- Admin
- 01 June, 2020
- Thiết kế
Sinh viên nghệ thuật và thiết kế tại Mỹ được học những gì?
Bạn có bao giờ tò mò về chương trình học của các ngành nghệ thuật/thiết kế/đồ họa ở các trường đại học nước ngoài không? Sinh viên quốc tế sẽ học những môn gì? Bài tập của sinh viên là gì? Nội dung môn có khác gì so với các trường đại học ở Việt Nam?
Nếu bạn cũng có thắc mắc tương tự thì hãy cùng chúng tôi điểm qua giáo trình đào tạo tiêu biểu của chuyên ngành Phim, Video, Truyền thông và Hoạt hình (Film, Video, New Media & Animation) tại học viện nghệ thuật School of the Art Institute of Chicago (SAIC) danh tiếng nhé.
Đôi nét về học viện nghệ thuật School of the Art Institute of Chicago (SAIC)
Học viện nghệ thuật Chicago SAIC được thành lập vào năm 1866 và từ năm 1893 đến nay, trụ sở chính của SAIC được đặt tại đại lộ Michigan sầm uất, trung tâm Chicago. SAIC nổi tiếng bởi chất lượng đào tạo các ngành thiết kế và nghệ thuật. Năm 2020, SAIC được xếp hạng trong Top 9 trường đào tạo ngành Art & Design tốt nhất thế giới và Top 4 tại khu vực Bắc Mỹ (theo QS World University Ranking), Top 2 trường đào tạo Mỹ thuật tốt nhất Hoa Kì (theo U.S. News and World Report), Top 12 trường Nghệ thuật hàng đầu nước Mỹ (theo Niche).
Đội ngũ cựu sinh viên và giảng viên của trường là tập hợp những cá nhân kiệt xuất trong ngành nghệ thuật có thể kể đến như Michelle Grabner, David Sedaris, Elizabeth Murray, Richard Hunt, Georgia O'Keeffe, Cynthia Rowley, Nick Cave, Jeff Koons và LeRoy Neiman. Bên cạnh đó, với danh tiếng và các chính sách thực tập cởi mở, sinh viên được tạo cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại các tổ chức nghệ thuật và thiết kế lớn nhỏ trên khắp thế giới, bao gồm London, Paris, Seoul, Zurich, Vancouver và Sydney.
Khuôn viên hiện đại phục vụ tối đa sự sáng tạo của sinh viên tại trường đại học nghệ thuật School of the Art Institute of Chicago (SAIC)
10 môn học học đặc biệt thú vị của sinh viên SAIC
Để có thể trở thành điểm đến học tập lý tưởng hàng đầu thế giới cho sinh viên nghệ thuật, SAIC đã xây dựng cho nhà trường một giáo trình giảng dạy đặc biệt thú vị với các môn học đọc sơ qua có vẻ bình thường nhưng ẩn bên trong là những nội dung vừa truyền thống vừa khai phóng, vừa lý thuyết mà cũng vừa đầy tính thực nghiệm. Trong phạm vi bài này, iDesign gửi đến bạn chương trình học tiêu biểu của một trong những nhóm ngành "hot" nhất hiện nay: Phim, Video, Truyền thông và Hoạt hình (Film, Video, New Media & Animation).
1- Introduction to Experimental 3D (tạm dịch: Nhập môn thí nghiệm 3D):
Bạn có ngạc nhiên không khi môn học đầu tiên của ngành là về 3D? Dù đây chỉ là lớp nhập môn với các kiến thức phổ quát tuy nhiên lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí sáng tạo của sinh viên ngay cả khi chưa thuần thục các công cụ thiết kế. Môn học này được truyền cảm hứng bởi khóa học nghệ thuật cấp tiến đầu thế kỷ XX của Trường nghệ thuật Weimar Bauhaus, nhưng trong lớp học này, sinh viên thực hành trên Maya 3D, phần mềm thường được sử dụng cho các sản phẩm thương mại của ngành công nghiệp giải trí hiện đại. Xuyên suốt lớp học, sinh viên phải giải quyết các bài tập tình huống từ đơn giản đến khó dần, từ 2D sang 3D, thậm chí là 4D. Cuối cùng, sinh viên được hướng dẫn cách phát triển ý tưởng sáng tạo của mình bằng cách sử dụng ánh sáng, bóng tối, màu sắc, tỷ lệ và khối lượng để xây dựng mô hình một rạp chiếu phim ảo.
2- Form and Meaning (tạm dịch: Hình thức và Ý nghĩa):
Đây có thể xem là môn học chuyên lý thuyết bởi phần lớn thời gian yêu cầu sinh viên đọc tài liệu và nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của truyền thông đại chúng, truyền hình và các video mạng xã hội. Giá trị thẩm mỹ, cốt truyện, cấu trúc kịch bản có mối liên hệ như thế nào đến chiến lược hình ảnh của tác phẩm là những nội dung chính mà sinh viên cần phải nghiên cứu và sau đó viết thành bài báo cáo chấm điểm cuối kì. Tinh thần của lớp học Form & Meaning là khuyến khích óc quan sát và so sánh của sinh viên giữa lý thuyết và thực tế, giữa hàm ý kịch bản và diễn xuất/quay/dựng, các quan điểm phê bình hay đánh giá chất lượng tác phẩm đều không được hoan nghênh tại lớp học này.
3 – Video Everywhere (tạm dịch: Video ở khắp mọi nơi):
Tên môn học này thật sự phá cách và gây tò mò nhỉ? Sự sáng tạo, vốn là linh hồn của nghệ thuật, được nhà trường thể hiện qua cả cách đặt tên môn học luôn đấy. Đúng như tên gọi của nó, Video Everywhere mang sinh viên bước vào một thế giới mà ở đó video là tâm điểm vũ trụ và xuất hiện khắp mọi nơi. Các bài học thú vị và gẫn gũi thực tiễn được dạy ở lớp này có thể kể đến như Video – phương tiện biểu diễn nghệ thuật, Khám phá xã hội bằng video, Quy trình sản xuất video, Hệ thống sản xuất và chỉnh sửa video, Phòng thu video…
4 – Visualization and Storyboarding (tạm dịch: Trực quan và Phân cảnh):
Lớp học này tập trung vào nghiên cứu ngôn ngữ điện ảnh, bố cục quay chụp và phát triển ý tưởng các sản phẩm truyền thông. Thông qua việc tạo ra các storyboard (bảng phân cảnh), moodboard (bảng tâm trạng), lên ý tưởng và xây dựng các tuyến nhân vật, sinh viên sẽ nắm được các kiến thức thấu đáo về cách phát triển từ ý tưởng thành trực quan trong quá trình tiền sản xuất. Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các buổi học phân tích bố cục, phân cảnh, màu sắc được sử dụng trong các bộ phim hoạt hình của Brad Bird và các nhà làm phim độc lập như Emma De Swaef hoặc Marc James Roels. Bài thi cuối khóa của môn học này yêu cầu sinh viên thực hiện một dự án hoạt hình bắt đầu từ khâu lên ý tưởng, phát triển nội dung cho đến quay dựng và cuối cùng là lồng tiếng.
Sinh viên SAIC thoải mái học tập và sáng tạo trong các studio hiện đại và rộng rãi
5 – The Digital Dark Age (tạm dịch: Thời đại đen tối của kỹ thuật số):
Thế giới đang dần được số hóa, công nghệ hóa, kỹ thuật hóa và điều này được ủng hộ bởi hầu hết mọi người. Nhưng, câu hỏi đặt ra là kỹ thuật số có thật sự khai sáng thế giới chúng ta không? Hay chính kỹ thuật số đang là đám mây đen che khuất và cản trở những điều tốt đẹp hơn mà chúng ta đang tìm kiếm? Lớp học này sẽ giúp sinh viên khám phá và giải quyết các câu hỏi đó. Sinh viên được hướng dẫn để đo lường các tác hại và lợi ích mà kỹ thuật số mang lại, đồng thời nghiên cứu mức độ xói mòn cảm xúc khi thế hệ người trẻ ngày càng gắn cuộc sống của mình với thế giới phẳng hơn. Trong phần lớn thời gian môn học này, các bài đọc, bài phân tích, bài phê bình sẽ được giảng viên đưa ra cho sinh viên thảo luận và chọn lọc để áp dụng vào dự án thực tế của mình.
6 – Sex & Gender in New Media (tạm dịch: Tình dục và Giới tính trong truyền thông hiện đại):
Lớp học này liên quan đến việc phân tích làm thế nào để tính nam, tính nữ và các vấn đề chuyển giới được thể hiện một cách ấn tượng và nhân văn trong văn hóa truyền thông. Các nội dung liên quan đến nữ quyền, nam quyền, tình dục và thâm chí là khiêu dâm sẽ được thảo luận để khuyến khích tư duy độc lập và cởi mở của sinh viên khi thực hiện các tác phẩm có mối liên hệ đến các nội dung nhạy cảm này. Dựa trên quan điểm của những nhà lý luận đồng tính nổi tiếng Shulamith Firestone, Theresa Senft, Matteo Pasquinelli, Kobena Mercer, Katrien Jacobs, Steve Garlick và Lauren Berlant, sinh viên sẽ xây dựng quan điểm về tình dục và giới tính đúng đắn cho bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó sẽ được thử thách để sáng tạo ra những phương thức mới nhằm truyền tải thông điệp ý nghĩa về giới tính và tình dục sau này.
7 – 16MM Production (tạm dịch: Sản xuất 16MM):
16MM là một khóa học sản xuất nâng cao, được xây dựng dựa trên bộ kiến thức nền tảng mà sinh viên đã được học trong lớp Media Practices: the Moving Image, and Sonic & Optics trước đó. 16MM vốn được sử dụng trong quy trình sản xuất phim Hollywood ở thế kỉ trước và sinh viên SAIC sẽ học cách để giả lập lại những thước phim đó cùng với kỹ thuật tạo dựng âm thanh và ánh sáng để đạt được hiệu ứng phim cổ điển. Cuối học kỳ, các sinh viên cùng nhau thực hiện một buổi ghi hình theo nhóm, sau đó tiến hành đồng bộ hóa âm thanh bằng Final Cut Pro. Đây là một lớp học lý tưởng để hoàn thiện các kỹ năng điện ảnh cho sinh viên, cũng như mở rộng ra các kỹ năng có thể phát huy trên giao diện kỹ thuật số.
8 – Atmospheric Animation (tạm dịch: Hoạt hình không gian):
Khóa học này giúp sinh viên tiếp cận công tác sản xuất các chuỗi hiệu ứng đặc biệt bằng phần mềm Atmospheric Animation Realflow để tạo hình ảnh của chất lỏng, các hạt, luồng ánh sáng trong khí quyển và các chức năng tích hợp trong phần mềm Maya.
9 – Terrorism: A Media History (tạm dịch: Lịch sử truyền thông của chủ nghĩa khủng bố):
Nội dung môn học xoay quanh chủ nghĩa khủng bố đã diễn ra trên các phương tiện truyền thông từ thế kỉ 20 cho đến này. Khái niệm "khủng bố" được định nghĩa ở đây là những vấn đề liên quan đến lịch sử, kinh tế chính trị, phê bình truyền thông, lịch sử truyền miệng, tuyên truyền và tường thuật bạo lực chính trị trên các tác phẩm giải trí, truyền thông. Sinh viên sẽ nghiên cứu hàng loạt các tác phẩm tương tự để "giải nén" một chiếc vali thông tin khổng lồ trên các kênh truyền thông đa phương tiện và cuối cùng là tranh luận về các vấn đề vĩ mô hơn, bao gồm thuyết đạo đức tương đối, cuộc chiến giữa chính nghĩa và bất công, tà đạo và bạo lực.
10 – Legacies of Punk and DIY Methods in Production (tạm dịch: Di sản nhạc Punk và các phương pháp DIY trong sản xuất):
Học thiết kế là học văn hóa. Vì vậy, song song với các lớp học nghiệp vụ, SAIC còn yêu cầu sinh viên phải nắm được những yếu tố khác có ảnh hưởng đến nghệ thuật thiết kế, và dòng nhạc Punk được nhà trường chọn trong khuôn khổ môn học này. Bên cạnh đó, phương pháp DIY (Do it yourself – Tự tay làm lấy), vốn là phương pháp sáng tạo không chính thống, cũng được xem trọng tại SAIC và được dành riêng giờ học để các giáo sư giàu kinh nghiệm hướng dẫn bài bản cho sinh viên. Bài kiểm tra cuối khóa của sinh viên là lập kế hoạch tổ chức Chicago Zine Fest và hợp tác với các xưởng sản xuất để thực hiện một triển lãm thực sự.
Trên đây chỉ là 10 môn học thú vị nhất trong tổng số hơn 50 môn mà sinh viên trường SAIC cần phải đạt được. Nếu bạn thích thú và muốn tìm hiểu thêm những môn học còn lại thì mời bạn cùng đọc tại đây, hoặc để lại comment để iDesign tiếp tục gửi đến bạn chương trình giảng dạy cũng tuyệt vời không kém ở các trường đại học nghệ thuật danh tiếng khác nhé.
Tổng hợp và biên tập: Thùy Vân - idesign.vn - Nguồn: SAIC
Tin tức cùng chuyên mục
- 17 Apr 2018
4 Bộ nhận diện thương hiệu đẹp
Cùng chúng tôi xem những bộ thiết kế nhận diện thương hiệu rất đẹp mắt. Hy vọng cảm hứng đến từ những tác phẩm xuất sắc ...
Đọc thêm- 17 Apr 2018
5 Bộ nhận diện thương hiệu đáng học hỏi
Để tạo nên vẻ đẹp cũng như sự hấp dẫn cho bộ nhận diện thương hiệu đòi hỏi người thiết kế phải có sự cảm nhận ...
Đọc thêm- 17 Apr 2018
Các yếu tố nhằm thấu hiểu người dùng
Cảm xúc về thẩm mỹ và cảm hứng chưa đủ để tạo ra một thiết kế đẹp. Đó là lý do tại sao các nhà thiết ...
Đọc thêm