Rơm vàng một thủa!

Rơm vàng một thủa!

Quê vào mùa gặt. Đi trên những nẻo đường tràn ngập chỉ thấy một sắc vàng, ánh vàng lai láng khắp nơi.



Ngoài đồng, những thảm lúa chín vàng trải ngút tầm mắt. Nón trắng lô nhô, lúa bó thành lượm nằm rải rác trên mặt ruộng vừa gặt như những giọt vàng. Từng đoàn xe thồ lặc lè nối nhau chở lúa về thôn vui như chảy hội. Vất vả, nhưng gương mặt ai cũng ngời lên rạng rỡ.

Trời trong và xanh biếc, những đụn mây trắng xốp gợn tít phía xa. Đường vào thôn nắng vàng rực rỡ, dưới chân ngồn ngộn một màu vàng óng ả của rơm. Rơm phơi trải suốt từ ven đê ngoài làng vào tới tận trong từng con ngõ nhỏ. Rơm tràn khắp nơi, chỗ nào cũng một màu rơm vàng ruộm. Rơm trên mái nhà, rơm vương rặng ruối, rơm bám hàng cúc tần khoe sắc cùng đám tơ hồng quấn quýt làm duyên.v.v..



Đi ở quê trong những ngày mùa thật thích. Mùi thơm dịu nhẹ của rơm phơi quyện lẫn cái cay cay của khói bếp, cái thoang thoảng hương hoa vườn nhà… dễ chịu biết bao. Con đường đất mấp mô lồi lõm vẫn đi thường ngày nay xốp lên bởi sắc rơm vàng. Đi trên con đường vừa lạ lại vừa quen. Mỗi bước đi rơm quẩn vào chân níu lại, chân đi như hẫng, người như trôi theo dòng mây rơm.

Rơm gắn bó với dân quê mật thiết nghĩa tình. Quê nghèo, nhà ngói cây mít chỉ đôi nhà khấm khá, còn đại đa số vách đất mái rạ mà thôi. Rơm chung tay góp phần dựng lên nhà mới. Những cọng rơm vàng đem trộn nhuyễn với bùn trát lên làm vách. Còn mái ư? Đã có rạ lợp rồi. Những bó rạ được cắt chuẩn bị khi gặt vừa xong, đánh chụm ngoài đồng cho khô. Đến khi dựng nhà thì ra gánh về lợp mái. Nhà làm xong thơm mùi rơm rạ, ngai ngái mùi bùn, đơn sơ mà ấm áp tình quê.




Chân tình và mộc mạc rơm giúp nhà nông qua cái rét mùa đông. Nhớ mãi cái thủa xa xưa về thăm quê trong giá buốt. Đêm nằm cuộn trong ổ rơm ấm sực nghe bà kể truyện Đức ông, truyện Thánh Gióng, truyện Ma trâu đầm làng.v.v… vừa sợ lại vừa thích. Rúc vào lòng bà, nghe rơm loạt soạt dưới chiếu gai gai. Thời gian như "bóng câu qua cửa", mới đó tưởng gần mà lại hóa xa xôi. Bà giờ cũng đã theo về với tổ tiên làm người thiên cổ, nhưng những câu truyện bà kể thì vẫn đọng lại mãi trong tâm.

Rơm nhen ngọn lửa hồng trong gian bếp nhỏ. Rơm cháy nhanh lửa đượm bởi thế cơm canh đều chóng chín và ngon. Niêu đất nấu cơm, khi cạn nước thì vùi vào lớp tro bếp nóng, quấn một nùi rơm quanh thành rồi đốt bùng lên. Đợi chín bắc ra phủi sạch tro than còn vương trên nắp. Se sẽ mở niêu, mùi thơm của cơm gạo mới bốc lên ngào ngạt. Cơm gạo mới nấu niêu đất đốt rơm chín nục thì chỉ có muối mè ăn cũng được no. Đấy mới là nấu cơm, chưa kể tới cá trê thui rơm nấu canh rau ngót, thịt chó mà không có rơm thui.v.v.. thì đều làm cho món ăn kém vị!



Gặt đã xong, thóc lúa đã phơi khô đựng đầy bồ đầy cót, bấy giờ đến việc của rơm. Rơm phơi khô được đánh thành cây dùng dần kế sang vụ tới. Chỗ đánh cây rơm cần chọn chỗ cao. Muốn cây rơm tròn, không lệch tâm vẹo vọ thì phải đóng tim. Rơm phơi khô đem rải thành từng lớp vòng tròn quanh cột tim tre. Người đánh rơm vừa rải rơm vừa dẫm cho rơm lèn chắc xuống. Khi cây đã cao, người bên dưới bó rơm thành từng bó lớn rồi dùng sào đẩy lên cho người trên rải tiếp. Cứ như vậy đến hết thì thôi.Cuối cùng thì úp lên đỉnh ngọn cây rơm một cái nón mê tránh cho khi mưa nước khỏi theo tim tre vào làm ẩm lõi, âu cũng là trang điểm làm duyên cho ngọn rơm thêm chút. Cây rơm đánh xong rực lên như cái kén tằm vàng óng, sáng ấm cả góc sân. Trông cây rơm ta biết vụ mùa no đủ.



Công việc đồng áng thảnh thơi là lúc nhà nông có thể rảnh rang đem rơm ra bện chổi. Rơm bện chổi tốt nhất phải là rơm nếp. Chọn những sợi rơm đều nhau, bóc bỏ lớp áo vỏ bên ngoài, thân rơm lộ ra trắng ngà trông thật thích. Vừa ngồi sắp những sợi rơm óng ả giúp bà, vừa xem bà vặn rơm bện chổi mà trong đầu câu hát cứ ngân nga:

Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm

Bà bện chổi to bà làm chổi nhỏ

Chổi to bà quét sân kho

Ấy còn chổi nhỏ

bà để cho cháu chăm lo quét nhà!...

(sưu tầm)


Những vụ mùa thủa xưa là vậy, ấn tượng về một màu vàng no đủ, những thóc lúa rơm rạ, những khuôn mặt rạng ngời.v.v.. Mùa gặt xong, chiều hè lên đê chơi thả diều hóng mát, thấy lãng đãng xa xa làn khói lam mảnh bay giữa đồng chiều vàng rực. Lẻ loi cô đơn nhưng thật đẹp.

Đấy là rơm của một thời đã xa, rơm của một thời được quý trọng, một thời làm bạn thân thiết của nhà nông. Nhưng xưa thôi, nay đã khác rồi. Tình đời đen bạc, người với người còn xử nhau như thú… huống chi chỉ phận là rơm. Cái thời nhà đất mái rạ lụp xụp đã thành dĩ vãng. Cổng làng ngõ xóm nay đã khang trang. Nhà ngói nhà tầng đã thay cho những căn nhà đất cũ. Làm đồng máy kéo thay trâu, đun nấu thì bếp ga than củi.v.v…



Rơm bị bạc đãi, rơm bị hắt hủi. Giờ về nông thôn mùa gặt vẫn có rơm, nhưng rơm nằm vạ vật nơi mép đường, rơm nằm sõng xoài nơi mặt ruộng, rơm bị… bức tử. Rơm cháy khắp đồng, khói tỏa vào không trung mờ mịt. Đi trên con đê buổi chiều tà, những ánh vàng rực rỡ cuối cùng của vầng dương bị bụi khói làm cho vẩn đục. Cảm giác thật bất an. Nhớ lại thủa đã xa, thèm thấy một làn khói mảnh lan vào không trung trong vắt buổi chiều vào thu…



Ai ngồi gom rạ giữa đồng

Đốt lên cho khói bay vòng vào thu

(sưu tầm) 



Bibo

Xem thêm những bài cùng tác giả:

CHẢY ĐI SÔNG ƠI! (p1)

CHẢY ĐI SÔNG ƠI! (p2)

CHUYỆN... CHÓ! (p1)

 CHUYỆN... CHÓ! (p2) 


Tin tức cùng chuyên mục

  • 16 Jan 2018

Tản mạn về chửi

Trong cuộc sống chắc ai cũng đã từng có lúc... chửi, nghe ai đó chửi hoặc tệ hơn nữa là bị người khác chửi. Tôi cũng ...

Đọc thêm
  • 22 Apr 2018

Làm nỏ ở Mường Bi

Hồi còn trẻ con lê la chân đất mà có được khẩu súng cao su chạc ổi đã là niềm mơ ước lớn rồi chứ đừng ...

Đọc thêm
  • 23 Apr 2018

Lan man điếu... Mường

Ở người Việt, khách đến nhà thì "miếng trầu là đầu câu chuyện", rồi đun nước pha trà, mời nhau "ăn" điếu thuốc… cứ thế câu ...

Đọc thêm