ĐIÊU KHẮC HOÀNH TRÁNG (P1): Từ ông lớn bị phản đối đến sinh viên được tôn vinh

ĐIÊU KHẮC HOÀNH TRÁNG (P1): Từ ông lớn bị phản đối đến sinh viên được tôn vinh

Theo định nghĩa của từ điển, tượng đài (monument) nghĩa là "một thứ gì đó gợi nhắc, có tính tưởng niệm". Aldo Rossi, kiến trúc sư người Ý, nói rằng tượng đài "là một dấu hiệu qua đó người ta có thể đọc được những điều không thể thốt ra bằng lời".


Khi nghệ thuật thoát khỏi sự kiểm soát của nhà thờ, nhà nước hoặc giới quý tộc, và cũng đánh mất vai trò lịch sử phục vụ quần chúng của mình, thì các tượng đài nhằm ghi dấu những ký ức về quyền lực, chinh phục và sự hy sinh không còn được đặt hàng cho các nghệ sĩ nữa. Tuy nhiên, trong nửa sau của thế kỷ XX, xuất hiện một nguồn thu nhập mới của nghệ sĩ, nhu cầu tạo dựng các tác phẩm điêu khắc công cộng ngày càng tăng, đặc biệt là tính hoành tráng – quy mô đồ sộ, kỳ vĩ đến choáng ngợp – của chúng ngày càng lấn át rồi thay thế hẳn chức năng cơ bản của công trình: gợi nhớ và mang giá trị hoài niệm.

Tại Mỹ vào cuối thập niên 1960, có những chỉ thị của chính quyền liên bang và các đô thị yêu cầu các nghệ sĩ sáng tác, cả hội họa và điêu khắc, để trang hoàng cho các tòa công sở mới của chính phủ. Chương trình "Nghệ thuật trong Kiến trúc" của Cơ Quan Hành chính Liên bang (GSA) được thành lập vào năm 1963; Chương trình "Nghệ thuật nơi Công cộng" của Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (National Endowment for the Art) ra đời vào năm 1967; đồng thời cũng có những Chương trình "Phần trăm cho Nghệ thuật" (Percent for Art Program) của các địa phương và của nhà nước bắt đầu được khởi động trong giai đoạn này. Philadelphia, thủ đô đầu tiên của nước Mỹ, đã ủy thác cho các nghệ sĩ thực hiện các công trình nghệ thuật để kỷ niệm các anh hùng, những lý tưởng yêu nước và các sự kiện lịch sử. Kết quả là thành phố đã sở hữu một bộ sưu tập có lẽ là lớn nhất về điêu khắc công cộng (tuy chất lượng không phải đồng đều) so với bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới.

Vào giữa thập niên 1960, trùng hợp với các đơn hàng của nhà nước, sự ra đời của công nghệ mới và vật liệu mới, ví dụ như thép Cor-Ten, đã giúp cho các điêu khắc gia khả dĩ thực hiện được những công trình nghệ thuật có quy mô đồ sộ hơn trước nhiều. Nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này đóng vai trò thu hút quần chúng tại những không gian công cộng,cũng như khuyến khích tinh thần tự hào và sự hồi sinh của các thành phố. Chúng bao gồm rất nhiều loại vật liệu, đáng kể về quy mô, bảo đảm tiêu chuẩn về sự "hoành tráng", song rất đáng tiếc điều đó không có nghĩa rằng chúng cũng đáp ứng tiêu chí của những đài kỷ niệm (tượng đài). Trong nhiều trường hợp, chúng không phù hợp với định nghĩa của Rossi. Cũng có những tượng đài đương đại nói lên được nhiều vấn đề, một số gắn với các sự kiện xảy ra trong nửa sau của thế kỷ XX: cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít, sự tàn sát hàng loạt người Do Thái (Holocaust), các thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra, trong khi những tượng đài khác thì đề cập những khía cạnh muôn thủa của thân phận con người như chủ nghĩa anh hùng, chiến công và sự hy sinh. Trong hai mươi năm trở lại đây, số công trình điêu khắc để tưởng niệm về những vụ thảm sát hàng loạt (Holocaust) xuất hiện nhiều hơn bất kỳ một chủ đề tượng đài nào khác, chủ yếu là được làm theo đặt hàng tại Đức và Mỹ.

Tác phẩm Kẹp Phơi – Clothespin của Claes Oldenburg làm cho thành phố Philadelphia cao 14 mét bằng thép Cor-Ten và thép không gỉ. Oldenburg cũng đã thực hiện một loạt tác phẩm điêu khắc hoành tráng, các phiên bản phóng to của các đối tượng khiêm nhường cho một số thành phố trên khắp thế giới, và ngay lập tức được toàn thể công chúng đón nhận trân trọng và đánh giá cao, ngay cả khi chúng thoát ly khỏi khung cảnh và thường không có quan hệ gì tới địa điểm lắp đặt, như trong trường hợp Philadelphia. Oldenburg nổi tiếng với những nỗ lực nhằm dân chủ hóa nghệ thuật, và kể từ khi những đồ vật sản xuất hàng loạt được phổ biến (rộng khắp toàn cầu) và thống trị cuộc sống đương đại, ông nhận thấy không gì hợp lý hơn khi chọn chúng làm chủ đề cho điêu khắc. Nhà phê bình nghệ thuật và curator Rudi Fuchs cho rằng các tác phẩm điêu khắc công cộng của Oldenburg mang tính sưu tầm hơn là phản ánh những ý nghĩa nào đó.


Claes Oldenburg, "Kẹp Phơi", 1976, thép Cor-Ten và thép không rỉ, đế bê-tông, cao 13,72 m. Centre Square Plaza, Philadenphia.


Tom Otterness cũng làm điêu khắc công cộng quy mô lớn, và giống như Oldenburg, tác phẩm của ông là biểu hình người, thường rất hài hước, lôi cuốn công chúng rộng rãi. Năm 1977, ông là thành viên sáng lập của COLAB, một nhóm nghệ sĩ New York muốn cho nghệ thuật trở nên dễ tiếp cận hơn và ít bị ràng buộc với các gallery hơn. Năm 1978, ông nhận được đơn hàng quan trọng đầu tiên từ Chương trình "Nghệ thuật trong Kiến trúc" của GSA. Ông đã thực hiện một công trình điêu khắc dài tới 92 mét, phủ kín bằng các phù điêu đá đúc lại những nhân vật hoạt hình nổi tiếng của mình. Otterness lấy cảm hứng từ các cốt truyện và phong cách của truyện cổ tích và truyện tranh, mặc dù các hình tượng nhân vật hoạt kê của ông thường ẩn ý về quyền lực và đồng tiền. Những bức tượng này có dạng hình học đơn giản, đúc bằng đồng và được đánh bóng.

Cuộc khủng bố tấn công tòa Trung tâm Thương mại Thế giới năm 2001 đã gợi cho Otterness phác thảo một kế hoạch thể hiện hình tượng "Gulliver" dựa theo nhân vật trong truyện Gulliver's Travels của Jonathan Swift (Những cuộc phiêu lưu của Gulliver). Công trình này dự kiến đặt tại Manhattan, nhìn ngang qua sông Hudson hướng về tác phẩm kỳ vĩ Khổng Lồ Than Khóc – một đài tưởng niệm khác về Trung tâm Thương mại Thế giới; song ý tưởng thể hiện hình ảnh Hoa Kỳ như một người khổng lồ bất lực bị những thế lực khác cầm tù đã không được các ủy ban có thẩm quyền chấp nhận.


Tom Otterness, "Khổng Lồ Than Khóc", đồng, 335,3 x 198 x 439 cm, 2002.


Richard Serra là nghệ sĩ Mỹ thứ ba nhận được ủy thác thực hiện một tác phẩm điêu khắc tượng đài công cộng cho đô thị. Lập trường của ông rất khác với Oldenburg và Otterness. Ông nói thẳng: "Tác phẩm điêu khắc của tôi không phải là đối tượng để người xem dừng lại và quan sát. Cái mục đích cổ lỗ khi đặt tác phẩm điêu khắc trên bệ cao là tạo ra sự xa cách giữa tác phẩm và người xem. Tôi quan tâm đến việc tạo ra một không gian hành vi mà trong đó người xem tương tác với tác phẩm trong bối cảnh của nó." Ông đã được Chương trình "Nghệ thuật trong Kiến trúc" ủy nhiệm thực hiện một công trình cho Quảng trường Liên bang (Federal Plaza) tại New York, khu vực tập trung nhiều cơ quan hành pháp và hành chính thành phố; ông đã đề xuất và dựng lên tác phẩm Vòng Cung Nghiêng – Titled Arc, một kết cấu bằng thép tấm Cor-Ten với bề mặt được ăn mòn tới mức rỉ sét.

Richard Serra, "Vòng Cung Nghiêng", 1981, thép Cor-Ten, 3,7 x 36,5 m, Federal Plaza, New York. Đã bị dỡ bỏ ngày 15/3/1989.


Có chiều cao 3,7 mét, dài 36,5 mét và độ dày 6,4 cm với tổng trọng lượng 73 tấn, Vòng Cung Nghiêng được đặt yên vị vào tháng 7 năm 1981. Nó chiếm lĩnh một vị trí cụ thể, nghĩa là tỷ lệ, quy mô, chất liệu và hình thức của nó đã được tính toán một cách cẩn thận sau khi nghệ sĩ khảo sát, đo đạc kỹ lưỡng khu vực dự kiến lắp đặt tượng. Serra mong muốn tác phẩm điêu khắc này "làm thay đổi và phá bỏ chức năng trang trí của quảng trường này, để tái xác lập lại không gian" cả về mặt khái niệm lẫn nhận thức.

Tác phẩm đã thành công (đạt được mục đích đề ra) khi những người chống đối có phản ứng mạnh mẽ việc lắp đặt nó. Hai tháng sau khi Vòng Cung Nghiêng được dựng xong, đã có một kiến nghị yêu cầu dỡ bỏ nó với 1.300 chữ ký của các nhân viên làm việc trong các tòa nhà văn phòng quanh Quảng trường Liên bang. Một người đã mô tả nó như "một chiến luỹ chống tăng để ngăn chặn trận tấn công vũ trang xuất phát từ khu phố Tàu (Chinatown) khi xảy ra cuộc xâm lăng của Xô Viết". Một phiên xét xử kéo dài ba ngày trong tháng 5. 1985, đã đi tới biểu quyết chấp nhận tờ kiến nghị loại bỏ tác phẩm điêu khắc này (ra khỏi quảng trường). Nhận được hung tin, Serra phát đơn kiện chính phủ Mỹ đòi bồi thường bốn mươi triệu đô la vì việc vi phạm hợp đồng ủy thác thực hiện công trình điêu khắc, nhưng vụ tố tụng của ông không thành. Vào ngày 15 tháng Ba năm 1989, công trình Vòng Cung Nghiêng đã bị xẻ nhỏ thành nhiều khúc và bị chuyển đến một bãi phế liệu kim loại. Serra vẫn tiếp tục sáng tạo các tác phẩm điêu khắc tượng đài bằng thép cho các thành phố lớn như London và Berlin, nhưng không làm thêm bất kỳ một công trình nào cho nước Mỹ nữa.

Ở châu Âu, vào thập niên 1980, một số thành phố đã ra những quyết định về "Chương trình Nghệ thuật Công cộng" như một nhân tố quan trọng trong công cuộc tái thiết môi trường của họ. Tại Anh quốc, đó là các thành phố như Birmingham, khu vực nội đô London, và vùng mở rộng Đông-Bắc của Newcastle và Gateshead. Khu vực Đông Bắc mở rộng của Newcasstle và Gateshead đã có rất nhiều chủng loại điêu khắc công cộng với quy mô lớn, trong đó có các công trình hoành tráng của Juan Munoz, Mark di Suvero, Alison Wilding, David Mach, Tony Cragg, Richard Deacon và Claes Oldenburg. Tác phẩm lớn nhất là Thiên Thần Miền Bắc – Angel of the North của Antony Gormley, nằm tại khu A1 ven đô của Gateshead với chiều cao 20 mét và sải cánh dang rộng tới 54 mét. Ngay từ năm 1994, Hội đồng quản hạt vùng này đã quyết định ủy thác cho các nghệ sĩ thực hiện "một hình ảnh mang tầm vóc thiên niên kỷ, một di tích và là thành hoàng của thành phố".


Antony Gormley, "Thiên Thần Miền Bắc", 1998, thép Cor-Ten, cao 20 m, cánh rộng 54 m


Nói về ẩn ý trong tác phẩm Angel của mình, Gormley cho biết: "Tôi muốn làm một cái gì đó để chúng ta có thể chung sống cùng, là nơi cất chứa những cảm xúc – những cảm xúc có lẽ chúng ta không hề biết đến cho tới ngày cái này xuất hiện tại đây, hoặc những cảm xúc không thể phát sinh cho đến khi có tác phẩm này". Tác phẩm khổng lồ này của ông là một trong số những tượng đài đương đại hiếm hoi, với hình tượng con người mang trên mình đôi cánh máy bay. Đây chỉ là một công trình hoành tráng, choáng ngợp, hay nó cũng là một tượng đài? Bản thân nghệ sĩ thì coi đây là đài kỷ niệm về ngành công nghiệp sắt thép của vùng Gateshead.

Hai điêu khắc gia người Anh khác, Raymond MasonMichael Sandle, cũng đã có những tượng đài biểu hình người và các công trình kỷ niệm, nhưng không nổi tiếng bằng Gormley, một phần vì họ làm việc ở nước ngoài. Để có cảm hứng, cả hai đều rà soát kỹ lưỡng các công trình nghệ thuật cũ, vì thế, các tác phẩm điêu khắc biểu hình hiện thực của họ bị xem là không thuộc phạm trù "nghệ thuật đương đại".

Sống và làm việc tại Paris từ năm 1947, Mason đã làm một phiên bản quy mô lớn phóng đại bằng sợi thủy tinh sơn màu với tiêu đề Thảm Kịch Miền Bắc, Mùa Đông, Mưa, Và Nước Mắt – A Tragedy in the North, Winter, Rain and Tearsnhư sự hưởng ứng với một bài báo kể về thảm họa tại mỏ Liévin miền bắc nước Pháp. Mason thay đổi tiêu đề và nội dung bài báo, không nói cụ thể về Liévin, để tác phẩm đối thoại với một công chúng rộng rãi hơn, mặc dù có thể nhận ra một đống xỉ đen xì ở nền phía sau và các tòa công xưởng sao chép từ khu mỏ này. Cánh tay giơ lên của nhân vật trung tâm bên trái như lôi cuốn người xem bước vào tác phẩm, còn về hình thức, nhân vật này cân bằng với người thiếu phụ than khóc đằng trước đang bước ra ngoài. Nội dung tác phẩm thật rành rẽ và dễ hiểu – một thể hiện mạnh mẽ về nỗi tủi buồn khổ đau của quần chúng, của cộng đồng.


Raymond Mason, "Thảm Kịch Miền Bắc. Mùa Đông, Mưa, Và Nước Mắt, 1975-7". Nhựa epoxy, acrylic, 287x321x134 cm.


Sandle dành phần lớn sự nghiệp đời mình cho các tác phẩm điêu khắc biểu hình về chủ đề chiến tranh và mất mát – những đối tượng chính của các đài tưởng niệm và đài kỷ niệm. Hai công trình công cộng được ủy nhiệm gần đây nhất là Đài Tưởng Niệm Siege-Bell – Siege-Bell Memorial (1989-93) tại đảo Malta, và Đài Tưởng Niệm Thủy Thủ – Seafarer's Memorial (công bố năm 2001) tại thành phố London.

Nhưng đã từ rất lâu trước khi hoàn thành hai công trình này, ông còn có một tác phẩm điêu khắc lớn và phức tạp bằng đồng,Đài Tưởng Niệm Thế Kỷ 20 – Twentieth Century Memorial, nhằm phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ. Hình tượng trung tâm là một bộ xương với chiếc đầu của chú chuột Mickey Mouse đui mù đang sử dụng cỗ súng máy Browning khổ lớn. Bề mặt mạ vàng của hầu hết các hiện vật bằng đồng tạo nên một không khí hấp dẫn và quý giá chẳng liên quan gì tới chủ đề (chiến tranh). Nhân vật hoạt hình Mickey của Disney mang vào tác phẩm một hương vị Mỹ, nhưng bộ xương và khẩu súng lại cất lên thứ ngôn ngữ của đại chúng toàn cầu.


Michael Sandle, Đài Tưởng Niệm Thế Kỷ 20, 1971-8. Đồng, đồng thau, gỗ. 126 x 522 x 522 cm. Tate, London.


Trái ngược hoàn toàn với cá tính đau đớn đến lạnh lùng trong các tác phẩm phản chiến của Sandle, công trình kỷ niệm chính thức do nhà nước ủy nhiệm, Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam – Vietnam Veterans Memorial, là một bức tường kỳ vĩ do Maya Lin thiết kế và cất dựng trong khu vườn Constitution Gardens tại Washington Mall của thủ đô Washington,DC.

Công trình này khánh thành đúng vào ngày Lễ kỷ niệm đình chiến (Armistice Day), ngày 11. 11. 1982; nó có vẻ đẹp lạ kỳ, vừa u tịch lại tao nhã. Ý tưởng về một đài tưởng niệm chính thức của nước Mỹ về cuộc chiến Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra thảo luận vào năm 1979 cùng hai hecta đất tại Washington được dành sẵn cho nó, mặc dù lúc đó chưa có ý tưởng cụ thể nào về những gì cần dựng lên ở đây. Một cuộc thi quy mô được tiến hành với hơn 1.400 tác phẩm dự thi mà người thắng cuộc là Maya Lin, một sinh viên kiến trúc trẻ người Mỹ gốc Á. Bản đề án của cô là hai bức tường đá granite đánh bóng màu đen, mỗi bức dài 76,2 mét và nơi cao nhất là 3,048 mét, được dựng trên một con dốc phủ cỏ, và khắc tên của 58.000 lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam.


. Maya Lin, Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam. 1982. Hai bức tường đá granite đánh bóng, có khắc tên. Mỗi bức tường dài 76,2 m, chỗ cao nhất là 3,048m. Constitution Garden, Washington, DC


Lin chọn vật liệu đá granite đen Ấn Độ cho tác phẩm này bởi nó sẽ là "tấm gương soi khi được đánh bóng. Và điều quan trọng là bạn sẽ thấy hình ảnh của mình in lên lấp lánh trên những dòng chữ khắc tên tử sĩ này… Đài tưởng niệm các cựu binh của cuộc chiến Việt Nam đã… thành hình từ những hoạt động đục đẽo đất đá và đánh bóng bề mặt – đất đá đã bị phi vật chất hóa khi chúng trở thành những bề mặt thuần khiết." Đối với nhiều nhà phê bình, công trình này dường như đơn giản quá, vì thế, năm 1984 nó được bổ sung một nhóm tượng đồng biểu hình của nghệ sĩ Frederick Hart thể hiện hình tượng ba người lính, rồi tiếp sau đó, vào năm 1993, một nhóm tượng nữ quân nhân bằng đồng nữa lại được thêm vào quần thể tưởng niệm này.



Từ SCULPTURE TODAY của Judith Collins/Chương 13: MONUMENTALITY Biên dịch: Phạm Long - Hiệu đính: Đào Châu Hải - soi.com.vn

Xem tiếp những bài liên quan khác:

ĐIÊU KHẮC HOÀNH TRÁNG (P2): Muôn hình vạn trạng quanh chủ đề người Do Thái


Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm