- Admin
- 07 May, 2020
- Nghệ thuật
Sơ lược về Mỹ thuật Đương đại Trung Quốc
Nhằm bổ sung thông tin cho số Mỹ thuật Đương đại, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết ngắn của nhà nghiên cứu Huệ Viên về Mỹ thuật Đương đại Trung Quốc để bạn đọc tham khảo
AI WEIWEI (NGẢI VỊ VỊ) – Hộp ánh sáng. 2008
Năm 1978, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và thực hiện những cải cách kinh tế quan trọng. Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó nới lỏng kiểm soát của chính phủ đối với đời sống cá nhân của công dân; các công xã nhân dân từ thời Mao Trạch Đông bị bãi bỏ nhằm tạo điều kiện cho thuê đất tư nhân. Sự kiện này đánh dấu Trung Quốc chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế hỗn hợp, với sự gia tăng của môi trường kinh tế thị trường mở. Từ đây, mỹ thuật Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới. Đề tài được mở rộng, nhấn mạnh đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân hơn là sự kiện lịch sử hay chiến tranh. Những tác phẩm nổi bật trong những năm này có thể kể đến như: "Người cha" của Luo Zhongli, "Những vòng tròn Tây Tạng" của Zhen Danching, "Những ngày gian khó" của Lin Gan và Pantao, "Bài ca thảo nguyên" của Zhan Zanjin, "Cô dâu Tây Tạng" của Jin Shan… Các nghệ sĩ hướng đến cảm xúc cá nhân, tâm trạng tự sự và cách nhìn thế giới bằng con mắt chủ quan của mình.Đáng chú ý là sự ra đời và hoạt động của nhóm "Những ngôi sao", khoảng 1979-1983. Các nghệ sĩ thành viên của nhóm bao gồm Zhang Hongtu, Zhang Wei, Yan Li, Yang Yiping, Qu Leilei, Mao Lizi, Bo Yun, Zhong Ahcheng, Shao Fei. Họ được coi là những người tiên phong cho nghệ thuật đương đại của Trung Quốc. Chủ yếu là tự học, các "ngôi sao" này đã lên tiếng bảo vệ chủ nghĩa cá nhân và tự do ngôn luận cả trong công việc sáng tác và các hoạt động công cộng. Lấy kinh nghiệm cá nhân và các vấn đề xã hội làm đối tượng, họ đã chuyển hướng khỏi Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sau khi triển lãm ở Công viên Bắc Hải (Bắc Kinh, 1979) bị chính quyền đóng cửa, các thành viên đã biểu tình và đấu tranh. Họ đã thành công trong việc mở lại các cuộc triển lãm khác, nhưng cuối cùng nhóm cũng tan rã vào năm 1983 bởi các thành viên phải sống lưu vong dưới áp lực chính trị.
Luo Zhongli – Người cha. 1980. Sơn dầu. 215x150cm. Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Bắc Kinh
Năm 1985 là cột mốc đáng nhớ đối với nghệ thuật đương đại Trung Quốc với sự ra đời của cái gọi là "Cái nhìn mới 1985", có vẻ như được nhà nước "gật đầu". Nó góp phần giải phóng ý thức hệ và phản ánh tiến trình chính trị cải cách và cởi mở. Những quan điểm mới từ phương Tây đã ảnh hưởng đến nghệ thuật đương đại nước này một cách rõ nét và chính thống hơn. Hầu như tất cả các xu hướng nghệ thuật hiện đại đều được du nhập và thử nghiệm. Thú vị thay, trong sự giao lưu với thế giới, có nhiều nghệ sĩ quay lại khám phá nghệ thuật truyền thống của mình, ví dụ tranh thủy mặc của Huang Quiyuan, Wang Yung…vừa có nét truyền thống nhưng cũng có vẻ phù hợp với hội họa Biểu hiện.
YUE MINJUN – Bên hồ. 1994. Sơn dầu
Đầu những năm 1990, đã có sự tiếp xúc chưa từng có của các nghệ sĩ thị giác trẻ ở Trung Quốc với các cơ quan giám tuyển có trụ sở ở nước ngoài. Những người phụ trách địa phương trong nước như Gao Minglu và các nhà phê bình như Li Xianting đã củng cố việc quảng bá các nhân vật mới nổi đồng thời truyền bá ý tưởng nghệ thuật như một lực lượng xã hội mạnh mẽ trong văn hóa Trung Quốc. Về sáng tác, đáng chú ý trong giai đoạn này xuất hiện xu hướng Hiện thực hoài nghi (cynical realism), được tạo ra bởi các nghệ sĩ như Fang Lijun, Liu Wei, Yue Minjun.
QU LEILEI – Người lính. 2013. Mực trên giấy. 170x90cm
Sang thế kỷ 21, nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã có đầy đủ hội họa, phim, video, nhiếp ảnh và trình diễn…Tuy nhiên, các triển lãm nghệ thuật được coi là gây tranh cãi đôi khi bị chính quyền đóng cửa, và các nghệ sĩ phải đối mặt với mối đe dọa bị bắt giữ. Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có sự khoan dung hơn, mặc dù nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế vẫn bị hạn chế tiếp xúc với truyền thông tại nhà hoặc có các cuộc triển lãm được yêu cầu đóng cửa. Các nghệ sĩ thị giác đương đại hàng đầu bao gồm Ai Weiwei, Cai Guoqiang, Cai Jin, Chan Shengyao, Concept 21, Ding Yi, Fang Lijun, Fu Wenjun, He Xiangyu, Huang Yan, Huang Yong Ping, Han Yajuan, Kong Bai Ji, Li Hongbo…
Theo Tạp chí Mỹ thuật
Tin tức cùng chuyên mục
- 11 Jan 2018
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)
Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...
Đọc thêm- 11 Jan 2018
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)
Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...
Đọc thêm- 16 Jan 2018
Nghệ thuật có cao siêu (P1)
Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...
Đọc thêm