- Admin
- 21 September, 2018
- Tổng hợp
Lan man chuyện... Trâu
Chuyện đây là những chuyện linh tinh quanh con trâu. Nhớ đến đâu kể đến đó, chuyện nọ xọ chuyện kia, có khi lạc sang cả những chuyện đẩu đâu chẳng dính gì đến trâu cả...
Trâu là một loài động vật ăn cỏ thuộc họ nhai lại. Trâu có hai loại: loại màu da đen xanh(trâu đen) và loại màu da sáng hồng (trâu trắng).Trâu trưởng thành nặng khoảng ba bốn trăm cân gì đấy. Trâu tai lá mít, đít lồng bàn, có hai sừng, bốn chân lại thêm cả khoáy... đại khái là thế.
Thực ra câu chuyện sắp đề cập đây cũng chẳng có ý định đi sâu tìm hiểu về trâu. Việc đó đã có các nhà trâu học lo. Ai muốn tìm hiểu thì liên hệ tới họ. Còn bí quá thì điện thoại tới giáo sư Nguyễn Lân Hùng – người dẫn chương trình: Bạn của nhà nông trên VTV cũng được. Chắc sẽ có lời giải đáp thỏa đáng.
Chuyện đây là những chuyện… linh tinh quanh con trâu. Nhớ đến đâu kể đến đó, chuyện nọ xọ chuyện kia, có khi lạc sang cả những chuyện đẩu đâu chẳng dính gì đến trâu cả."Con trâu là đầu cơ nghiệp" – đấy là các cụ xưa bảo thế. Còn hồi đi học thì được dậy rằng: "Trâu là người bạn thân thiết của nhà nông.v.v." – đấy là SGK bảo thế. Đến bây giờ thì…chẳng biết nữa.
Sao lại không biết? Ờ thì là vì xưa nhà nông nuôi con trâu chủ yếu là lấy sức cày, sức kéo. Trâu dễ nuôi, ị nhiều phân để bón ruộng, lại cho nhiều thịt khi chủ cần.v.v. nhưng đấy là xưa thôi. Còn giờ về quê thì vẫn có trâu, có điều ít hẳn so với trước. Sao vậy? Đơn giản là cày kéo giờ đã có máy làm. Vừa nhanh, vừa khỏe khỏi phải "vắt vắt" với "họ họ" mỏi mồm. Phân á? Thôi khỏi. Phân hóa học đầy, vừa tiện lại vừa sạch. Mà quê mình giờ sắp lên phố rồi. Đất cát nhà cửa tăng ầm ầm. Tấc đất tấc vàng lấy đâu ra chỗ mà làm chuồng trâu! Rồi có làm được thì đâu ra đủ cỏ cho trâu ăn? Chẳng nhẽ lại đi siêu thị mua cỏ? Thế thì chơi quá, ngữ ấy phải là trâu nhà "địa chủ mới" hoặc trâu chọi Đồ Sơn mới cưng thế được.
Tóm lại cơ bản giờ trâu chẳng để làm gì trừ để….thịt. Mà thịt trâu cũng mới nổi gần đây thôi, chứ bì sao được so với thịt bò. Dân mình nhiều khi cũng lạ. Có những thứ xưa chẳng mấy khi vồ vập, chẳng qua ít tiền không mua được bò mới chuyển sang trâu. Thấy miếng thịt trâu còn nhấc lên nhấc xuống chê này chê nọ, giờ lại xô nhau vồ vập khen ngon. Người thực sự thích thì chẳng nói làm gì, nhưng đầy người không thích miệng vẫn khen bai bải. Chê gì? Chê cái giề? Tuổi gì mà đòi chê??? Ông đúng là chả biết cái đếch gì cả. Cái lý nó phải vậy. Thế nó mới ra ta đây là người sành điệu chứ. Ờ! Thế hả! Kể ra muốn sành điệu cũng gian nan thật.
Mốt đặc sản giờ cứ phải là thịt trâu. Trâu xào lá nồm, trâu nướng lò than, rồi lẩu trâu, giò trâu.v.v.đủ cả. Tết qua nhà bạn chơi lại được mời "Ông làm tý rượu với thịt trâu khô gác bếp nhé. Đặc sản mang tận từ Sơn La về đấy. Lấy tận bản hẳn hoi. Trâu thả rừng đấy". Đặc gì! Năm ngoái trâu chết rét nhiều, ăn không xuể thì làm khô gác bếp chứ đặc gì. Nhưng mà cái công vào tận bản đem về thì đúng là quý. Quý quá! Quý quá!
Nói cho công bằng thì trâu trước sau vẫn thế. Vẫn hiền lành chăm chỉ, vẫn nhẫn nại cần cù, vẫn là bạn tốt của nhà nông. Nhưng thời thế nó khác nên trâu bị bỏ rơi. "Có mới nới cũ" vốn là đặc tính của con người mà. Tuy vậy, ở những vùng xa, hẻo lánh thì trâu vẫn giúp người được nhiều việc, bởi vậy vẫn còn được con người yêu quý lắm. Yêu quý đến lúc… hết khó hết khăn. Yêu quý đến lúc có máy cày máy kéo thay trâu thì trâu được đem đi….thịt.
Thủa nhỏ, mỗi dịp hè được về quê là thích lắm. Quê rộng rãi và phóng khoáng chứ chẳng chật chội tý teo như khu nhà tập thể. Ở quê có nhiều điều mới lạ với trẻ con phố thị. Một trong những điều thích thú thủa đó là được đi chăn trâu. Cơ mà khổ, chăn trâu ở đây cũng chỉ là chăn…ké thôi chứ nhà làm gì có trâu để chăn. Sáng ngủ dậy, ăn quấy quá cho xong là tót ngay sang nhà hàng xóm hoặc ra nhà mấy đứa em có trâu theo chúng lùa trâu ra đồng ăn cỏ. Sướng lắm. Cái cảm giác cầm dây dắt trâu điều khiển chúng đi rất thú vị. Có lẽ là do mới lạ nên thích, nhưng thực ra nghĩ lại cảm giác thích chí lúc đó chủ yếu là do tâm lý mình bé tý mà điều khiển được con trâu to đùng. Mỗi khi "vắt, họ" điều khiển trâu rẽ phải rẽ trái hay dừng lại được theo ý khoái ghê cơ. Quay lại nhìn thằng em thấy mặt nó hớn hở khoái cũng chả kém. Nhưng không phải khoái vì điều khiển được con trâu. Nó quen rồi, chuyện hàng ngày. Mà là khoái bởi dạy được mình điều khiển con trâu của nó.
Quay lại chuyện phân gio bón ruộng. Thủa đó ở quê nhà ai cũng cần phân cả. Phân người (phân bắc) tốt thì ai cũng rõ, nhưng ít. Phân chuồng (phân gia cầm gia súc) cùng với phân xanh (lá cây, rong rêu, bèo.v.v. đem ủ hoại) là những loại phân chủ lực bón ruộng. Lúa khoai sẽ tốt tươi, trĩu hạt to củ nếu được bón nhiều phân. Sự thực là vậy chứ không phải "Xấu dây tốt củ" như sau này bọn phản động tuyên truyền đâu nhé. Vậy nên phân quý lắm. Nhà nào nuôi càng nhiều gia súc thì càng có nhiều phân bón ruộng. Nhẽ vậy nên chả có lý gì để con trâu nhà mình lại đi ị vung vít ở đâu đó. Nó phải ị ở nhà, trong chuồng phân nhà mình chứ không phải ở đâu khác. Mà một bãi phân trâu thì to bằng mấy bãi phân lợn. Lại càng có lý do để trâu phải ị ở nhà trước khi ra đồng. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của nó. Cơ mà khổ. Mặc dù đã được rèn rồi, nhưng có phải lúc nào trâu cũng ị được đúng theo thời gian biểu vạch sẵn đâu. Vậy nên buổi sáng ra chuồng thả trâu mà không thấy bãi phân theo quy định là ông chủ nhăn mặt. Nhăn không phải vì thối, mà chính là vì thấy thiếu cái mùi thối quen thuộc của bãi phân trâu nóng mà ông đợi. Nghĩa vụ của nhiều con trâu thời đó là phải… ị mỗi sáng trước khi ra khỏi chuồng. Phải ị!
Có một lần tôi theo chú đi chăn trâu (Chú, nhưng chỉ bằng tuổi tôi thôi. Họ hàng mà). Hai chú cháu ra chuồng mở cửa dắt trâu ra. Chú Còm (Còm là tên gọi ở nhà) nhìn quanh không thấy bãi phân trâu như thường lệ. Chú cau mày. Thế này là không được rồi. Phải ị đã rồi mới đi. Còm vội "H.o.o..ọ!" giữ trâu lại. Trâu ta hồn nhiên vẫy đuôi kéo dây đi ra. "Họ!". Đã bảo không mà lại. Làm bãi phân rồi mới đi được. Con trâu đứng lại, một lúc vẫn chẳng thấy gì cả. Đuôi vẫy, tai ve vẩy thế này là không muốn ị rồi. Phải cưỡng chế thôi. Nghĩ vậy Còm ta dắt trâu đến gí mũi nó vào bãi phân hôm trước bắt ngửi. Đứng một lúc, nhìn đít trâu mãi mà chẳng thấy động tĩnh gì cả. Xung quanh nồng nặc toàn mùi phân trâu hôi quá. Điệu này phải dùng biện pháp mạnh mới xong. Thế là Còm một tay giữ thừng gí mũi trâu vào sát bãi phân, tay kia dùng roi quật lia lịa vào người nó. Khổ cái thân trâu. Nó đứng nhẫn nhục không dám phản kháng gì, từ hai mắt nó nước chảy thành vệt dài. Rồi như nó hiểu ra cái lỗi của nó. Rồi...bụp..bụp...bụp....cuối cùng nó cũng cong đuôi ị ra được một bãi nóng hôi hổi. Xong. Còm ta nhìn bãi phân hỉ hả ra mặt nói: "Cứ phải đánh cho mới xong. Ị ít hơn hôm qua. Nhưng thôi cũng được. Giờ thì đi nào".
Lại nói chuyện phân. Vẫn dính đến trâu. Đó là chuyện đi hót phân rơi phân vãi. Gọi là đi nhặt phân. Đại khái cứ gặp phân là hót tất, chẳng cứ phân trâu. Phân với nhà nông cần như thế nào thì đã nói rồi, không nói lại nữa. Trâu bò dê.v.v thả bãi ăn cỏ buồn là ị. Vẫn biết phân quý, nhưng chẳng lẽ vì mỗi bãi phân mà lại phải dong trâu về nhà? Người thì có khi còn cố nhịn về nhà mà ị chứ trâu bò nó cứ phẹt luôn ra bãi. Bởi vậy mới nảy sinh ra việc nhặt phân.
Người đi nhặt phân rơi thủng thẳng quang gánh hai cái thúng hoặc sảo có lót rơm và tro bếp bên dưới. Đồ nghề hót phân là đôi xương vè (xương sườn) trâu hoặc bò. Cái này rất ngộ. Phải là người khéo léo và có thâm niên lâu năm trong nghề nhặt phân mới dùng được chứ còn người mới vào nghề thì lúng túng lắm. Trông người có kinh nghiệm biết ngay. Họ thao tác nhanh và dẻo như múa. Chỉ hai, ba cái vét là gọn bãi. Xong phủ tro lên trên cho khỏi hôi. Sạch sẽ và gọn gàng. Còn người không có kinh nghiệm thì lung tung bung bét, phải trên chục vét mới xong. Đã thế lại còn lem nhem không sạch. Nói vui chứ nếu xếp hạng nghề như kiểu công nhân thì trình đấy chỉ đáng bậc 1 bậc 2 mới vào học việc. Tiến lên bậc 6 bậc 7 thì đã quá lành nghề. Nhoáng cái là xong. Còn loại ngoại hạng hết bậc vượt tới tầm chuyên gia thì thôi rồi. Khủng luôn! Các chuyên gia hót phân múa đôi vè trâu nhuần nhuyễn như kiếm khách đi bài song kiếm vậy. Bóng đôi vè trâu cuốn lên lượn xuống loang loáng như ảo ảnh. Hót bãi cứt trâu té re chỉ với vài vét trong vòng mươi giây mà thôi. Ờ mà sao Kỷ lục Việt Nam lại không ghi nhận cái này nhỉ?! Vừa bảo tồn một nét văn hóa đang mất dần, mà lại độc đáo rất chi là Việt Nam.
Thường thì trẻ con hay được bố mẹ giao đi chăn trâu tiện nhặt phân luôn thể. Đại khái là bọn con gái. Con gái chăm làm lại chịu khó chăn trâu cắt cỏ...hót phân. Chứ mấy đứa con trai thì chỉ nghịch là giỏi. Mong cho chúng tối đến dong trâu ăn no tắm mát về nhà, đồng thời không có người đến mách tội đã là mừng rồi. Người lớn thì lúc rảnh rang đồng áng cũng hay đi nhặt phân, cũng lại chỉ đàn bà. Đàn ông - có thể thấy họ gánh phân ra đồng trong vụ cày cấy, nhưng chưa thấy họ đi nhặt phân bao giờ.
Người nhặt phân rơi cứ lần theo dấu đường đi của đàn gia súc. Thủng thẳng quang gánh, gặp bãi thì hót, mệt thì nghỉ. Thoải mái tự do giữa đất trời. Thỉnh thoảng có người đi qua chào: "Bác đi đâu đấy!" "Vâng. Tôi tranh thủ đi nhặt ít phân cô ạ", tiện thể hàn huyên thêm dăm ba câu chuyện làng xã, chuyện đồng áng thôn đội.v.v. Đại thể là vậy. Chuyện trò vui vẻ, chẳng ngượng ngập xấu hổ gì. Một việc bình thường như bao việc khác mà thôi. Bây giờ thì…có mà giấu biệt. Người ta ngại khi phải nói là đang làm những việc mà xã hội cho là thấp kém. Có buộc phải nói thì cũng ngượng ngịu nói đại khái thoáng qua. Ấy nhưng nếu có tý danh vọng thành đạt hoặc nghề ngỗng có giá một tý thì lại khác hẳn. Thường sẽ rất thích khi được người khác hỏi về mình. Khi đó, họ cũng nói lướt qua thôi, giọng cố tỏ ra bình thản nhưng trong lòng thì âm ỉ sướng. Đấy là chưa kể tới một số chẳng phải ít rất khoái nói về bản thân. Loại này thì cứ vào chuyện một tí là loanh quanh lại dẫn dắt câu chuyện về mình. Thế rồi thao thao bất tuyệt độc thoại luôn. Mà chuyện nào có hay, nhiều khi còn…thối hơn cả cứt.
Thôi. Phân gio bỏ lại phía sau. Giờ lan man sang chuyện khác. Cưỡi trâu.
Tất nhiên chăn trâu là phải cưỡi rồi. Chăn trâu mà không cưỡi trâu thì chán chết. Dong con trâu ra khỏi chuồng là hai chú cháu nhảy ngay lên lưng trâu nghễu nghệ cưỡi ra ngõ. Tới con đường chung của làng đã thấy lốc nhốc mấy đứa trong xóm cũng đang dong trâu đi chăn rồi. Thế là nhập hội luôn. (Cưỡi trâu quen rồi thì dễ, chứ hồi đầu trèo được lên lưng trâu khó phết. Người thì thấp bé, con trâu lại to lớn kềnh càng, trầy trật mãi mới leo lên được. Đã thế cái xương sống của trâu gồ cao, làm mỗi lần nó bước, người mới cưỡi cứ trẹo hết bên nọ sang bên kia chực ngã. Mà cái giống mới cưỡi thì thường là ham, cứ ngồi mãi trên lưng trâu không xuống. Tối về ê háng đau mông phải biết. Đi đứng khệnh khà khệnh khạng y như thằng kim la).
Cả lũ dong trâu ra bãi tha ma cuối làng. Bãi tha ma rộng, núp xúp gò đống mồ mả lại nhiều cỏ cho trâu ăn. Thả trâu ở đây là nhất. Trâu có cỏ ăn, còn bọn trẻ con tụ tập chơi đủ các trò. Trò chơi của bọn trẻ trâu thì đủ loại. Từ chia phe đánh trận giả đến đào hang hun chuột, bắt cua tát cá, bắt châu chấu cho nó đánh nhau (Trò này khá ngộ, có dịp sẽ nói kỹ hơn trong bài châu chấu cào cào) chán thì nướng ăn.v.v. Trâu bò tụ lại thành đàn nhẩn nha gậm cỏ. Nói chung là thanh bình, chỉ đôi khi mới xảy ra chuyện trâu bò húc nhau. Khi ấy thì náo loạn. Bọn trẻ con vừa thích lại vừa sợ. Chúng xúm quanh hò reo phấn khích. Duy chỉ có hai đứa là không thích tý nào, đấy là hai đứa chủ trâu đang húc nhau. Chúng tìm cách xáp vào bọn trâu đang chọi, túm dây kéo hai con rời khỏi nhau. Trông ghê răng. Nhưng hồi đó trẻ con ngu dại chẳng biết sợ là gì. Đại khái là cũng có lần tách được. Nhưng cũng có lần chúng chọi hăng quá thì chịu. Sợ nhất là khi có một con thua. Nó tế lên chạy trốn, đằng sau con thắng cuộc hăng máu lồng theo. Lúc đó chạy té tát. Không nhanh nó húc phải thì có mà lòi ruột.
Nói chuyện trâu tế. Nhớ lại xưa có lần xuýt mất mạng vì trâu. Ấy là cái đận chơi mãi các trò rồi cũng chán, cả lũ mới ngồi nghĩ ra trò đua trâu. Mà phải là đua đôi, cứ hai thằng ngồi một trâu mà đua. Hai chú cháu cưỡi chung một con trâu đua với bọn xóm ngoài. Bọn trâu thường ngày ù lì thế mà khi đua cũng khiếp ra phết. Nó tế mà như ngựa phi. Chạy một đoạn thì vượt lên được trước. Hai đứa xóm ngoài loi choi bám sát ngay sau. Còm ta quay lại bảo: "Mày ôm chắc lấy chú nhé" rồi ráo riết quất trâu tế vóng lên. Mịa! Cưỡi trâu bình thường thong dong gặm cỏ dễ thế mà sao lúc nó chạy lại khó vậy. Ngồi trên lưng con trâu đang lồng lên huỳnh huỵch mà chỉ trực ngã, người cứ dẹo hết bên nọ sang bên kia theo mỗi nhịp lồng. Thế rồi người cứ trượt dần, trượt dần sang một bên. Tình hình nguy cấp lắm, vội bảo: "Sắp ngã rồi chú ạ!" "Cứ ôm chặt lấy tao!" – Còm ta say máu nói, tay không ngừng quất trâu. Thì vẫn ôm đấy chứ. Không ôm có mà lộn cổ xuống ngay từ khi mới chạy rồi. Hai chú cháu cứ xệ dần sang một bên. Thế rồi trượt khỏi lưng trâu. Chỉ nghe một tiếng "Ho.o...ọ.." rồi chẳng biết gì nữa. Choáng váng. Mở mắt ra thấy mình nằm rệ cỏ, tý nữa thì lăn xuống mương. Bên cạnh, chú trâu đang phì phò thở dốc. Xa xa hai đứa xóm ngoài nhấp nhô trên lưng trâu cười đắc thắng. Người đau ê ẩm, trớt ít da tay, rách toang cái áo. May mà ngã ra ngoài, đúng vệ cỏ không sao chứ ngã vào trong thì có khi đã bị trâu sau giẫm cho thủng bụng. Hú vía!
Cũng tai nạn về trâu, có một chuyện khá là ngộ nghĩnh. Đó là lần cả lũ bốn đứa loi nhoi cưỡi lên một con trâu đang gặm cỏ. Ngồi díu với nhau một vệt từ sát mông tới gần u vai trâu. Trâu thì cứ đủng đỉnh gặm cỏ, bốn đứa thì chí chóe trêu nhau. Bình thường như thế thì cũng chẳng xảy ra chuyện gì. Nhưng mà khổ, đột nhiên con trâu nó bị khụy chân. Thế mới ra chuyện. Đang nhẩn nha gặm cỏ ria đê, chẳng hiểu là do giẫm phải hố hay thế nào đó mà trâu ta đột ngột bị khụy chân trước. Tất nhiên là nó lấy lại được thăng bằng ngay, rồi lại ung dung gặm cỏ như chẳng có chuyện gì. Bốn đứa trẻ ranh nhẹ như cái dải thì làm sao đủ sức nặng mà làm nó khụy hẳn xuống được.Chỉ có điều cái khụy chân thoáng qua ấy nó làm cho bốn đứa ngã lộn cổ xuống vệ đê. Nguy hiểm nhất là lại ngồi trên, nên ngã lộn ngay qua đầu trâu. May mà không dính cái sừng trâu vào bụng. Nghĩ lại hãy còn kinh.
Chuyện về trâu thì nhiều. Chẳng hạn như đi tắm trâu, cưỡi trâu bơi cũng hay. Có một lần cách đây độ ba năm. Lúc từ Sơn Tây về rẽ qua hồ Đồng Mô chơi. Hồ cạn nước lộ nhiều bãi nổi. Chiều tà, nắng như hắt vàng xuống lòng hồ. Đứng trên đê bao nhìn xa xa mấy chú mục đồng đang dong trâu bơi trên hồ rất đẹp. Những sóng nước hình rẻ quạt lan tỏa nhấp nhô sau vệt trâu bơi lấp lánh như được thếp vàng.
Xin kể một câu chuyện cũng lại về trâu thay cho phần kết. Đó là chuyện trâu ở Điện Biên. Năm 2002 Có một chương trình "Du khảo văn hóa xuyên Việt" tên là "Qua miền Tây bắc". Đại loại là chương trình mời các nhà văn hóa nổi tiếng có tên tuổi, phóng viên báo đài của nhiều tờ báo lớn có uy tín trong cả nước tham gia một cuộc hành trình dài rong ruổi khắp vùng Tây bắc. Vừa đi chơi, vừa khảo cứu văn hóa của các tộc người trên dọc đường đi. Chuyến đi được tổ chức quy mô và rầm rộ với gần hai chục xe ôtô và trên trăm khách mời. Toàn những người đáng kính cả. Suốt cuộc hành trình, tối nào cũng có 5-7 phút tường thuật trong chương trình thời sự của VTV. Ở Điện Biên, cả đoàn nghỉ chân tại khách sạn Mường Thanh – Khách sạn lớn nhất thành phố. Chuyện nghỉ ngơi thì cũng chẳng có gì đáng nói. Bình thường. Có một điều đặc biệt của khách sạn Mường Thanh khác so với các khách sạn khác là chìa khóa của từng phòng đều có treo một cái…mõ trâu (Ai đi miền núi đều biết trâu trên đó mỗi con đều đeo dưới cổ một chiếc mõ là bằng tre. Khi trâu di chuyển hay gặm cỏ thì mõ trâu kêu lốc cốc nghe rất vui tai. Mục đích chính của nó là giúp người chủ dễ định vị được chỗ trâu ở đâu trong rừng núi bạt ngàn mà tìm). Tất nhiên, cái mõ trâu treo móc chìa khóa phòng thì không to như cái mõ trâu thật, mà làm nhỏ nhỏ xinh xinh thôi. Lắc lên thì cũng có tiếng kêu nghe vui vui. Trông rất đẹp, lạ mắt và độc đáo. Nhiều người trong đoàn thích lắm. Hội thảo, thăm thú ở Điện Biên xong, đoàn lên đường đi tiếp sang Sa Pa. Lúc ra xe, mới thấy rằng có khá nhiều trâu khoác máy ảnh, đeo mõ toòng teng trên cổ. Nghe đâu sau đợt đó khách sạn phải có thêm quy định "Đề nghị không lấy mõ trâu móc chìa khóa phòng".
Tin tức cùng chuyên mục
- 16 Jan 2018
Tản mạn về chửi
Trong cuộc sống chắc ai cũng đã từng có lúc... chửi, nghe ai đó chửi hoặc tệ hơn nữa là bị người khác chửi. Tôi cũng ...
Đọc thêm- 22 Apr 2018
Làm nỏ ở Mường Bi
Hồi còn trẻ con lê la chân đất mà có được khẩu súng cao su chạc ổi đã là niềm mơ ước lớn rồi chứ đừng ...
Đọc thêm- 23 Apr 2018
Lan man điếu... Mường
Ở người Việt, khách đến nhà thì "miếng trầu là đầu câu chuyện", rồi đun nước pha trà, mời nhau "ăn" điếu thuốc… cứ thế câu ...
Đọc thêm