- Admin
- 25 June, 2018
- Nghệ thuật
ĐIÊU KHẮC HOÀNH TRÁNG (P3): Tượng đài nhưng không phải để trường tồn
Sculpture Today/ Chapter 13: MONUMENTALITY - Tác giả: Judith Collins/ Dịch và hiệu đính: Phạm Long & Đào Châu Hải
Các đài tưởng niệm về hàng loạt nhân vật nổi bật, từ thủy thủ Alain Colas, năm l989, đến Hitler (?) năm 1991 đã được nghệ sĩ Thomas Schutte đề xuất. Chúng mang phong cách thơ ngây (naïve), như để đả phá hình thức biểu hiện nhạt nhẽo, vô vị của chủ nghĩa tự nhiên cổ lỗ đến nhàm chán. Nghệ sĩ phát biểu: "Trong mắt tôi, truyền thống biểu hình đã thất bại khi người nghệ sĩ tạo nên những nhân vật anh hùng trong hệ thống dân chủ mà giờ đây các mạng lưới truyền hình có hiệu quả tuyên truyền lớn hơn nhiều… Quyền lực không còn đại diện bởi một vị vua hay chỉ duy nhất một cá nhân, mà nó gây ảnh hưởng thông qua cả một hệ thống hay vô số mạng lưới chằng chịt được giấu kín. Vì vậy, cơ cấu quyền lực về cơ bản là vô danh, và nó không thể mang một khuôn mặt, hoặc thậm chí một hình hài rõ rệt."
Một trong những tác phẩm phản-tượng đài đầu tiên của Schutte là Cột Anh Đào – Cherry Colunm – tham dự cuộc triển lãm điêu khắc ở Munster. Nó trông thật vui mắt, giống như tác phẩm Cặp Phơi Áo – Clothespin của Oldenburg làm hơn mười năm trước đó, nhưng lại chứa đựng sự giễu nhại ngầm. Ngày trước, những cây cột Corinthian cổ điển có lá ô-rô trang trí trên đỉnh, vậy tại sao không phải là trái cây trong bối cảnh này? Hai trái anh đào vật vã bằng nhôm tráng men ngự chễm chệ trên một chiếc cột vững chắc cao 4 mét bằng đá sa thạch bản địa. Với một tỷ lệ kỳ quặc, tác phẩm trông như một cái máy xay hạt tiêu. Tại quảng trường của các thành phố, những cây cột cao như thế thường nâng đỡ một vật hoặc một nhân vật nào đó bên trên như một biểu tượng lâu đời về quyền lực. Schutte cố ý chọn quảng trường hình vuông này, quảng trường Harsewinkelplatz, để bố trí công trình điêu khắc của mình cho dù Cột Anh Đào chẳng liên quan gì (về mặt lich sử) với địa điểm này. Trông nó có vẻ hơi khiên cưỡng, bất tiện giữa một bãi để đầy xe hơi và san sát các máy tính giờ đậu xe.
Thomas Schutte, "Cột Anh Đào", 1987, nhôm tráng men, đá sa thạch, cao cỡ 6 m. Đặt tại Quảng trường Harsewinkelplatz, Munster, Đức.
Đề xuất về tượng đài kỷ niệm Alain Colas, Đài Kỷ Niệm Về Người Thuỷ Thủ Mất Tích – Monument for a Missing Sailor (1989) rốt cuộc đã không thực hiện được, nhưng Schutte vẫn có dự định làm một bức tượng theo phong cách hiện thực về vận động viên đua thuyền buồm này cho thành phố quê hương mình. Ông dự kiến sẽ đặt nó trên một chiếc bệ nằm dưới lòng sông, sao cho nước triều lúc dâng cao sẽ ngập tới cằm pho tượng. Thủy thủ Colas đã bị mất tích trên biển trong một cố gắng vượt Đại Tây Dương vào năm 1978.
Có một nghệ sĩ thích làm những tác phẩm hấp dẫn cho những không gian công cộng mà chẳng cần đơn đặt hàng. Đó chính là Braco Dimitrijevic. Ông sinh ra tại Sarajevo, là thành phố mà Thái tử Franz Ferdinand của Áo đã bị ám sát vào năm 1914 – một sự kiện gián tiếp dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới Lần thứ Nhất. Bối cảnh này gợi cho Dimitrijevic ý định lấy điêu khắc để phản ánh các sự kiện lịch sử xảy ra thế nào, vừa để tưởng nhớ, cũng như thể hiện được sự nổi tiếng lâu bền của các sự kiện đó trước khi chúng chìm vào quên lãng. Năm 1979, Dimitrijevic đề xuất đồ án một đài kỷ niệm bằng đá mang dòng chữ nói về một người bình thường không ai biết. Khi ngồi trong công viên Schloss Charlottenburg ở Berlin, nghệ sĩ đã gặp một người qua đường không quen biết tên là Peter Malwitz và yêu cầu anh này đưa ra một ngày tháng bất kỳ mà anh ta cho là quan trọng. Malwitz đã chọn ngày 11 tháng 3 – ngày sinh nhật của mình, và kết quả là đài kỷ niệm bằng đá của Dimitrijevic đã khắc lên cả bốn mặt những con số cùng với dòng chữ đầy hy vọng như sau: "11 Tháng 3: Đây Có Thể Là Ngày Lịch Sử Trọng Đại".
Braco Dimitrijevic, "11 Tháng 3: Đây Có Thể Là Ngày Lịch Sử Trọng Đại"
Tại phòng tranh Anthony d'Offay Gallery ở London, vào năm 1999 Maurizio Cattelan lại thể hiện một kiểu đài tưởng niệm khác thường. Vô Đề – Untitled là một tấm bia đá hoa cương rất lớn màu đen ghi tên các trận thi đấu bóng đá quốc tế mà Đội tuyển bóng đá Anh quốc bị thua, và do đó, nó là một tượng đài về sự thất bại. Với những phiến đá đen nhánh ghi danh, nó có sự cộng hưởng mạnh mẽ với Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam của Lin ở Washington, DC. Theo mô tả của Cattelan, đây là một tác phẩm "nói lên niềm tự hào, những cơ hội bị bỏ lỡ và sự mất mát".
Maurizio Cattelan, "Untitled" 1999. Granite, MDF, thép, 2700 chữ viết tay 220 x 300 x 50 cm
Sau nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) và các vụ đánh bom khủng bố ở Omagh, Bali, Madrid và Trung tâm Thương mại Thế giới, việc xây dựng các đài kỷ niệm về những vị anh hùng có vẻ không còn thích hợp, giờ đây chúng ta cần đài tưởng niệm cho những nạn nhân. Eric Fischl đã công bố bức tượng bằng đồng của ông với tiêu đề Ngừời Đàn Bà Lộn Cổ – Tumbling Woman tại Hội chợ Nghệ thuật Cologne vào mùa xuân năm 2002. Nó được trưng bày một lần nữa tại Trung tâm Rockefeller, New York, vào tháng 8 năm 2002 như một đài tưởng niệm về cuộc tàn phá Trung tâm Thương mại Thế giới một năm trước đó. Tuy nhiên, tác phẩm đã ngay lập tức bị loại khỏi cuộc triển lãm. Công chúng phàn nàn rằng chủ đề của tác phẩm quá hiện thực và trần trụi, khiến người xem bị tổn thương. Bức tượng Người Đàn Bà Lộn Cổ có tư thế và phong cách rất gần với tác phẩm Martyr của Rodin và Dòng Sông của Maillol. Phải chăng nội dung và hình thức của nó bình thường quá, ước lệ quá để có thể mang nổi cái sức nặng của chủ đề đớn đau đến khủng khiếp kia?
343. Eric Fischl, "Người Đàn Bà Lộn Cổ", 2001, đồng, 94 x 188 x 129 cm.
So với nước Mỹ và Âu châu, nghệ thuật điêu khắc công cộng tại Viễn Đông không phát triển khả quan lắm vì thiếu hỗ trợ từ các nhà chức trách hoặc những cơ quan có thẩm quyền. Trong khoảng thời gian cuối thập niên 1980, những ý tưởng về nghệ thuật công cộng cũng trở nên phổ biến ở Nhật Bản, song nguồn tài chính dành cho nghệ thuật công cộng chủ yếu đến từ các nhà hảo tâm tư nhân (muốn phát triển nghệ thuật) chứ không phải từ chính phủ. Tình hình tại Trung Quốc cũng đáng lưu ý. Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến 1976 đã bãi bỏ quyền tự do sáng tạo, vì thế, đó là một thập kỷ mà mọi tác phẩm điêu khắc buộc phải bám sát hệ tư tưởng (của Mao Trạch Đông – ND); Hầu hết các thành phố lớn đều có tượng đài Mao Trạch Đông dựng ở khu trung tâm. Tiếp đó, Trung Quốc trải qua một chương trình tăng tốc đô thị hóa, khiến cho điêu khắc góp mặt ngày một nhiều vào môi trường đô thị. Những công trình điêu khắc lúc này tập trung thể hiện các nhân vật lịch sử nổi tiếng của thành phố, hoặc những sự kiện quan trọng, đặc biệt là những cuộc chiến tranh và các trận đánh lịch sử, một chủ đề phổ biến chẳng khác gì thời Victoria và Edward tại Anh quốc.
Tại triển lãm lưỡng niên Venice Biennale năm 1999 có một nhóm tượng rất hấp dẫn được dựng lên dưới sự chỉ đạo của nghệ sĩ Cai Guo-Qiang. Nhóm tác phẩm này được đặt tên là Sưu Tập Trong Sân Nhà Thuê Tại Venice – Venice's Rent Collection Courtyard. Đây là công trình sao chép một tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa (của Trung Hoa) những năm 1965 mang tính tuyên truyền với hơn 100 nhân vật có chủ đề tố cáo sự bóc lột và kìm hãm tự do cá nhân. Ban đầu, tác phẩm này vốn do một nhóm điêu khắc gia Trung Quốc tại Học viện Nghệ thuật Trùng Khánh thể hiện (mô hình). Sau đó, Cai Gou-Qiang mời cả nhóm nghệ sĩ được đào tạo theo truyền thống Trung Hoa qua Venice, và họ đã nặn lại toàn bộ tượng đài trong một nhà kho lớn ở khu triển lãm Arsenale. Như vậy, một tượng đài lớn của nền điêu khắc hiện thực xã hội chủ nghĩa Trung Quốc đã được tái hiện một cách đầy thú vị để khán giả phương Tây chiêm ngưỡng. Công trình này thành công đến mức Cai Gou-Qiang đã giành được giải thưởng tại cuộc triển lãm này.
Gai Guo-Qiang, "Sưu Tập Trong Sân Nhà Thuê Tại Venice", 1999, đất sét, đèn rọi. Kích thước thay đổi. Lắp đặt tại Venice Biennale lần thứ 48. Ý.
Mới đây, với một ý thức mạnh mẽ về cái phi thường, các nghệ sĩ Lee Bul, Jeff Koons và Paul McCarthy đã đề xuất ba công trình đài kỷ niệm phi tiêu chuẩn (alternative, phá cách – ND). Năm 1996, Bul trưng bày một khinh khí cầu rất lớn mang hình tượng của một phụ nữ Hàn Quốc có tiêu đề Tôi Cần Bạn (Tượng Đài) – I Need You (Monument), và yêu cầu khách tham quan bơm căng tác phẩm bằng những chiếc bơm đạp chân. Bul tuyên bố: "Tất cả các đài kỷ niệm – nói tóm lại – là những nỗ lực tập thể, cho dù chúng ta có nhận ra điều này hay không. Vì vậy, hành động bơm khí của tập thể người xem cuối cùng đã tạo nên … cái vật thể khổng lồ này – một vật thể có kích thước áp đảo – không chỉ nhằm phê phán các đối tượng của đài tưởng niệm, mà còn biểu diễn luôn cả cái quy trình khả dĩ hình thành mọi tượng đài."
Lee Bul, "I need you"
Một tác phẩm điêu khắc trương phình to lớn chưa từng thấy, Gã Khờ – Blockhead, cao hơn ba mươi lăm mét đã ra đời theo thiết kế của McCarthy. Gã Khờ được sáng tác dựa trên mẫu nhân vật Pinocchio và các tượng nhỏ một màu của những năm 1970, ví dụ như những con tượng của Tony Smith. Tác phẩm này được thai nghén lần đầu vào năm 2000, với công năng của một gian hàng bán kẹo có lối vào nằm kẹp chính giữa háng. Nghệ sĩ phát biểu: "Những vật căng phồng rất được chú ý, và chúng thường là sản phẩm liên đới. Các công ty lớn thường hay chế ra những sản phẩm mọng căng có màu sắc rực rỡ nhân dịp các sự kiện lớn (để thu hút sự quan tâm của công chúng)… Sắc màu đen đúa của tác phẩm Gà Khờ được sử dụng nhằm cố tình gây ra sự phản tác dụng đối với các đối tượng thương mại như vậy."
Paul McCarthy, "Gã Khờ", 2003, vải mạ vinyl bơm hơi, cao cỡ 35 m. Bày tại Tate, London.
Gã Khờ không phải là một tượng đài được dựng lên để trường tồn; nó rất dễ bị hư hại và phải neo bằng dây cáp. Cũng có những nghệ sĩ khác tư duy theo lối này, và Thomas Hirschhorn là một trong số đó. Sự nghiệp của ông bắt đầu vào những năm l990 với các điêu khắc sắp đặt tạm có kích thước lớn tới mức choán cả khán phòng. Chúng được làm từ các vật liệu rẻ tiền, xài một lần, ví dụ như hộp các-tông, băng dính, lá nhôm và giấy báo. Ông đã thi công các quán trạm (kiosk), ban thờ và những thứ ông gọi là "tượng đài" tại những nơi công cộng, chẳng hạn như vỉa hè. Năm 2002, ông làm Tượng Đài Bataille – Bataille Monument, một cấu trúc tạm – ngợi ca cuộc đời của triết gia "phá bĩnh" (transgressive) người Pháp Georges Bataille (người vượt phá các khuôn khổ luân lý thông thường quy định sẵn của xã hội -ND) – và đặt nó giữa khu phố của người nhập cư tại thành phố Kassel. Georges Bataille từng viết về sự dư thừa quá mức và những quan điểm tiêu dùng, còn tượng đài của Hirschhorn đã được chế tác bằng những bao bì phế thải của ngành công nghiệp tiêu dùng. Với đài kỷ niệm này, Hirschhorn không kể một câu chuyện riêng hay trình bày một cuộc tranh luận cá nhân, mà thay vào đó, ông đã mô tả sự tích lũy vật chất tham lam không có hồi kết, một hiện tượng luôn thấy quanh ta trong cuộc sống hàng ngày.
Thomas Hirschhorn, "Bataille Monument", 2002, Bìa các-tông, giấy báo, vật dụng cũ thải loại. Documenta 11, Kassel, Đức
Những bức tượng về các nhân vật quyền uy và nổi tiếng trong lịch sử thường được đặt ở mặt tiền những di tích kiến trúc lịch sử. Nhưng Koons đã đi ngượi lại lề thói này khi ông đặt pho tượng con chó Puppy của mình trước lâu đài Arolsen, Đức. Puppy là bức tượng một chú chó săn nòi terrier, cao hơn 12 mét, bề mặt được kết bởi 20.000 loài thảo mộc rực rỡ sắc màu được trồng trong những chiếc chậu cảnh nhỏ với sự hỗ trợ của cốt gỗ và khung dây thép. Các loài thực vật là thu hải đường (begonias), bỏng nước (impatiens), cúc (chrysanthemums), thuốc lá cảnh (petunias), phong lữ đỏ (geraniums) và lưu ly đốm tím (lobelias). Chúng phát triển, đâm chồi, đơm hoa, và mọc cao dần lên rồi phai tàn theo vòng đời tự nhiên của mỗi loài thảo mộc. Năm 1996, Puppy là tác phẩm khách mời của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Sydney, Úc, và được trưng bày ngay trước bến cảng thành phố trong dịp lễ hội của thành phố. Để trưng bày tại đây, Puppy được tái cấu trúc thành một công trình bền vững có cốt thép không rỉ gắn kèm hệ thống tưới tiêu có thiết kế đặc biệt. Lần này, công trình chứa tới 70.000 loài thực vật. Sau đó, tác phẩm điêu khắc lại được chuyển đến Bilbao, Tây Ban Nha để bày trong một thời gian dài, để rồi giờ đây nó đã an cư vĩnh viễn trong một tòa nhà nằm ở trước cổng Tân Bảo tàng Guggenheim.
Jeff Koons, "Puppy", 1992. Khoảng 20.000 cây hoa tươi, hệ tưới, đất, gỗ, thép. 12 x 5 x 6,5 m. Guggenheim Museum, Bilbao, Tây Ban Nha
Nghệ sĩ Emily Jacir lại có đồ án về đài tưởng niệm nhằm tưởng nhớ những ngôi làng Palestine bị tàn phá từ năm 1948. Năm 2001, bà mua một chiếc lều bạt lớn của người tỵ nạn và dùng bút chì ghi lên đó tên những ngôi làng, chừa lại những chỗ để có thể bổ xung thêm các tên làng khác về sau. Lúc đầu, bà thêu tên các ngôi làng bằng chỉ đen dày, song do bị quá sức với nhiệm vụ tự đặt ra này, bà quyết định mở rộng cánh cửa studio chào đón bất cứ ai sẵn lòng giúp bà hoàn thành công việc. Đã có 140 người tình nguyện cùng bà tham gia vào hành động tưởng nhớ này. Là công trình kiến trúc di động, chiếc lều bạt này khiến người xem không thể thờ ơ trước thảm cảnh mải miết tha hương và luôn bị xua đuổi của những người Palestine trong cái thế giới lắm bất công và đoạ đầy này.
Emily Jacir, Đài Tưởng Niệm 418 Ngôi Làng Palestine Bị Israel Chiếm Và Phá Huỷ Trong Năm 1948, 2001. Lều tị nạn, chỉ thêu, chất liệu tổng hợp, một cuốn sách đặt trên bệ ghi lại ngày tháng và tên người đã đến và tham gia thêu tên.
(Hết Chương 13) - [Sculpture Today/ Chapter 13: MONUMENTALITY] [Tác giả: Judith Collins/ Dịch và hiệu đính: Phạm Long & Đào Châu Hải] - soi.com.vn
Xem thêm những bài liên quan:
ĐIÊU KHẮC HOÀNH TRÁNG (P1): Từ ông lớn bị phản đối đến sinh viên được tôn vinh |
ĐIÊU KHẮC HOÀNH TRÁNG (P2): Muôn hình vạn trạng quanh chủ đề người Do Thái |
Tin tức cùng chuyên mục
- 11 Jan 2018
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)
Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...
Đọc thêm- 11 Jan 2018
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)
Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...
Đọc thêm- 16 Jan 2018
Nghệ thuật có cao siêu (P1)
Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...
Đọc thêm