"Đ.M" vài dòng lý giải

"Đ.M" vài dòng lý giải

Trong bài "Tản mạn về… chửi" là một vài suy nghĩ nhỏ của cá nhân về "chửi", và theo quan điểm của tôi thì chửi chuyển tải cảm xúc chân thật nhất, trực quan nhất mà cũng là bản năng nhất của mỗi người. Tùy theo hoàn cảnh và tình cảm của người trong cuộc mà giọng điệu chửi mang những mầu sắc khác nhau, nhưng đại đa số khi nói đến chửi người ta thường hiểu theo nghĩa đen của nó là: dùng những lời lẽ thô tục cay độc để nhục mạ người khác trong cơn tức giận.


"Đ.m" là một trong những câu chửi bậy phổ thông và tục tĩu nhất dùng để mạt sát thóa mạ nhau trong các cuộc chửi bới đánh lộn. Người ta có thể chửi rất nhiều câu thô tục khác, nhưng gần như bao giờ bắt đầu cuộc chiến cũng là từ "đ.m". Nói không ngoa chắc phải có đến 99,9/100 cuộc chửi nhau có dùng từ "đ.m". Không những thế nó còn được sử dụng với tần suất rất cao. Tại sao vậy?

Để giải mã câu chửi "Đ.m" tôi xin dông dài một chút. 

Trong văn hóa của người Việt thì cha mẹ giữ một vị trí tôn kính đặc biệt. Có rất nhiều những mối quan hệ khác nhau từ anh em, họ hàng, ông bà, con cháu.v.v. nhưng cha mẹ vẫn là số một. Bởi theo huyết thống thì cha mẹ là người gần gũi nhất, là người sinh thành dưỡng dục nên ta. Công lao của cha mẹ thật là to lớn, không gì có thể thay thế được. Ngay cả Nho giáo, Phật giáo - những học thuyết, tư tưởng đã ăn sâu cắm rễ và trở thành ý thức hệ của dân tộc Việt cũng khẳng định công lao trời biển của cha mẹ. Theo Nho giáo thì việc giữ cái danh tiết của cha mẹ được trong sạch là bổn phận của người con hiểu đạo hiếu. Với Phật giáo thì đức Phật cũng dạy: "Muôn việc ở thế gian, không gì hơn công nuôi dưỡng lớn lao của cha mẹ" (Kinh Thai Cốt), và "Cùng tột điều thiện không gì bằng hiếu, cùng tột điều ác không gì bằng bất hiếu" (Kinh Nhẫn Nhục). Bởi vậy đạo làm con phải biết kính hiếu với cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi về già và bảo vệ không để kẻ khác làm nhục, làm hại đến cha mẹ.

Tuy nhiên trong cuộc sống thường ngày ai mà chẳng có lúc xung đột cãi vã với người khác, và nếu không khéo giải quyết tất sẽ dẫn đến chửi bới đánh lộn nhau. Đó là lúc con người ta đã cạn tàu ráo máng hết rồi. Lúc này tính người đã mất, tính thú vật hành động theo bản năng trỗi dậy chỉ còn một sống một chết mà thôi. Mọi hành động từ dùng vũ lực đến chửi rủa mạt sát đối phương ở mức cay độc nhất đều được tung ra hết nhằm triệt hạ đối thủ cả về thể xác lẫn tinh thần. Vũ lực thì tay đấm chân đạp.v.v.. đánh vào chỗ hiểm làm cho đối phương đau đớn về thể xác. Mồm miệng thì chửi thẳng vào mặt đối thủ "đ.m mày", xúc phạm tới phần thiêng liêng nhất của họ, làm cho họ đau đớn về mặt tinh thần. (chửi về ông bà, cụ kỵ họ hàng hang hốc, mồ mả tổ tiên.v.v.. của đối thủ cũng được dùng nhiều trong các cuộc đánh chửi nhau, nhưng đầu tiên vẫn cứ phải là "đ.m mày!" rồi mới đến các thứ khác).

"Đ. m mày" Câu chửi bật ra một cách vô thức trong cơn giận dữ thể hiện bản năng gốc đầy thú tính của con người. Nhưng tại sao "đ.m mày" bao giờ cũng là câu chửi được dùng đầu tiên và với tần suất nhiều nhất rồi mới đến "đ.bố mày; đ. cụ mày; đ.mả tổ mày; đ. cả họ hàng hang hốc nhà mày.v.v..". Và tại sao lại cứ phải "đ.m mày" chứ không phải là " đánh mẹ mày; đấm mẹ mày; đá mẹ mày; tát mẹ mày.v.v.."? 




Như đã nói ở trên thì cha mẹ giữ một vị trí tôn kính đặc biệt trong văn hóa của người Việt. Nhưng giữa cha và mẹ thì người mẹ còn có vị trí quan trọng hơn hẳn, bởi từ xa xưa người Việt cổ vốn theo chế độ mẫu hệ và có tục thờ Mẫu (hiện nay còn rất nhiều đền thờ ở các nơi và vẫn đang được mọi người thờ cúng). Sau này trong quá trình phát triển lịch sử, do chịu nhiều ảnh hưởng của các luồng tư tưởng khác, đặc biệt là Nho giáo nên phong tục này bị mai một dần. Xã hội Việt ngày nay là xã hội theo chế độ phụ hệ tuân theo những quy định khắt khe của Nho giáo mà trong đó vai trò của người phụ nữ bị hạ thấp. Tuy nhiên, sâu thẳm trong tiềm thức thì tín ngưỡng thờ Mẫu xưa mà hiện thân là người phụ nữ vẫn được coi trọng bậc nhất. Chỉ có điều nó không thể hiện rõ nét ra hàng ngày mà chỉ bùng phát trong những trường hợp đặc biệt mà thôi. Bởi vậy khi lâm vào những cuộc đánh chửi sống chết lẫn nhau thì bản năng tiềm thức trỗi dậy, nên câu chửi đầu tiên bật ra sẽ là "đ.m mày" chứ không phải là một câu nào khác. 

Con người ngày nay dù đã phát triển lên một trình độ văn hóa rất cao, nhưng gốc rễ vẫn chỉ là một loài động vật với đầy đủ các bản năng của loài thú. Những bản năng sinh lý như ăn, ngủ, giao phối.v.v… đều tồn tại và là một phần tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng con người khác với con vật ở chỗ là biết suy nghĩ điều chỉnh những bản năng đó chứ không để bản năng điều chỉnh mình. và đó chính là một phần của "tính người".

Lần theo dòng lịch sử, khi xã hội loài người phát triển, các tư tưởng học thuyết ra đời định ra những tiêu chí về đạo đức, cách hành xử.v.v.. giữa con người với nhau. Những gì thuộc về "tính con" nói chung đều bị đánh giá thấp và cho là xấu xa, trong đó hành vi giao cấu bị đánh giá là thú tính nhất. Thế nên kẻ nào không kiềm chế được, để bản năng chi phối hành động của mình thì kẻ đó không đáng được gọi là người. Chính vì vậy mà trong các tội nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm.v.v.. thì tội hiếp dâm được xếp vào tội kinh tởm và bỉ ổi nhất (đặc biệt là hiếp dâm người cao tuổi và trẻ vị thành niên). Kẻ nào phạm phải tội này thì bị mọi người khinh bỉ, xã hội xa lánh. Còn khi vào tù cũng sẽ bị bạn tù đánh cho nhừ tử và đẩy xuống loại mạt hạng nhất ở trong tù. 

  Nói đến đây hẳn ai cũng hiểu được phần nào cái sự kinh khủng trong câu chửi "đ.m" này. Vậy nên trong tất cả các câu chửi thì câu "đ.m" là câu chửi tục tĩu nhất và độc địa nhất. Không thể có câu nào khác tục hơn và độc địa hơn câu này. Chỉ với ba từ "đ.m mày" có thể nói là đối phương đã bị "hiếp dâm về mặt tinh thần".

Ngày xưa, khi bắt buộc phải chửi nhau thì người ta cũng tùy theo mức độ, tính chất của vụ việc mà có những câu đối đáp tương xứng chứ chẳng mấy khi lạm dụng nó. Ngày nay thì chửi tràn lan, chửi chẳng ngượng mồm mà cũng chẳng ý thức được nên dừng ở mức độ nào. Bởi thế mới có chuyện bi hài là câu chửi thô bỉ và độc địa nhất lại trở thành… câu cửa miệng. Một số kẻ lại còn thay nó như lời chào hỏi thể hiện sự thân tình thì đúng là... hết biết! Thôi đành lấy lại câu trong bài "Tản mạn về… chửi" làm kết của bài vậy. Ôi cái sự chửi đúng là cái sự…. CHỬI!


Bibo

Xem thêm những bài khác:

Tản mạn về chửi

PHIẾM ĐÀM VỀ "Ị"

CHẢY ĐI SÔNG ƠI! (p1)

CHẢY ĐI SÔNG ƠI! (p1)

CHUYỆN… CHÓ! (p1)

CHUYỆN… CHÓ! (p2)



Tin tức cùng chuyên mục

  • 16 Jan 2018

Tản mạn về chửi

Trong cuộc sống chắc ai cũng đã từng có lúc... chửi, nghe ai đó chửi hoặc tệ hơn nữa là bị người khác chửi. Tôi cũng ...

Đọc thêm
  • 22 Apr 2018

Làm nỏ ở Mường Bi

Hồi còn trẻ con lê la chân đất mà có được khẩu súng cao su chạc ổi đã là niềm mơ ước lớn rồi chứ đừng ...

Đọc thêm
  • 23 Apr 2018

Lan man điếu... Mường

Ở người Việt, khách đến nhà thì "miếng trầu là đầu câu chuyện", rồi đun nước pha trà, mời nhau "ăn" điếu thuốc… cứ thế câu ...

Đọc thêm