- Admin
- 19 March, 2020
- Nghệ thuật
Tượng đài Việt xấu bởi do đâu?
Nhiều tiền mà tượng vẫn xấu là vấn đề của các quần thể kiến trúc tượng đài Việt được nói mãi từ năm này qua năm khác.
Ngày 22 tháng 6 năm 2012, tại Hội thảo “Thực trạng và mục tiêu quy hoạch ngành mỹ thuật đến năm 2020” do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức tại thành phố.HCM, vấn đề này lại được nhắc lại. Cũng như bao lần trước, đại diện cho cơ quan nhà nước thì lảng tránh, chỉ muốn nói chuyện “định hướng”, “quy hoạch”. Còn các nghệ sỹ thì ca bài ca muôn thủa: đổ lỗi cho việc phải chiều theo ý bên đặt hàng.v.v.
Vậy rốt cục thì tại sao tiền của đổ và nhiều mà tượng vẫn cứ xấu? Theo quan điểm cá nhân của người viết thì có bốn vấn đề quan trọng dẫn đến hiện trạng thê thảm của tượng đài và các thể loại công trình hoành tráng tại Việt Nam. Đó là:
1. Ảnh hưởng của Văn hóa:
Nghe qua có vẻ không liên quan, nhưng thực ra Văn hoá lại tác động và ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng và bao trùm lên cách suy nghĩ, tầm nhìn cũng như hành động cụ thể của cả người sáng tác, người thưởng thức cho đến người ra quyết định xây dựng các công trình văn hoá.
Tượng đài Bác Hồ tại Cam Ranh
Việt Nam, với đặc điểm địa lý chủ yếu là rừng núi, các vùng châu thổ tập trung đông dân cư thì nhỏ hẹp, nguồn tài nguyên vật lực manh mún và phân tán vụn vặt. Lại thêm thiên tai bão lũ thường xuyên, cộng với chiến tranh liên miên trong suốt chiều dài lịch sử, hết ngoại xâm đến nội chiến.v.v. Tất cả những cái khó đó làm cho người Việt chưa bao giờ có được một khoảng thời gian đủ dài để tích luỹ nội lực và gây dựng cơ sở cho những vấn đề lớn lao tầm cỡ. Trải qua thời gian dài, những yếu tố bất lợi đó dẫn đến sự kìm hãm, tù túng tư duy, khiến người Việt khó có đủ tố chất để làm những công trình vừa to lớn tầm cỡ, lại vừa tinh xảo trau chuốt.
Tượng đài mừng công tại Mường Phăng
Những tuyệt tác kiến trúc và nghệ thuật tạm được gọi là bề thế cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn, trong giai đoạn hưng thịnh của nhà Lý cách đây gần nghìn năm, sau đó thì rơi vào suy thoái, mai một và dần bị thay thế bởi tư duy nhỏ, nhanh, đơn giản phù hợp với thực tế. Giờ đây, những tác phẩm vừa phải, nhỏ xinh là điểm mạnh, hợp với người Việt. Để thay đổi được tư duy này, với sự phát triển ổn định của xã hội, cùng với sự cởi mở trong nhận thức và giao lưu với bên ngoài, có lẽ nhanh cũng phải hai thế hệ nữa thì người Việt mới tự tin bước qua nếp tư duy: nhỏ - nhanh - đơn giản được.
2. Trình độ chuyên môn:
Người Việt khéo tay, có nhiều làng nghề truyền thống khắp nơi, nên có thể có nhiều nghệ nhân, nhưng nghệ sỹ đúng nghĩa lại không nhiều, và nghệ sỹ thực sự tài năng thì quá hiếm (đặc biệt trong lĩnh vực tượng đài).
Tượng đài Thánh Gióng
Các trường nghệ thuật trong nước vốn đã ít, mà nguyên gốc phần nhiều phát triển lên từ các trường đào tạo thợ mỹ nghệ truyền thống. Tất nhiên sau này nhiều trường được nâng cấp thành các trường cao đẳng, đại học nghệ thuật đào tạo đa ngành và đa dạng hơn, nhưng giáo viên và giáo trình vẫn gốc là từ đó đi ra. Các giáo trình đào tạo mới hơn về sau thì cũng là phỏng theo cóp nhặt lại từ những giáo trình cũ kỹ của đông Âu hay Trung Quốc mà những giáo viên được cử đi học mang về từ những thập kỷ 60 giữa thế kỷ trước.
Tượng đài Nguyễn Trung Trực
Với nền móng như vậy, thì hệ thống đào tạo trong nước chủ yếu là dạy điêu khắc cơ bản trong khuôn khổ tượng vườn là chính chứ không đi sâu về làm tượng đài. Tượng đài và quy hoạch tượng đài chỉ là một vài bài tập nhỏ giới thiệu sơ qua trong cả quá trình học chuyên môn mấy năm mà thôi. Thế nên, về cơ bản là học viên ra trường không có nhãn quan về tượng đài. Mà khi nói về tượng đài, sẽ là cực kỳ sai lầm khi nghĩ rằng chỉ phóng to một mẫu tượng vườn lên là đủ. Để có một quần thể tượng đài tốt cần sự hội tụ của nhiều tinh hoa các ngành khác nhau, từ nghệ thuật, kiến trúc, quy hoạch đến kết cấu, vật liệu, tâm lý thị giác.v.v.
3. Cái tâm với nghề và tinh thần "tôn giáo"
Hầu hết các quần thể tượng đài đều là những tổ hợp công trình lớn, mang tính nghệ thuật, biểu tượng cao. Vậy nên có được tác phẩm tượng đài để đời là một vinh dự lớn cho tác giả. Nó là minh chứng rõ nét nhất thể hiện tầm vóc và đẳng cấp nghề nghiệp của người nghệ sỹ.
Thực tế cho thấy ở nhiều công trình tượng đài, định hướng nghệ thuật khởi đầu với những tiêu chí rất cao, nhưng rồi cuối cùng kết quả đạt được thường chỉ ngang tầm… cổ động. Có nhiều yếu tố chi phối để dẫn đến một kết quả buồn như vậy. Từ những góp ý định hướng mang tính áp đặt của một số thành viên Hội đồng duyệt (thường là không có chuyên môn, hoặc chuyên môn thấp nhưng lại có tiếng nói quyết định) nhiều khi không giúp nâng tác phẩm bay lên, mà thường là hạ thấp nó xuống. Hay tình trạng nể nang, xuê xoa nhau giữa các thành viên có chuyên môn trong Hội đồng và nhóm tác giả tham gia dự án (Những người có đủ năng lực chuyên môn làm tượng đài trong cả nước không nhiều, và hầu hết đều có quen biết nhau cả). Hoặc là cả hai.v.v.
Những vết nứt ở tượng đài Điện Biên
Những nghệ sỹ tham gia các dự án làm tượng đài, ngoài việc trình độ chuyên môn phải ở tầm nhất định, thì một điều quan trọng nữa là sự khéo léo trong ngoại giao và mềm dẻo trong việc tiếp thu ý kiến góp ý. Để đi đến mẫu tượng đài cuối cùng, trong quá trình làm phác thảo, nghệ sỹ sáng tác phải tiếp thu rất nhiều những ý kiến góp ý cả về chuyên môn lẫn định hướng chính trị. Chấp nhận sửa theo ý thì dễ trúng, còn không thì trượt. Nghệ sỹ sáng tác được xoay sở "thoải mái" trong một khoảng hẹp bị giới hạn bởi vô số các quy định cứng. Trong cái lồng đó, riêng việc chỉ "xoay" làm sao để tác phẩm "tròn" theo đúng các quy định cũng đủ mệt. Người tài thường "chảnh", vậy nên tác phẩm tốt khó vào. Chưa kể nhiều công trình tượng đài có thể đã được ăn chia ngầm với nhau từ trước thì thi thố chỉ là hình thức mà thôi.
Những hoạ tiết hoa văn xấu xí vô cảm trên bức tượng Phật lớn mới được xây dựng trên núi chùa Phật tích
Một yếu tố quan trọng khác làm xấu thêm các tượng đài Việt là chất lượng thi công công trình kém, ẩu, cẩu thả. Kinh phí cho một công trình tượng đài thường rất lớn (nhỏ thì vài tỷ. Vừa vừa thì vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ. Những công trình trọng điểm thì kinh phí còn cao hơn nữa), nhưng chất lượng công trình thường không tương xứng bởi sự cẩu thả và bớt xén. Người thực thi chỉ tuần túy làm công mà vô hồn với tác phẩm. Kết quả là tượng thì sai tỷ lệ, phù điêu, hoa văn, hình khối thì lem nhem, chất liệu làm tượng đài thì không đảm bảo.v.v. dẫn đến công trình vừa khánh thành xong đã bong tróc hoen gỉ, xuống cấp và lở loét. Cái này thấy rõ ở ngay cả các công trình mang tính tâm linh như chùa chiền - loại công trình nhẽ ra phải được chau truốt, làm đẹp với cả cái tâm và sự sùng kính bởi niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là hàng loạt các chùa xây mới hoặc trùng tu những năm gần đây có kiến trúc, hoạ tiết hoa văn trang trí xấu một cách tệ hại. Vô hồn và vô cảm.
Nét chạm khắc nham nhở cẩu thả ở di tích Thành cổ Sơn Tây
4. Tầm nhìn của chủ đầu tư
Để có các công trình tượng đài đẹp, bên cạnh tài năng của người nghệ sỹ thì tầm nhìn của chủ đầu tư đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến chất lượng của công trình. Do đặc thù là những công trình nghệ thuật mang tầm vóc lớn, nên số tiền đầu tư cho các quần thể tượng đài hay công trình kiến trúc cũng rất nhiều. Thế nên trước đây các công trình này đều có duy nhất một chủ đầu tư, đó là Nhà nước. Tuy vậy, khoảng hai chục năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển thì có một số cá nhân, tập đoàn tư nhân, hội đoàn.v.v. đã có đủ tiềm lực tài chính để đứng ra làm những công trình quy mô lớn.
"Tuyệt tác" Lạc cảnh Đại Nam ở Bình Dương
Với các công trình nhà nước thì như đã nói sơ ở trên: tư duy nghệ thuật cũ mang nặng tính định hướng tuyên truyền đã sản sinh ra rất nhiều những tượng đài… cổ động. Thêm nữa trong quá trình thi công lại bị tham nhũng bớt xén nhiều. Một trong những dẫn chứng cụ thể là công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Khuôn viên, đài tượng chưa xây xong đã sụt lún bong tróc. Chất liệu đồng đúc tượng thì kém, tượng vừa dựng lên đã nứt nẻ, hoen gỉ lem nhem. Một công trình trọng điểm quốc gia mà còn như vậy thì chất lượng nhiều công trình khác như thế nào để mọi người tự đánh giá.
Đối với các công trình do tư nhân bỏ vốn, chất lượng thi công có thể đảm bảo, nhưng lại vướng vào vấn đề khác. Đó là công trình mang nặng dấu ấn cá nhân chủ quan của người bỏ tiền mà ít khi chịu nghe tham vấn chuyên môn (hoặc gặp phải tư vấn chuyên môn yếu kém). Các đại gia rất nhiều tiền, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc có nhiều vốn kiến thức và sự am hiểu văn hoá sâu sắc. Những Đại Nam hay Bái Đính là điển hình cho những cái như thế. Bắt chước đâu đó một cách ngô nghê. To lớn, phô trương nhưng hời hợt đến kệch cỡm.
Kiến trúc to lớn và xa lạ ở Bái Đính
Tóm lại, với bốn điểm yếu cốt tử đang tồn tại trong tư duy và cách làm các công trình tượng đài như vậy, thì không có gì ngạc nhiên khi các công trình tượng đài Việt cứ xấu và... xấu mãi.
Anh Kiệt - songmoi.vn
Xem thêm các bài liên quan khác:
Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (P1)
Lại nói về tượng đài danh nhân Việt (P2)
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)
Tin tức cùng chuyên mục
- 11 Jan 2018
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)
Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...
Đọc thêm- 11 Jan 2018
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)
Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...
Đọc thêm- 16 Jan 2018
Nghệ thuật có cao siêu (P1)
Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...
Đọc thêm