100 năm ngày Duchamp vác bồn tiểu đến triển lãm...

100 năm ngày Duchamp vác bồn tiểu đến triển lãm...

PHILADELPHIA, PA.- Để kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của một trong những tác phẩm vĩ đại nhất (nhưng cũng mắc cười nhất, gây tranh cãi nhất) trong lịch sử nghệ thuật hiện đại, Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia giới thiệu một triển lãm về chiếc bồn tiểu "huyền thoại" của Marcel Duchamp.


Cách đây đúng 100 trăm năm, 1917, cũng vào mùa xuân, Marcel Duchamp với sự trợ giúp của vài ông bạn quý, đem nộp một chiếc bồn tiểu bằng sứ cho một triển lãm do Hội Nghệ sĩ Độc lập tổ chức tại New York. "Ông mãnh" này đã mua chiếc bồn tiểu ở một cửa hàng chuyên bán thiết bị nước của công ty J. L. Mott Iron Works, đem về đặt tên là "Fountain" (Đài phun nước) và ký "R. Mutt".


"Fountain" làm bởi R. Mutt, 1917. Ảnh của Alfred Stieglitz


Vì triển lãm này không có hội đồng tuyển chọn (các nghệ sĩ độc lập mà), nên cuối cùng "Fountain" đã bị loại qua sự bỏ phiếu của những người tổ chức, sinh ra một cuộc tranh cãi nảy lửa.

100 năm sau, Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia lật lại cuộc tranh cãi ngày ấy, nhìn lại vai trò của Duchamp với những ý tưởng ngông cuồng và cực đoan nhưng là ngòi châm cho nghệ thuật mạnh dạn mở thêm một hướng đi khác.

Nói thêm về Hội Nghệ sĩ Độc lập. Hội này được thành lập vào cuối 1916, trong đó có Duchamp. Họ thường hay họp tại căn hộ của hai nhà sưu tập Louise và Walter Arensberg. Trong một lần họp, họ bàn sẽ làm một triển lãm hoành tá tràng vào tháng Tư 1917 và thống nhất là không có giám tuyển giám tuyết gì hết, anh nào tham gia cứ tham gia.

Khi "Fountain" bị loại, Duchamp rút khỏi Hội để phản đối. Vài ngày sau, ông vác chiếc bồn tiểu tới cho nhiếp ảnh gia Stieglitz chụp cho Blind Man (Kẻ Mù)– một tạp chí mang tính aavant-garde do Duchamp và đám bạn ông xuất bản.

Trong số tháng Năm của Blind Man, tạp chí này bênh vực tác phẩm; lời tòa soạn viết là: "Cho dù Mr. Mutt có tự mình làm ra cái bồn tiểu này không cũng không quan trọng. Ông ấy ĐÃ CHỌN nó. Ông ấy đã lấy một món thông thường của đời sống, đặt lại nó dưới một cái tên mới, một nhãn quan mới, khiến giá trị sử dụng của nó biến mất. Ông ấy đã tạo nên một tư tưởng mới cho cái vật ấy." (Trong triển lãm này, Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia sẽ bày một bản in lại của tạp chí ấy, người xem có thể lật xem.)


.

Chiếc bồn tiểu "Fountain" ngay sau đó bị mất hay bị đập thì không biết. Trong triển lãm này, người ta chỉ còn thấy nó trên bức ảnh của Stieglitz, từng xuất hiện trên tờ Blind Man, thấy nó được đặt trên bậu cửa, trước bức tranh "291" của Marsden Hartley tại gallery của Stieglitz.

Người ta cũng sẽ được xem một bức ảnh của Henri-Pierre Roché, chụp Fountain treo lủng lẳng ngay khung cửa ra vào của studio họa sĩ, số 33 West 67th St.


Henri-Pierre Roché


Còn ai muốn ngắm "Fountain" bằng sứ thì đành ngắm bản sao cũ nhất trong số 14 bản sao của nó, được Duchamp làm lại hồi 1950, cũng lại ký "R. Mutt 1917":


.

Matthew Affron, một giám tuyển của bảo tàng Philadelphia, nói: "Từ rất sớm Duchamp đã thấy được sự thách thức sâu sắc mà 'readymade' đặt ra cho những tư tưởng cố hữu về ý nghĩa của vật nguyên bản và bản sao trong nghệ thuật. Theo thời gian, Duchamp ngày càng thích thú với việc tạo nên những bản sao. Ông lật đổ những tư tưởng (bó buộc) về nguyên bản, đặt ra những vấn đề mà phải đến thời của chúng ta mới thấy được ý nghĩa to lớn của chúng. Và 100 năm sau ngày ra đời, tác phẩm điêu khắc readymade này của Duchamp vẫn tiếp tục làm ta hoang mang."

Linh - soi.com.vn



Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm