Chuyện anh Lương và chú Thưởng

Chuyện anh Lương và chú Thưởng

Đây là một trong loạt truyện giả tưởng "CHUYỆN VỤN QUANH LÀNG" được phóng tác theo phong cách trào phúng, hài hước của tác giả Tam Tú.


1. Chuyện chú Thưởng


Nhà ba anh em. Bác Lậu, anh Lương và chú Thưởng. Mỗi người một tính.

Chú Thưởng là út trong nhà, xanh rớt, gầy gò và ít nói. Nghe anh Lương kể lại thì chú Thưởng sinh non, thiếu những mấy tháng nên hay ốm đau, khó nuôi. Anh bảo: "Thằng Thưởng sống được đến bây giờ cũng là kỳ tích, chứ xưa quặt quẹo mấy lần tưởng suýt chết rồi. Giờ nó đi lúc nào cũng không biết". Nói đoạn anh chép miệng thở dài "Thôi thì cũng là cái số, nó sống được ngày nào mừng ngày đó. Cầu giời!"

Thưởng đi làm xa, đâu như tít tận mãi vùng Mù Cang Chải xa xôi. Ở nơi rừng thiêng nước độc, thể trạng yếu, công việc lại nặng nhọc nên Thưởng ốm suốt. Tiền làm nhiều khi không đủ tiền thuốc. Bởi thế mấy tháng Thưởng mới về thăm nhà một lần.

Thưởng lành, ít nói, nhưng quý các cháu. Vậy nên dù khó khăn, mỗi khi về thăm nhà Thưởng cũng cố dành dụm mua mấy gói kẹo dồi, dăm ba quả ổi, vài cái nịt chun làm quà cho bọn trẻ. Lũ trẻ nhà chị Ví quý chú Thưởng. Thấy chú về là cả lũ chúng ào ra, bọn thằng anh Hóa đơn nhảy lên lưng, đám con chị Học phí bám tay đòi bế, mấy đứa em Ghi nợ kéo túi đòi quà….Thưởng chẳng nói gì, chỉ cười hiền lành xoa đầu bọn trẻ rồi chia quà cho chúng.

Chị Ví nhìn Thưởng xanh xao, nhìn bọn trẻ háo hức tranh cướp túi quà còm mà ứa nước mắt.

Chị quý chú Thưởng và thương cho chính mình.



2. Chuyện anh Lương


Lương là con thứ hai trong nhà,  chồng chị Ví. Anh hiền lành chăm chỉ nhưng… cục tính.

Anh chị lấy nhau được hơn chục năm và đẻ một đàn con lít nhít.

Giống như chú Thưởng, anh Lương cũng đi làm xa. Tất nhiên không phải mãi tận nơi khỉ ho cò gáy xa xôi, anh bon chen lên Hà Nội kiếm tiền.

Thường mỗi cuối tháng, anh bắt xe buýt về nhà, hú hí với vợ và chằm bặp các con.

Mỗi lần anh Lương về là chị Ví mừng lắm, chị ào ra đón anh từ đầu ngõ. Chị nhớ anh.

Gọi là về nhà chơi, nhưng anh đâu có được nghỉ ngơi. Vừa bước chân đến cửa là bác Nợ đã gọi ời ời, rồi hàng xóm lũ lượt kéo sang mách tội mấy đứa con nhà anh phá phách.

Vậy là anh Lương chỉ kịp phớt hôn chị Ví, rồi nháo nhào bổ đi giao ban với bác Nợ, gặp gỡ hàng xóm giải quyết những vụ nghịch dại của lũ con …. nói chung là quay như đèn cù. Xong, chưa kịp hoàn hồn, anh lại vội vã ngược xe lên đường cày cuốc.

Nhớ cái thời chưa vợ, anh Lương cũng đẹp trai phong độ như ai. Chẳng giàu, nhưng đủ tiền ăn tiêu, bia bọt chém gió. Tóm lại…. cũng chả phải dạng vừa đâu. Chị Ví gặp anh lần đầu đã mê tít. Chị thích anh bởi sự hiền lành, nói chuyện có duyên và hài hước.


Các ảnh sử dụng trong bài được sưu tầm trên mạng.


Từ ngày lập gia đình, rồi đàn con nối nhau ra đời, nào là bọn thằng anh Hóa đơn, lũ con chị Học phí, đám em út Ghi nợ.v.v.  anh Lương trầm tính hẳn. Anh bươn bả ngược xuôi kiếm tiền nuôi lũ con háu đói. Con càng đông, anh càng tiều tụy. Đã thế, mấy năm liền kinh tế như xe xuống dốc đứt phanh khiến việc mưu sinh ngày thêm khốn khó.

Hôm nay thấy anh về, chị Ví lại mừng mừng tủi tủi chạy ào ra đón. Đỡ hộ chồng cái mũ, chị ngạc nhiên khi không nghe tiếng bác Nợ ời ời như mọi khi, mà cũng chả thấy hàng xóm kéo nhau sang mách giống mọi lần. Như hiểu được ý chị, anh bảo "Họ đón tôi từ…. đầu làng rồi" nói đoạn anh trầm giọng "Mà tôi cũng chỉ ghé được qua nhà một chút rồi lại đi ngay thôi bu nó ạ!"

Nghe anh Lương nói vậy, chị Ví… hẫng ra như bị hụt hơi. Nhìn anh hốc hác gầy xọm, đen sắt ốm o, mắt chị chợt nhòe đi xót xa.

Chị yêu anh Lương và tự thương cho chính bản thân mình.

Tam Tú

Xem thêm những bài cùng tác giả:

Chuyện bác Lậu

Chuyện tình Lương - Ví


Tin tức cùng chuyên mục

  • 16 Jan 2018

Tản mạn về chửi

Trong cuộc sống chắc ai cũng đã từng có lúc... chửi, nghe ai đó chửi hoặc tệ hơn nữa là bị người khác chửi. Tôi cũng ...

Đọc thêm
  • 22 Apr 2018

Làm nỏ ở Mường Bi

Hồi còn trẻ con lê la chân đất mà có được khẩu súng cao su chạc ổi đã là niềm mơ ước lớn rồi chứ đừng ...

Đọc thêm
  • 23 Apr 2018

Lan man điếu... Mường

Ở người Việt, khách đến nhà thì "miếng trầu là đầu câu chuyện", rồi đun nước pha trà, mời nhau "ăn" điếu thuốc… cứ thế câu ...

Đọc thêm