Mỹ - Trung: thuế mậu dịch và chiến tranh thương mại

Mỹ - Trung: thuế mậu dịch và chiến tranh thương mại

Đánh thuế mậu dịch trên hàng nhập không phải là một chuyện xấu hay là hi hữu. Nó đã có từ lâu, và được áp dụng nhiều lúc nhiều nơi.


Ông Donald Trump đắc cử tổng thống nhờ vào chính sách "bài ngoại" vào một giai đoạn khó khăn, chí ít là về mặt tâm lý, đối với một thành phần cử tri của Hoa Kỳ. Nước Mỹ bị đe dọa mất vị thế siêu cường độc nhất vui vẻ, từ lúc bên ngoài thì Liên Xô tan rã trong thập niên 90, bên trong thì bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của kinh tế toàn cầu mới. Trump đắc cử nhờ đáp ứng yêu cầu này của quần chúng, bằng hứa hẹn rút khỏi các hiệp ước chính trị hay hiệp ước trao đổi, đòi xây tường kiên cố vạn lý ở biên giới. Cũng nằm trong sách lược tự cô lập này là đánh thuế mậu dịch trên hàng nước ngoài và giảm bớt thâm thủng cán cân thương mại.

Đánh thuế mậu dịch trên hàng nhập không phải là một chuyện xấu hay là hi hữu. Nó đã có từ lâu, và được áp dụng nhiều lúc nhiều nơi.

Đó là một trong những cách bảo vệ thị trường nội địa khi mặt hàng sản xuất trong nước yếu kém về mặt nào đó so với hàng nhập từ nước ngoài. Ta bèn đánh thuế nhập, khiến hàng nhập giá tăng lên và bớt người mua. Hàn Quốc (hay Malaysia, Thái v.v.) đánh thuế mậu dịch cao trên xe con nhập vào để bảo vệ sản xuất xe con trong nước. Nhật cấm hẳn nhập lúa gạo để bảo vệ nông dân của họ, canh tác cổ truyền 3 sào ruộng bé tị với giá thành sản phẩm rất cao.

Như vậy, đánh thuế hàng nhập là một cách tự vệ của kẻ yếu.Chính sách đánh thuế mậu dịch được gọi là chế độ bảo vệ mậu dịch.


Hí họa của tờ Montreal Weekly Witness năm 1925 cho thấy các ngành nghề khác nhau ở Canada đang phải chịu thuế cao của Mỹ. Họ đặt câu hỏi, chúng mình còn phải mang hắn (các nhà sản xuất Mỹ) bao lâu đây? Hình từ trang này 

Ngược lại, thằng mạnh trong lãnh vực bao giờ cũng thích tự do tranh thương. Khi ta mạnh thì ta tuôn hàng ra khắp nơi và hô hào tự do giao thương, thế giới là một nhà. Và cái nhà toàn cầu hóa này là… của ta.



Hí họa từ trang này cho thấy sứ mệnh của Mỹ thay đổi tùy mạnh yếu.Khi thì đề cao dân chủ, tự do, tự do giao thương; khi lại chỉ Mỹ là ưu tiên hàng đầu.


Đơn giản thì là thế. Giờ, trong khi giao thương tự do và trao đổi, có bán ra và có mua vào. Cái này gọi là cán cân mậu dịch.


Hí họa từ Internet vẽ cán cân mậu dịch của Úc với nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.


Nói cho dễ hiểu: anh Hai Đồng Tháp thu hoạch nhiều lúa gạo. Anh dư giả bán cho hàng xóm thì anh có tiền. Anh Ba Bình Hòa có xưởng may. Anh bán cho hàng xóm rất khá. Anh Tư khu chế xuất láp ráp điện thoại di động, anh bán cho hàng xóm và anh trở nên giàu. Tay hàng xóm này, chẳng biết nó làm gì, ăn thì nó mua gạo của anh Hai, mặc thì nó mua áo của anh Ba, muốn nhắn tin cho cô Bảy quán bi-da thì nó bảo anh Tư mày đưa cho tao một cái điện thoại mới! Như vậy mua nhiều bán ít dẫn đến thâm thủng thương mại.

Hãy thử xem cán cân mậu dịch giữa Viêt Nam và Hoa Kỳ chẳng hạn. Trong 20 năm qua, cán cân mậu dịch giữa Mỹ và Việt Nam đi từ chỗ Mỹ bán cho Việt nam nhiều hơn 280 triệu đến chỗ Việt Nam bán cho Mỹ nhiều hơn 39 tỉ. Vậy là tốt cho ta, nhưng có hại gì cho Mỹ chăng?

Thâm thủng thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc vào 1998 là 57 tỉ, 2008 là 268 tỉ, đến 2018 là 419 tỉ. Sổ nợ của Hoa Kỳ với Trung Quốc tháng Hai 2019 là 1.130 tỉ. Tiền nợ này là tiền Trung Quốc mua công khố phiếu của Hoa Kỳ, chiếm 28% trong tổng số tiền Hoa Kỳ nợ các nước ngoài.


Hí họa của tờ Huffington Post cho thấy kệ hàng Mỹ toàn các hộp đồ "Made in China" giá rẻ trong khi Mỹ thì: nợ tăng, cơ sở sản xuất hư hỏng, nên tảng thuế địa phương sụp đổ, trường lớp giảm sút, mất đi vai trò dẫn đầu về công nghệ, và đó cũng là một sản phẩm Made in China.


Công khố phiếu là gì? Là đưa tiền đây, tao ký ‎cho mày một tờ giấy nợ. Con số 1.130 tỉ này bằng thâm thủng mậu dịch giữa hai nước của ba năm 2018, 2017,2016. Trong 3 năm này, mày đưa hàng cho tao xài, tao đưa mày một tờ giấy. Năm 2013, Mỹ nợ Trung Quốc 1.300 tỉ, bằng 5 năm thâm thủng mậu dịch giữa hai nước từ 2008 đến 2012. Trung Quốc bắt đầu run, từ cho nợ 5 năm rút xuống còn nợ có 3 năm. Gớm, chỉ có ra quán con Bảy bi-da mà ngày nào cũng một cái áo mới mà lại không trả tiền! Muốn Facetime với nó trong phòng tắm thì di động năm ngoái cũng rõ hình mồn một rồi, không cần Huawei P30 Pro đâu!


Hí họa từ trang này cho thấy gấu trúc Trung Quốc đang đến đòi nợ Mỹ khi đến hạn nhưng không có hồi âm.


Trong kinh tế toàn cầu ngày nay, nắm phát minh kỹ thuật số, rô bốt, thông minh nhân tạo, công nghệ thông tin là làm cha, chứ không phải là nắm vựa lúa, là may mặc hay cầm con vít lắp ráp và sản xuất đồ kỹ nghệ. Tư bản Hoa Kỳ hiểu rất rõ điều này và xe con Mỹ nhãn Ford (lắp ráp tại Trung Quốc) bán tại Trung Quốc nhiều hơn là xe nhãn Ford lắp tại Mỹ bán tại Mỹ. Hãng Hoa Kỳ này là điển hình của thời đại phát triển công nghiệp tại Mỹ đầu thế kỷ 20, ông Henry Ford là người đầu tiên áp dụng sản xuất dây chuyền và sau đó nhà máy nào cũng phải bắt chiếc. Giờ thì Ford hiểu rất rõ là thu nhập của họ đến từ các nhà máy Ford tại Trung Quốc làm xe bán cho khách Trung Quốc, từ những nhà máy Ford tại Mexico làm xe bán cho khách Mỹ.

Tại sao người Mỹ lại dùng hàng Trung Quốc nhiều như vậy? Tại sao xe hai trục (SUV) Mercedes-Benz lại hoàn toàn sản xuất ở Hoa Kỳ chứ không phải ở Đức? Mà lại dùng thép Hàn Quốc chứ không phải thép của Mỹ?Tại vì (hình) như vậy, nó mang lại giá thành rẻ, bán được lắm và có lờinhiều. Việc rửa chén, lau nhà, ta dành cho cô ô sin, nấu cơm nhặt rau là ta dành cho chị bếp, việc lái xe là ta dành cho anh tài, phân công đâu ra đấy, còn ta thì chơi máy, xem cổ phiếu lên xuống thế nào.


Chân dung một người Mỹ đi biểu tình đòi tẩy chay thế vận hội Bắc Kinh và giải phóng Tây Tạng, tuy chống Trung Quốc nhưng toàn thân là đồ made in China


Như vậy đang vui vẻ, thì tại sao chính quyền Trump lại gây rối trật tự này, đòi đánh thuế tứ xứ? Xin nói rõ, chính sách mậu dịch mới không phải chỉ nhắm vào Trung Quốc. Ông Trump tố cáo với dư luận là nước Mỹ bị từ Canada, Mexico, Đức, Pháp, Anh cà cả châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… là cả bọn ăn cướp và lợi dụng Hoa Kỳ bấy lâu nay khiến Hoa Kỳ suy sụp. Việt Nam chớ nên mừng vội, vì còn bé quá nên chưa đến lượt.Tội thâm thủng của ta không đáng nói, thâm thủng vặt thôi.

Trump đắc cử thành công nhờ luận điệu này, và hứa hẹn sẽ mang huy hoàng trở lại cho nước Mỹ. Riêng khẩu hiệu MAGA này cho thấy là "huy hoàng" của Hoa Kỳ ở đằng sau và đã bị đánh mất. Nó dựa trên một thực tế là thu nhập của người Mỹ từ 1970 đến nay (50 năm) tăng trưởng rất ít và phần lớn là do thành phần chóp bu 1% trên cùng hưởng. Thành phần lao động sống nhờ nông nghiệp và công nghiệp cũ (như sản xuất xe con, tủ đá, máy giặt hay ngành than, ngành thép), tiểu thương cửa hàng, giờ bất mãn khi bị công nghiệp mới và kinh tế toàn cầu bỏ rơi tại những thị trấn đìu hiu. Dễ ăn nói nhất là đổ lên đầu nước ngoài và người nhập cư.


Hí họa của Jeff Danziger cho thấy hai ông đi mua hàng, một ông bảo "Trump đang chơi rắn với bọn Tàu đấy. Chúng nó muốn chiến tranh thương mại à?Ngon!" Ông kia bảo, "Tôi đồ rằng trận chiến này dài đây, cứ tích lương sẵn là hơn". Cả hai ông đều tích toàn đồ made in China.


Mặt khác, tâm lý bị bao vây này được củng cố bởi đe dọa mất vị thế hàng đầu. Chú Năm giúp việc rất đắc lực, mà tiền lương của chú thì cậu chủ lại cầm một số lớn, bằng 3 năm bán hàng và thâm thủng mậu dịch hay là 6 năm như đã nói ở trên. Chú là một thợ vịn dễ sai khiến, đi ở không công và nói gì làm đấy. Nhưng nhờ lên tỉnh làm việc thì chú cũng học được dần dà. Chú có tay nghề và chắt chiu chú giờ có chút vốn. Chú có "trí tuệ" ăn cắp được của cậu chủ. Chú ra mở cửa hàng riêng thì cậu chủ sập tiệm! Cậu chủ bèn đâm ra hoảng hốt.

Hiện Trung Quốc đã lên hàng ngang ngửa Mỹ, sắp sửa qua mặt và Ấn Độ đằng sau đang lẹp xẹp dép lê mà níu áo Hoa Kỳ. Ngaytrong các lãnh vực tiên phong hiện nay là công nghệ thông tin, thông minh nhân tạo, nước Mỹ không còn cầm dao đằng chuôi mà đã để tuột. Tố cáo ăn cắp trí tuệ hiện ồn ào là vì thế. Giờ, ăn cắp, học lỏm, hay là mình đánh rơi để nó mót được ngoài ruộng thì cũng phản ánh một điều: Hoa Kỳ không còn độc quyền trí tuệ này như trước nữa.

Điển hình là chuyện làm khó Huawei, công ty viễn thông số một trên thế giới. Mỹ dọa cả Anh quốc sẽ xét lại quan hệ đặc biệt nếu nước này dùng công nghệ 5 G của Huawei! Nói qua, 5G không phải chỉ để thấy cô Bảy bi-da rõ nét trang đài thêm trên màn hình di động mà là căn bản của tự động hóa mọi thứ, từ sản xuất nhà máy đến giao thông, phân phối. Ông Trump chỉ cần tweet, tôi muốn là sẽ có cả…6G. Nhưng thực tế là trong lãnh vực này, cũng như năng lượng "sạch", Mỹ đã bị qua mặt và cả đêm ngồi tweet không phải là cách để đối đầu.


Trong hí họa này, trong cuộc đua 5G giữa Huawei và Mỹ, thần công lý Mỹ đã chặn Huawei lại.


Đánh thuế mậu dịch tám hướng để tự bảo vệ cũng là một giải pháp khi ta kém cỏi. Nó không đơn giản vì bảo vệ ngành sản xuất nhôm ảnh hưởng đến ngành sản xuất đinh ốc, giữ được 1 việc ở nhà máy nhôm có khi làm mất 2 việc ở nhà máy đinh ngay bên cạnh. Đánh thuế nhôm nhập từ Hàn Quốc thì tăng giá đinh xuất sang Mexico!

Trong hí họa này, người tiêu thụ Mỹ, nhà nông Mỹ, nhà xuất khẩu Mỹ hỏi nhau, "Bọn Tàu có phải chịu nặng như chúng ta không nhỉ?"


Một thí dụ quen thuộc là di động Iphone. Đây là một công ty Mỹ (Apple) nhưng thành phẩm sản xuất tại Trung Quốc bởi một công ty Đài Loan (Foxconn).Apple dùng đến 795 công ty khác để hoàn tất sản phẩm này. Màn hình (giá thành lớn nhất, 115 USD) là của Samsung Hàn quốc. 32,7% công ty trong dây chuyền này là Nhật Bản, 28,5% là công ty Hoa Kỳ. 44,2% trong số 795 trên lại có công ty con ngay tại Trung Quốc. Chip Qualcomm của Mỹ xuất sang Trung Quốc để ráp Iphone bị Trung Quốc đánh thuế. Ráp xong, xuất sang Mỹ thì Mỹ lại đánh thuế, thành chết hai lần, Iphone nát tan!


Hí họa từ trang này về cuộc chiến giữa tổng thống Donald Trump và con rồng Trung Quốc.


Đối phó với tình thế mới này có nhiều cách. Hoa Kỳ có thể giữ vị thế số 1 trong lãnh vực trí tuệ bằng cách đầu tư vào giáo dục chẳng hạn, như biến đại học trở thành miễn phí, xóa sổ nợ cho sinh viên ra trường. Đây là một câu chuyện khác, nhưng cách nào thì cũng lâu dài và phức tạp, không phải đơn giản là đánh thuế hàng nhập và đóng cửa bế quan. Khi ta không còn là trung tâm của vũ trụ nữa, thì bên ngoài họ vẫn sống. Có đóng cửa thì mặt trời vẫn mọc, chỉ có ta là ngồi nhà thổn thức với kỷ niệm của một thủa oai hùng.


CLICK ĐỂ XEM NGAY!

Sáng Ánh - soi.com.vn

Xem thêm những bài cùng chủ đề khác:

Bầu cử ở Đài Loan qua tranh hí họa

 Kể bằng hí họa: Ai đã đánh drone nhà máy dầu? (Phần 1) 


Tin tức cùng chuyên mục

  • 16 Jan 2018

Tản mạn về chửi

Trong cuộc sống chắc ai cũng đã từng có lúc... chửi, nghe ai đó chửi hoặc tệ hơn nữa là bị người khác chửi. Tôi cũng ...

Đọc thêm
  • 22 Apr 2018

Làm nỏ ở Mường Bi

Hồi còn trẻ con lê la chân đất mà có được khẩu súng cao su chạc ổi đã là niềm mơ ước lớn rồi chứ đừng ...

Đọc thêm
  • 23 Apr 2018

Lan man điếu... Mường

Ở người Việt, khách đến nhà thì "miếng trầu là đầu câu chuyện", rồi đun nước pha trà, mời nhau "ăn" điếu thuốc… cứ thế câu ...

Đọc thêm