Urban Art (phần 2): Biểu tượng gì? Vị trí nào?

Urban Art (phần 2): Biểu tượng gì? Vị trí nào?

Urban Art (nghĩa là có sức ảnh hưởng đến người dân đô thị, đến cả việc góp phần vào sự nổi tiếng của đô thị) chứ không còn đơn thuần là Land Art (tác phẩm điều khắc ngoài trời)


Cloud Gate (hay Hạt đậu)


Cũng với hình dạng gần như Quả Bóng Đỏ, tại Chicago, một tác phẩm Urban Art cũng nổi tiếng không kém, và nổi lên như một biểu tượng mới của công viên Millennium. Tác phẩm thép không gỉ kích thước 10m x 13m x 20m này có tên gọi là "Cloud Gate" nhưng dân cư ở đây quen gọi nó là "hạt đậu" vì hình dáng của nó (mặc dù nhà thiết kế không hề thích điều này). Ngoài kích thước và một khe cổng để chui vào, với sự mường tượng ban đầu đến giọt thủy ngân, nghệ sĩ Anish Kapoor (người Anh gốc Ấn) đã phủ lên tác phẩm "Cổng mây" này một thủ thuật thống nhất để có tác dụng phản chiếu. Vậy hạt đậu này đem đến cho Chicago điều gì? Không gì khác là khung cảnh và con người tập trung quanh nó. Là sự đụng chạm, tương tác, soi bóng; là con người, đô thị và bầu trời. 


Cloud Gate (tiến hành trong bí mật từ 2004 bằng cách che phủ và khai trương năm 2006, nặng hơn 100 tấn) là một đại diện cho cách thiết kế đơn giản nhưng đủ sức cô đọng bằng chính chất liệu của bản thân.

 

Bản thân tác phẩm đã được nâng lên thành Urban Art (nghĩa là có sức ảnh hưởng đến người dân đô thị, đến cả việc góp phần vào sự nổi tiếng của đô thị) chứ không còn đơn thuần là Land Art (tác phẩm điều khắc ngoài trời) nữa.

 

Hiệu ứng đa phản xạ bên trong và càng rực rỡ hơn ở bên ngoài khi kết hợp với nghệ thuật ánh sáng.

 

Vì tính phản xạ cao nên gần như không thể thấy được những mối hàn của các miếng kim loại.

 

Nếu "hạt đậu" này đến Việt Nam, bạn thử nghĩ xem nên đặt để ở đâu? nó nên soi bóng và phản chiếu cho khu vực nào của thành phố?


"I Amsterdam" là một câu chuyện khác  


.

Đây không phải là một ý tưởng mới trong Urban Art, như dòng chữ Hollywood cũng đã thành công trước đó. "I Amsterdam" bắt đầu từ chiến dịch tạo ra một khẩu hiệu mới trong du lịch, văn hóa cho thành phố xinh đẹp này tại Hà Lan. Nếu như "I Amsterdam" chỉ đơn giản nằm trên áo phông in hay trang website của chính quyền thì thành phố này đã không có một Urban Art đáng yêu và nổi tiếng. Tác phẩm được đặt phía sau một bảo tàng lớn; không chỉ là một điêu khắc xếp đặt ngoài trời, nó còn trở nên cực kì nổi tiếng đối với mọi người dân và du khách, và hiển nhiên đã thúc đẩy hơn rất nhiều cho sự thành công của chiến dịch "I Amsterdam". Tại nơi đây, chụp hình lưu niệm là một chuyện, dòng chữ này cũng tạo ra cảnh quan đẹp cho cộng đồng. Sau này cũng đã có thêm nhiều phiên bản khác nhau trong thành phố để phục vụ các hoạt động văn hóa, thời trang, hội chợ …


Khi nhắc đến Amsterdam, giới du lịch đã có thể nhớ đến "I Amsterdam" như khi nhắc đến Luân Đôn thì sẽ nhớ ngay đến Xe bus đỏ, Buồng điện thoại đỏ. Đó là sức mạnh của thiết kế, và tạo ra những bản sắc cho đô thị.

 

Cực kì đơn giản, không cần lên gân, tiết kiệm và có khả năng nhân bản cao.


Mãi mãi Marilyn Monroe


Nhắc đến Urban Art đương đại là nhắc đến Pop Art, với cách thức đơn giản phổ biến nhất là đem những hình tượng đã quá thân quen đối với đại đa số rồi nhào nặn nó lại. Với tỷ lệ nhỏ thì sẽ dùng màu sắc biến đổi như Andy Warhol, còn với tỷ lệ lớn cho đô thị thì chỉ cần áp dụng "thuật phóng đại" cộng với vị trí đặt để cho tác phẩm cũng sẽ tạo nên cơn sốt cho khu vực đó. Như tác phẩm "Forever Marilyn" có chủ đích phóng to là để cho mọi người có cái cớ vén bức màn bí mật hấp dẫn bên dưới, mà trước đó từ nhiều năm (tác phẩm lấy cảm hứng nguyên tác từ bộ phim "The Seven Year Itch" – 1955) đã ám ảnh biết bao thế hệ. Xem ra Seward Johnson đã rất tinh ý và hài hước với tác phẩm này.  


.

 

Khánh thành vào 7 năm 2011, ở Palm Springs, California nhưng sau đó được chuyển đến Chicago 2012-2014 và tiếp tục đến New Jersey trong năm nay.

 

Từ cảm hứng phim ảnh, "Forever Marilyn" giờ đây là một điểm nhấn cảnh quan có hồn, đặc biệt là khi trời mưa, nàng sẵn sàng "rộng váy" đón bạn đấy.


"Thuật phóng đại" từ bao đời nay trong các tác phẩm nghệ thuật (không chỉ riêng đối với Urban Art) trước hết là sự đánh mạnh về mặt thị giác, khi nâng kích thước lên cho tương xứng với không gian mà nó "ngự trị". Thứ hai, thuật phóng đại không gì khác hơn là khuyến khích sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách mơ ước, và quan trọng nhất, hãy nghĩ lớn từ những điều rất bé nhỏ (nhớ phải thật đơn giản nữa). Quan trọng là vị trí

Bài học của những Urban Art như "I Amsterdam" là vẫn có thể tạo ra nét thu hút cho thành phố bằng tác phẩm nghệ thuật công cộng, bên cạnh việc thiết kế các công trình kiến trúc biểu tượng tốn nhiều thời gian hơn từ các anh kiến trúc sư.

Hãy thử nghĩ xem thành phố chúng ta sống đây có biểu tượng gì có thể Popup lên như thế này và đề xuất với chính quyền thành phố? Trước hết hãy đừng nghĩ đến việc "tô loan vẽ phượng" rườm rà và rắc rối. Vì Urban Art theo quan điểm đương đại cần luôn sạch sẽ, rõ ràng và tìm ra vị trí đặt để thích hợp. 


Những ví dụ khác khắp nơi trên thế giới cho thấy rõ hơn về cách tư duy của Urban Art so với những tượng đài nghệ thuật trước đó


Sau đây là một ví dụ cho việc xác định sai vị trí: Chúng ta đã tốn quá nhiều thời gian, tranh cãi đề xuất và thực hiện "Con đường gốm sứ Thăng Long" và đã làm nó rất đẹp. Nhưng đáng tiếc thay con đường xinh đẹp này lại không có không gian công cộng lớn tương xứng với kích thước của nó để tập trung đông người, về tầm nhìn cho tác phẩm gần như bằng không, và vì lẽ đó tính chất đóng góp của nó vào đời sống đô thị đã giảm hẳn.  


Bức hình chụp trong thời gian vắng vẻ nhất của con đường, những thời điểm khác thì giao thông quá khắc nghiệt để tác phẩm được nhìn ngắm một cách chậm rãi và bao quát. Đây là một điều thật sự rất đáng tiếc, giá như từ ban đầu có một tầm nhìn rộng hơn trong hoạch định, hoặc chúng ta cần chờ thêm một thời gian để khu vực này được cải tạo tốt hơn.

Đức Tém - soi.com.vn

Xem thêm những bài liên quan:

Urban Art (phần 1): Thuật phóng đại và Quả Bóng Đỏ


Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm