Pritzker price 2019: Khoa học phương Tây, tinh thần Nhật Bản

Pritzker price 2019: Khoa học phương Tây, tinh thần Nhật Bản

Giải thưởng Pritzker 2019 đã xướng tên Arata Isozaki – KTS, Nhà Quy hoạch đô thị và Lý luận Phê bình kiến trúc người Nhật Bản. Với hơn 100 công trình được xây dựng trên khắp thế giới, sự dấn thân của KTS Isozaki có ảnh hưởng lớn lao đến nền kiến trúc đương đại. Trong mỗi dự án của mình, Isozaki luôn đặc biệt quan tâm đến từng bối cảnh, điều kiện cụ thể để đưa ra những ý tưởng ở nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, từ truyền thống bản địa đến high-tech. Với giải thưởng này, ông đã trở thành KTS người Nhật thứ 8 được vinh danh tại giải thưởng kiến trúc danh giá nhất thế giới.


Giải thưởng Kiến trúc Pritzker là giải thưởng thường niên của quỹ Hyatt để vinh danh một KTS (còn sống) với những đóng góp của họ. Giải thưởng này được Jay A. Pritzker lập ra từ năm 1979 và được điều hành bởi dòng họ Pritzker.


Isozaki (bên phải) năm 4 tuổi – Ảnh© pritzkerprize.com


Kiến trúc là sự Chuyển hóa Khoảng trống


Arata Isozaki sinh ra ở Oita, đảo Kyushu, Nhật Bản vào năm 1931, trước thời điểm bắt đầu Thế chiến II. Cuộc "gặp gỡ" đầu tiên của ông với "kiến trúc là những khoảng trống" khi Hiroshima và Nagasaki phải hứng chịu thảm kịch bom hạt nhân vào tháng 8/1945. Isozaki lúc đó mới 14 tuổi, đủ lớn để hiểu về bối cảnh xung quanh, về quê hương nơi mà thời điểm đó kiến trúc và thành phố chỉ là những lán trại và nơi trú ẩn tạm thời.

"Bên kia bờ của đảo, Hiroshima hiện lên chỉ là những khoảng trống, không kiến trúc, không công trình và thậm chí không có thành phố. Nơi đó chỉ có các doanh trại quân đội và trú ẩn tạm thời. "Khoảng trống kiến trúc" hiện lên như trải nghiệm đầu tiên của tôi về kiến trúc. Từ đó theo thời gian, tôi tự đặt ra câu hỏi "Kiến trúc là gì? " và tôi luôn tự khám phá, tự trả lời trong niềm thích thú phiêu lưu." – Isozaki nói.Năm 1954, Isozaki tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc khoa Kỹ thuật, ĐH Tokyo, từ đó ông bắt đầu sự nghiệp thực hành kiến trúc của mình dưới sự dẫn dắt của KTS Kenzo Tange, người được vinh danh tại Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 1987. Isozaki cũng chịu ảnh hưởng về kiến trúc hiện đại bởi KTS Kunio Maekawa, người cùng làm việc với KTS Tange trước chiến tranh thế giới thứ 2. Có thể nói, Maekawa chính là người đặt nền móng cho kiến trúc hiện đại Nhật Bản, và Isozaki là người tiếp nối xuất sắc nhất.

Năm 1963, ông cùng các cộng sự sáng lập nên Arata Isozaki & Associates (AIA). Các tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của ông ở giai đoạn này bao gồm: Thư viện tỉnh Oita (1962-1966 Oita, Nhật Bản), Expo '70 Festival Plaza (1966-1970 Osaka, Nhật Bản), Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Gunma (1971-1974 Gunma, Nhật Bản), và Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Kitakyushu, Fukuoka (1972-1974 Fukuoka, Nhật Bản).


Từ Ý niệm địa phương tới Chuyển hóa luận Nhật Bản


"Trong quãng thời gian mới bắt đầu hành nghề, tôi khá chật vật bởi có khá ít công trình tại quê hương Oita. May mắn thay, trong thành phố nơi tôi sinh ra đã có những nhà hảo tâm, họ xuất hiện như để gìn giữ những giá trị tốt đẹp từ xưa. Họ là những người bạn tốt của cha tôi. Trước chiến tranh, họ là nhóm các nhà hảo tâm với vai trò vận động rất tích cực cho nghệ thuật và văn hóa ở khu vực này. Và họ đã nhiệt tình hỗ trợ, mang tới cho tôi cơ hội được thiết kế các tòa nhà tại đây." – Arata Isozaki nói.


Thư viện tỉnh Oita, 1962-66 – Ảnh© pritzkerprize.com


Kiến trúc Nhật Bản từ lâu đã là chuẩn mực của các nét kiến trúc vừa hiện đại vừa truyền thống trên thế giới. Và một trong những trường phái kiến trúc gây tiếng vang lớn, đóng góp đặc biệt vào hệ tư tưởng lý thuyết kiến trúc đó là phong trào Chuyển hóa luận (Metabolism Architecture), hình thành năm 1960 tại Tokyo, Nhật Bản trong một hội thảo về thiết kế nhằm đưa ra sáng kiến khắc phục những khủng hoảng của đô thị tư bản. Chuyển hóa luận (Metabolism Architecture) xuất hiện là một lý thuyết bàn về sự vận động và chuyển hóa trong kiến trúc đô thị. Arata Isozaki thời điểm đó cùng Kisho Kurokawa, Kiyonari Kikutake, Kenzo Tange, Fumihiko Maki, Masato Ohtaka, Noboru Kawazoe là những thế hệ KTS đầu tiên của trường phái này. Họ tuyên bố rằng: "Kiến trúc đương đại khác với kiến trúc trong quá khứ, phải có khả năng thay đổi, chuyển hóa để theo kịp sự thay đổi của xã hội đương đại. Để làm được điều này, KTS cần phải tự tạo ra những công năng có thể biến đổi được, những kết cấu thay đổi dễ dàng, những yếu tố kiến trúc chuyển hóa thay vì những công năng và kết cấu bị áp đặt trước, không linh động. Chúng ta hãy đừng nghĩ về kiến trúc ở nghĩa hẹp là hình khối và công năng và những sự thay đổi của công năng."


City in the Air (1962). Ảnh © The Pritzker Architecture Prize


Trong các dự án của mình, Arata Isozaki đã đóng góp lớn vào sự phát triển và duy trì chủ nghĩa Chuyển hóa luận, điển hình như trong các dự án Thư viện tỉnh Oita, Trường trung học nữ Iwata, và nhiều dự án cho Ngân hàng thành phố Fukuoka. Vào những năm 1960. Isozaki đã hình dung về dự án "Thành phố bay – City in the Air" – một bản quy hoạch tương lại cho Shinjuku, bao gồm các lớp nhà cao tầng, nhà ở và giao thông lơ lửng phía trên thành phố đã già cỗi để đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Mặc dù dự án chưa được thực hiện, ông vẫn tiếp tục lên kế hoạch cho các thành phố đang có tốc độ phát triển kinh tế cao như Trung Quốc và khu vực Trung Đông.


Sứ giả của đối thoại Kiến trúc Đông – Tây


Với nỗ lực thay đổi không ngừng, Arata Isozaki được coi là một cái tên lớn của nền kiến trúc Nhật Bản, người đem những nét đơn giản khoáng đạt của kiến trúc phương Tây vào những cổ kính, trầm mặc của kiến trúc phương Đông, người kết nối những nền văn hóa, thực thi, giám sát những chuẩn mực kiến trúc hết sức nghiêm ngặt. Danh tiếng của Arata Isozaki bùng nổ với vai trò không chỉ KTS quốc tế trong những năm 1980 và đầu thập niên 90. Công việc của Isozaki luôn là sự tổng hợp của nhiều lĩnh vực, ngoài thiết kế đô thị, ông còn là một nhà thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất và cũng là một nhà văn, nhà phê bình và ban giám khảo của nhiều cuộc thi kiến trúc, nghệ thuật khác.


Fort Red Fort ở Agra, Ấn Độ – Ảnh© India tour


Các công trình nổi tiếng nhất của ông ở nước ngoài có thể kể đến Bảo tàng nghệ thuật đương đại Los Angeles (Hoa Kỳ), Nhà thi đấu thế vận hội Barcelona (Tây Ban Nha), Khán phòng hòa nhạc Kyoto (Nhật), Nhà ga Trung tâm Bologna (Ý), Trung tâm nghệ thuật Shanghai Zendai Thượng Hải (Trung Quốc)… Mỗi tác phẩm kiến trúc của ông là một giải pháp mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội của địa điểm công trình cũng như chủ đầu tư.

Dự án đầu tiên của Isozaki tại nước ngoài là Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles. Ở dự án này, khách hàng muốn thành lập một tổ chức nghệ thuật trái ngược với NY L Moma. Việc lựa chọn KTS cho dự án cũng khá ngặt nghèo, hơn 50 KTS quốc tế được chọn vào danh sách tham gia. Trong quá trình tuyển chọn, chủ đầu tư đã đến thăm các dự án đã được xây dựng của các KTS này.

Vào những năm 70, Arata Isozaki đã có hầu hết các dự án được xây dựng tại khu vực Kita-Kyushu và Fukouka. Một trong những dự án của Arata Isozaki là Ngân hàng Tương hỗ Fukouka trước nhà ga Hakata. Khách hàng khá thích chi tiết của tòa nhà này, và đặc biệt yêu thích một bức hồi bằng Sa thạch đỏ.

Giải pháp sử dụng vật liệu Sa thạch đỏ của Isozaki xuất phát từ chuyến hành hương kiến trúc của ông trên khắp thế giới. Khi đến một nơi được gọi là Fort Red Fort ở Agra, Ấn Độ. Ngay lập tức ông bị quyến rũ bởi thành phố này được làm hoàn toàn bằng Sa thạch đỏ. Sau đó, ông cho nhập loại đá đỏ này vào Nhật Bản với ý tưởng thử nghiệm cùng loại đá này ở Kyushu để xem nó hoạt động tốt nhất như thế nào. Như mong đợi, cấu trúc bề mặt bắt ánh sáng và thực sự nổi bật mạnh mẽ trong ánh mặt trời mùa hè của Kyushu. Tương tự, điều này có thể hoạt động tốt với ánh sáng mặt trời ở LA và Arata Isozaki nhận ra rằng nó phù hợp nhất với dự án này. Cảm hứng của ông ở dự án này là chất lượng ánh sáng mặt trời ở Kyushu tương tự Los Angeles. Vì vậy, ngay lập tức ông sử dụng Sa thạch đỏ làm chủ đạo cho Bảo tàng và dự án đã thành công rực rỡ.


MOCA Museum of Contemporary Art / Arata Isozaki. Ảnh© archeyes


Văn hóa giải trí trong những năm 80


Vào tháng 5/1985, Isozaki thêm vang danh khi thiết kế cải tạo một nhà hát và phòng hòa nhạc cũ thành một hộp đêm hoàn toàn mới ở thành phố New York. Nằm tại 126 East đường 14, dự án được ủy quyền bởi hai doanh nhân Steve Rubell và Ian Schrager, chủ sở hữu của câu lạc bộ nổi tiếng Studio 54, và được hình thành như một cấu trúc độc lập rực rỡ và hào nhoáng được giấu bên trong lớp vỏ cổ kính, xuất hiện như một phông nền tuyệt đẹp đằng sau những cấu trúc hình học của Arata Isozaki. Mạng lưới trực giao lớn với độ dày nhất định, dưới dạng các hộp được lắp đèn bên trong và xếp chồng lên nhau, đóng khung khu sàn nhảy ở trung tâm và điều chỉnh một loạt các cao độ khác nhau làm nơi gặp gỡ và nghỉ ngơi của khách.


The three-story main dance floor of Arata Isozaki's Palladium nightclub in New York demolished in 1997


Dự án này là kết quả của việc tân trang, sự tương phản đáng kể giữa cái mới và cái cũ mà không làm mất đi vẻ đẹp và tính toàn vẹn của chúng, thậm chí nâng cao chất lượng không gian và cảnh quan của nó để tạo thành một tổng thể gây kích thích và thú vị. Ở các góc khác nhau của công trình, không gian bao gồm các tác phẩm đáng kinh ngạc của các nghệ sĩ như Jean-Michel Basquiat, Kenny Scharf, Keith Haring và Francesco Clemente. Địa điểm này là nơi thường lui tới của các nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Madonna.

Thật không may, hộp đêm đóng cửa vào năm 1997 và sau đó bị phá bỏ, tu sửa thành ký túc xá cho sinh viên tại Đại học New York. Tuy nhiên, công trình này đã tạo tiếng vang lớn cho Isozaki tại Mỹ."Thật hiếm khi một KTS nổi tiếng thiết kế một vũ trường, đây là dự án đầu tiên quyết định sự xuất hiện của ông ấy ở một đất nước mà ông đang bắt đầu có được danh tiếng. Nó giống như là Philip Johnson sẽ đến Nhật Bản không phải để thiết kế một tòa nhà chọc trời, mà một ngôi nhà cho những geisha", báo New York Times vừa châm biếm vừa ca ngợi sự táo bạo của Isozaki khi hoàn thành một trong những công trình đầu tiên của ông ở Hoa Kỳ.


Tương lai X – Làng X


Trong lĩnh vực lý thuyết và phê bình kiến trúc, Isozaki không ngừng nghiên cứu, kiếm tìm ra các khái niệm và triết lí mới như khái niệm "MA" trong kiến trúc. Ngoài ra, phát triển từ dự án "Thành phố trên không", Isozaki còn đưa ra mô hình Tương lai X – Làng X được giới phê bình và truyền thông kiến trúc chú ý trong nhiều năm vừa qua.


Concept của "Ma" – Ảnh© PLANE SITE


"Trong thời kỳ Phục hưng, Alberti định nghĩa kiến trúc theo chủ nghĩa nhân văn. Khái niệm này đã tồn tại đến cuối thế kỷ 20. Trong quá khứ, chúng ta có chủ nghĩa Hiện đại, Chủ nghĩa Hậu hiện đại. Nhưng thực tại của chúng ta không có lịch sử và không có lý thuyết. Cảm giác mà thời gian mang lại chính là sự chuyển đổi của các mô hình. Thời gian hiện tại đang chuyển dịch thời đại tới chủ nghĩa phi nhân văn. Sự mở rộng nhanh chóng của các tập đoàn như Google, Apple, Facebook, Amazon. Bốn tập đoàn lớn này thống trị một nền kinh tế đa quốc gia. Cuối cùng, sẽ không có kiến trúc cho chủ nghĩa nhân văn. Đối với bản thân tôi, tôi đã suy ngẫm về sự phát triển này từ những năm 60…", Isozaki nói.


Ark Nova thiết kế bởi Arata Isozaki và Anish Kapoor – Ảnh© Dezeen


Isozaki đưa vào ý tưởng của mình khái niệm "Ma" – Một định nghĩa về không gian trung gian giữa các vật thể. Ông giải thích: "Giữa không gian và âm thanh có những khoảng lặng, điểm dừng trong khoảng lặng gọi là Ma. Không gian trong kiến trúc rất quan trọng. Không gian kết nối giữa các không gian ấy lại càng quan trọng hơn".

Isozaki cho rằng thứ Kiến trúc ông đã hình dung sẽ lại xuất hiện trở lại trong các khu vực thành phố. Hiện ông đang nghiên cứu một dự án có tên gọi "Thành phố Experimentalm – thành phố X". Tuy nhiên "X" sẽ không giống với bất kỳ thành phố hiện có nào. "Tôi muốn được sinh ra trong một thành phố như vậy. Tôi đang thiết kế hệ thống điều khiển và điều tiết của nó, tích hợp một hệ thống vận chuyển phi tuyến, và hệ thống kiểm soát buôn bán hàng không vận chuyển và hệ thống kiểm soát không lưu. Thời đại ngày nay khiến chúng ta sống trong một thành phố tách biệt công việc và cuộc sống, nhưng trong tương lai, chúng ta có thể sống trong một thành phố nơi tất cả là một. Dòng dõi gia đình sẽ mơ hồ và không rõ ràng. Nhưng chúng ta không trở thành quái vật, và mọi người vẫn có khuôn mặt bình thường. Tất cả họ trở thành công dân của tương lai và như vậy thành phố này là dành cho tất cả mọi người sinh sống. Đây là dự án của tôi, làng X".


Tháp Nghệ thuật Mito – Ảnh© pinterest.com


Thay lời kết


Với sự dấn thân không mệt mỏi, Isozaki đã trở thành một thương hiệu kiến trúc quốc tế, bản thân Arata Isozaki và cộng sự luôn đưa ra những chuẩn mực, nguyên tắc khắt khe khi quyết định tham gia thiết kế cho một dự án nào đó. Không chỉ được vinh danh bởi Giải thưởng Pritzker, ông còn nhận được các giải thưởng danh giá trước đó như: Giải thưởng thường niên của Viện kiến trúc Nhật Bản cho các công trình Thư viện tỉnh Oita và Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Gunma (lần lượt là 1967 và 1975, Nhật Bản), L'Ordre des Arts et des Lettres (1997 Officier, Pháp), Huy chương vàng RIBA cho kiến trúc (Vương quốc Anh 1986), Leone d'Oro, Venice Architectural Biennale, là ủy viên của Gian hàng Nhật Bản (1996 Ý), Gran Cruz de la Orden del Mérito Civil (1997 Tây Ban Nha), Ordine al Merito della Repubblica Italiana (2007 Ý), và Giải thưởng Thành tựu trọn đời Lorenzo il Magnifico, Florence Biennale (2017). Ngoài ra, ông còn là thành viên danh dự của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia (1994), Học viện Nghệ thuật và Thư tín Hoa Kỳ (1998) và là thành viên của Học viện Nghệ thuật Nhật Bản (2017). Ông được bổ nhiệm vào Ban giám khảo giải thưởng Pritzker đầu tiên vào năm 1979, và tiếp tục là thành viên trong 5 năm sau đó.


Trung tâm Hội nghị quốc gia Qatar, Doha, Qatar (2004-2011) – Ảnh©Archdaily


Trong trích dẫn của mình, Ban giám khảo đã viết về Isozaki, 87 tuổi: "Với những am hiểu sâu sắc về lịch sử và lý thuyết kiến trúc, và nắm cơ hội lấy tiên phong, ông không bao giờ chỉ sao chép hiện trạng mà còn thách thức nó. Và trong quá trình tìm kiếm kiến trúc có ý nghĩa, ông đã tạo ra những tòa nhà có chất lượng tuyệt vời cho đến ngày nay bất chấp các phân loại, phản ánh sự tiến hóa không ngừng và luôn luôn mới mẻ trong cách tiếp cận của ông. Đây là năm thứ tư trong số 10 năm qua, một KTS đến từ Nhật Bản đã được trao giải thưởng Nobel Kiến trúc".



Biên dịch: KTS Thái Vũ Mạnh Linh - (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)


Tin tức cùng chuyên mục

  • 17 Apr 2018

MVRDV với ý tưởng nhuộm hồng Bảo tàng nghệ thuật Taoyuan

Thiết kế của MVRDV cho bảo tàng 29,000 mét vuông, triển khai cùng với các kiến trúc sư - nhà quy hoạch JJP và TOPOTEK1; thiết ...

Đọc thêm
  • 17 Apr 2018

Thư viện đẹp nhất nước Mỹ, mới trông thì ghét...

Một cựu sinh viên của Học viện Phillips Exeter ở New Hampshire về thăm thư viện trứ danh của trường do kiến trúc sư Louis I ...

Đọc thêm
  • 17 Apr 2018

Thiết kế nhà tù: Khi nhà tù trông giống khách sạn 5 sao

Nhà tù Halden ở Na Uy giành được một giải thưởng thiết kế. Mỗi phòng giam đều có ti vi màn hình phẳng, một dãy nhà ...

Đọc thêm