 Jan 2018

Tản mạn về chửi

Trong cuộc sống chắc ai cũng đã từng có lúc... chửi, nghe ai đó chửi hoặc tệ hơn nữa là bị người khác chửi. Tôi cũng ...

Đọc thêm
  • 22 Apr 2018

Làm nỏ ở Mường Bi

Hồi còn trẻ con lê la chân đất mà có được khẩu súng cao su chạc ổi đã là niềm mơ ước lớn rồi chứ đừng ...

Đọc thêm
  • 23 Apr 2018

Lan man điếu... Mường

Ở người Việt, khách đến nhà thì "miếng trầu là đầu câu chuyện", rồi đun nước pha trà, mời nhau "ăn" điếu thuốc… cứ thế câu ...

Đọc thêm