- Admin
- 08 May, 2018
- Thiết kế
Tại sao Hulk lại mặc quần màu tím?
Bạn có biết lý do vì sao Hulk lại mặc quần tím không? Câu trả lời nằm ở bài viết này sẽ rất thú vị và bổ ích về sự kết hợp màu sắc.
Bài viết bởi Rikard, người sáng lập ZevenDesign, đồng sáng lập Tethos Creative với 15 năm kinh nghiệm và hơn 20 giải thưởng thiết kế.
Phối hợp màu sắc là nguyên lý về cách phối màu sao cho hài hòa và thuận mắt. Nói cách khác, màu sắc sẽ được phối hợp để hỗ trợ tốt cho nhau. Đây cũng chính là lý do mà người khổng lồ xanh lại mặc chiếc quần màu tím kia và thế hệ dị nhân X-men đầu tiên có trang phục vàng và xanh lam. Đây cũng là chuẩn mực chọn lựa màu sắc khi thiết kế.
Vòng tuần hoàn màu sắc
Phối hợp màu sắc cần dựa vào vòng tuần hoàn màu sắc. Bạn có thể xem qua một chút về chủ đề này tại đây. Cụ thể, nó là một vòng tròn chứa tất cả những loại màu sắc. Màu sơ cấp là 3 màu cách đều nhau trên vòng tròn, bao gồm đỏ, vàng và xanh lam. Trong lĩnh vực hội họa, nguồn gốc của vòng tuần hoàn màu, 3 màu sắc sơ cấp này được phối hợp để tạo ra những màu còn lại. Đối với lĩnh vực in ấn hiện đại, chúng được thay thế bằng màu đỏ đậm Magenta, màu lục lam Cyan và vàng. Màu đen được thêm vào để tạo ra những màu sắc tối hơn, từ đó chúng ta có tổ hợp 4 màu C,M,Y,K.
Ở giữa 3 màu sơ cấp trên vòng tuần hoàn là những màu được phối - chẳng hạn như đỏ và xanh lam thành tím, đỏ với vàng thành cam, vàng và xanh lam thành xanh lục. Theo lý thuyết thì mỗi màu sẽ có một vị trí nhất định trên vòng tuần hoàn.
Vòng tuần hoàn thể hiện màu sắc trên một vòng tròn. Càng gần tâm thì màu sắc càng mờ nhạt. Tại vùng rìa của vòng tròn, màu sắc sẽ đậm và tương phản hơn. Theo mô hình 3D của vòng tuần hoàn, chúng ta có thể chỉnh độ sáng tối bên cạnh mức độ tương phản. Một điều quan trọng cần phải lưu ý chính là mức độ sáng tối hoặc tương phản của màu sắc không tác động đến vị trí của chúng trên vòng tuần hoàn. Màu cam có thể trải đều từ nâu đen đến màu cam tươi và da người. Tất cả những màu trong dãy này đều là màu cam.
(Ghi chú, đây là một vòng tuần hoàn màu tuyệt vời cho nhà thiết kế).
Màu sắc chủ đạo
Sau khi tham khảo về vòng tuần hoàn màu, điều quan trọng tiếp theo là bạn phải nắm được những màu chủ đạo. Chúng đóng vai trò rất quan trọng khi thiết kế. Màu chủ đạo là những màu mà bạn không thể thay đổi hoặc phải chú ý thật kĩ. Nếu bạn vẽ một bức về người khổng lồ xanh Hulk, màu sắc chủ đạo là màu xanh lục bởi vì bạn không thể đổi màu khác được. Nếu bạn chụp hình một người nào đó, thì màu da của họ chính là chủ đạo. Hoặc nếu bạn chụp hình một sản phẩm thì màu chủ đạo là màu của sản phẩm.
Khi xác định phương thức phối màu, đầu tiên bạn cần phải xác định màu chủ đạo. Sau đó, bạn có thể tìm những màu khác và cân nhắc xem liệu màu nào phối hợp tốt nhất khi thiết kế.
Những phương thức phối màu
Có 5 phương thức phối màu:
1. Phối hợp trực tiếp:
Đây là cách phối cơ bản nhất. Màu cần phối sẽ nằm đối diện với màu chủ đạo. Màu "đối diện" được gọi là màu tương phản, do đó kiểu phối màu thế này còn được gọi là phương thức phối màu kiểu tương phản. Tất cả những phương thức phối màu (trừ kiểu tương tự) xuất phát từ kiểu phối trực tiếp mà ra. Đây là lý do mà vòng tuần hoàn màu sắc được cấu thành bởi những phần đối lập nhau.
Tính tương phản cao giữa những màu đối lập tạo nên sự sống động, đặc biệt là khi được chỉnh mức bão hòa cao nhất nhưng có thể gây chói mắt nếu không có sự điều chỉnh hợp lý. Đây là kiểu phối màu phổ biến nhất, được sử dụng trong hầu hết các thiết kế. Màu xanh của người khổng lồ Hulk được kết hợp với màu tương phản là tím - đây là lý do mà anh ấy bận quần tím. Đỏ và xanh lục là màu tượng trưng của Giáng sinh và cũng là cặp màu tương phản. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, màu xanh lam là sự lựa chọn tốt nhất để làm màu nền vì nó là màu tương phản với màu da của chúng ta.
Màu tương phản có thể khó sử dụng trong dự án thiết kế lớn nhưng lại phối hợp rất ăn ý khi bạn muốn có sự nổi bật. Màu tương phản không hề phù hợp với dòng chữ bởi vì mỗi màu đều mang "sức mạnh" giống nhau và sẽ gây nên hỗn chiến để được chú ý.
2. Phối hợp màu kiểu tam giác cân
Thay vì kết hợp với màu đối diện trên vòng tuần hoàn màu, kiểu phối hợp tam giác cân sẽ lấy 2 màu nằm kế bên màu tương phản. Điều này giúp chúng ta có được dãy màu đẹp mà không phá đi sự hài hòa vốn có giữa màu chủ đạo và tương phản.
Kiểu phối này vẫn có được sự tương phản mạnh mẽ như kiểu phối tương phản nhưng mức độ thì ít hơn. Đây là một sự lựa chọn an toàn cho bất kì một thiết kế nào vì nó gần như không thể làm mất đi sự hài hòa và lúc nào trông cũng hợp nhãn.
3. Kiểu phối tam giác đều
Người ta thường gọi kiểu này với cái tên Triadics hay Triads. Đây là kiểu phối màu lấy hai màu cách hai khoảng so với màu tương phản để phối với màu chủ đạo. Cụ thể, với kiểu phối màu tam giác cân, bạn sẽ sử dụng 3 màu cách đều nhau trên vòng tuần hoàn. Do đó, điều này có nghĩa là bạn sẽ mở rộng kiểu phối cơ bản. Vì vậy, đây là kiểu phối tối ưu nhất.
Nhưng nếu sử dụng quá đà thì thiết kế của bạn sẽ bị ngộp và hơi chói đấy nhé.
Để sử dụng kiểu phối tam giác thích hợp, bạn cần phải cân bằng giữa các màu - hãy chọn một màu chính và sử dụng 2 màu còn lại để bổ trợ. Hoặc giảm độ bão hòa của các màu đi và chỉ sử dụng chúng trong những thiết kế nhỏ thôi.
4. Kiểu phối màu tương tự
Những màu sắc sử dụng trong kiểu phối này nằm hai bên của màu chủ đạo. Chúng phối hợp khá ăn ý và tạo cảm giác dễ chịu. Kiểu phối này trông có vẻ hợp nhãn và thường được xem là kiểu phối đơn sắc. Nếu thiết kế của bạn chủ yếu chứa một màu sắc nào đó thì đây là lựa chọn tốt.
5. Kiểu phối màu hình chữ nhật
Tương tự như kiểu phối tam giác cân, điểm khác biệt ở đây là sẽ có 4 màu nằm cách đều trên vòng tuần hoàn. Đây là kiểu phối duy nhất mà tôi thấy được sử dụng trên con chữ. Trong bài viết gần đây về chủ đề này, tôi đã không đề cập đến chúng. Theo quan điểm riêng của tôi, thiết kế theo kiểu này không phải là phối hợp màu mà chính là phương thức sử dụng tất cả các màu sắc có trên vòng tuần hoàn. Hoặc nói cách khác, đây là việc sử dụng hai cặp màu tương phản nhau.
Kiểu phối màu này sẽ là lựa chọn tốt khi bạn có nhiều yếu tố cần làm nổi bật - chẳng hạn như một poster có từ 4 nhân vật trở lên. Bằng cách sử dụng những màu sắc nằm cách đều trên vòng tròn, mỗi yếu tố đều trở nên nổi bật.
Ví dụ về phối hợp màu sắc
Trong phần này, tôi đã lấy những poster, mẫu quảng cáo và concept art để minh họa về những kiểu phối màu.
Kiểu phối trực tiếp/kiểu phối màu tương phản
Phối màu kiểu tam giác cân
Phối màu kiểu tam giác đều
Phối màu kiểu tương tự
Phối màu kiểu hình chữ nhật
Nguồn và credits
Có rất nhiều phiên bản vòng tuần hoàn màu sắc, tuy nhiên phiên bản tôi yêu thích là Paletton và Adobe Color Wheel. Paletton hay ở chỗ nó có mục "ví dụ" nơi bạn có thể đặt màu sắc mình vừa phối vào một số hình ảnh hay bố cục.
Nếu bạn muốn in vòng tuần hoàn màu sắc (và tôi nghĩ là mỗi nhà thiết kế đều nên như vậy), phiên bản tốt nhất là của Grumbacher Art. Bạn có thể mua nó ở đây.
Những tác phẩm phía trên là poster thương mại hoặc quảng được sử dụng với mục đích làm ví dụ. Một trong số chúng là của hai nghệ sĩ concept mà tôi yêu mến - Craig Mullins and Daniel Dociu. Cả hai đều là những người sử dụng thuần thục vòng tuần hoàn màu sắc. Tôi đề nghị những nhà thiết kế khác nên tham khảo và học tập từ những tác phẩm của họ.
idesign.vn - Tác giả: Rikard - Người dịch: Đáo - Nguồn: ZevenDesign
Xem thêm những bài liên quan khác:
Thuật ngữ màu sắc hữu dụng cho dân thiết kế
20 công cụ phối màu dành cho designer
Tin tức cùng chuyên mục
- 17 Apr 2018
4 Bộ nhận diện thương hiệu đẹp
Cùng chúng tôi xem những bộ thiết kế nhận diện thương hiệu rất đẹp mắt. Hy vọng cảm hứng đến từ những tác phẩm xuất sắc ...
Đọc thêm- 17 Apr 2018
5 Bộ nhận diện thương hiệu đáng học hỏi
Để tạo nên vẻ đẹp cũng như sự hấp dẫn cho bộ nhận diện thương hiệu đòi hỏi người thiết kế phải có sự cảm nhận ...
Đọc thêm- 17 Apr 2018
Các yếu tố nhằm thấu hiểu người dùng
Cảm xúc về thẩm mỹ và cảm hứng chưa đủ để tạo ra một thiết kế đẹp. Đó là lý do tại sao các nhà thiết ...
Đọc thêm