Tranh hang động thời Đồ Đá Cũ: đẹp nhờ đâu?

Tranh hang động thời Đồ Đá Cũ: đẹp nhờ đâu?

Cái gì thực sự làm nên đặc điểm nghệ thuật và sự hấp dẫn của các tranh hang động, và những kỹ năng nào là tối thiểu để có thể đạt được những hiệu quả như vậy?


Tranh trong hang Altamira, gần Santander, Tây Ban Nha. Ảnh: Rameessos


Trong lịch sử nghệ thuật, mỹ thuật, thời kỳ Đồ Đá Cũ thượng kỳ (khoảng 40 ngàn tới 10 ngàn năm trước Công nguyên) là thời kỳ đầu tiên mà một số sản phẩm của con người được xét vào loại nghệ thuật chứ không phải chỉ là công cụ hay là những vật thể hiện tình cảm thông thường. Trong đó, đặc biệt quan trọng và có giá trị nghệ thuật cao là những tranh hang động. Những tranh này chủ yếu mô tả các loài động vật, hoạt động săn bắn và các sinh hoạt cộng đồng của con người. Sự sinh động, tính thẩm mỹ của chúng khiến cho cả thế giới ngày nay phải khâm phục và đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sỹ cận đại, hiện đại. Cái gì thực sự làm nên đặc điểm nghệ thuật và sự hấp dẫn của các tranh hang động, và những kỹ năng nào là tối thiểu để có thể đạt được những hiệu quả như vậy?

1. Sự tương tác của nền

Trong một tác phẩm điêu khắc hay hội họa, nhất là những loại có hình, thể loại tả thực, có lẽ có hai giai đoạn đặc biệt khó khăn và mang tính quyết định: thứ nhất là nên bắt đầu thế nào, và thứ hai là nên kết thúc thế nào.

Trước một tờ giấy hay một tấm toan trắng, việc đặt những nét bút đầu tiên vô cùng quan trọng. Tới một lúc nào đó, khi hình hài, bố cục tác phẩm đã hơi có chút manh nha, việc tiếp diễn sẽ khá thuận lợi.

Khi những ý chính đã diễn đạt xong, thì vấn đề hoàn thiện lại vô cùng khó, nhất là cái nền xung quanh nên thế nào. Để trắng hoàn toàn thì tác phẩm sẽ giống như nằm giữa chân không, hư vô, không phải đơn giản. Mà bất cứ nền gì cũng sẽ tương tác với phần chính. Vì thế liên tục phải cân chỉnh giữa nền và hình vẽ, sao cho hai thứ cùng tiến triển song song, thường là phần nền còn phải xong trước phần hình, để những trau chuốt cuối cùng cho phần hình sẽ bật được lên. Quy trình này quá phức tạp, nên những thử nghiệm không bài bản gần như khó có thể thành công, trừ một số may mắn đặc biệt, do có được những trực giác rất chuẩn xác.

Đối với những tranh hang động, một đặc điểm là phần nền đã được định sẵn thông qua việc chọn nền là một mảng đá, một vị trí trên vách, trần hang v.v. Khi quan sát thật kỹ nền này, người ta đã có thể cảm nhận được một chất cảm, một luồng năng lượng vận động bên trong và trên bề mặt của nó, cảm nhận được hình hài mà nó nên biểu lộ, giống như người ta vẫn mường tượng những hình ảnh khi ngắm bầu trời sao, ngắm hình thái sông núi.


Tranh vẽ bò rừng trong hang ở Altamira, Tây Ban Nha. Ảnh: Pedro A. Saura/AP


Như vậy, nền vật liệu đã gợi ý cho ta cái bắt đầu, và gần như đã hoàn thiện khâu cuối cùng. Cái cần phải làm chỉ còn là khâu giữa, làm nổi bật lên cái ta muốn nói, đồng thời cũng là cái mà cái nền kia muốn nói, hay nói cách khác là cái mà ta cho rằng cái nền kia định nói. Từ cái nền hàm chứa nhiều thứ đó, tới tờ giấy trắng, hay bức toan trắng, là một sự trừu tượng hóa vượt bậc, không thể vượt qua một cách thông thường. Có thể so sánh giữa việc nấu ra một món bít tết từ miếng thịt bò với nấu bít tết từ không khí.

Ngoài việc nền có hàm chứa sẵn hình hài và chất cảm, một đặc điểm của các tác phẩm này còn là sự tiếp xúc trực tiếp của tay vào vật thể. Một trong những kỹ thuật cơ bản thời đó là chạm khắc, đục đẽo. Những công việc này hiển nhiên phải chạm tay vào vật thể, cảm nhận một cách rất chậm và tinh tế vật chất của nền đó. Nhưng ngay cả các hình vẽ không khắc trên hang động thì động tác dùng tay sờ để định hình, để đi nét, và đặc biệt để bôi màu là rất phổ biến. Hình bàn tay in âm dương bản đều rất điển hình trong các bức vẽ hang đá. Bóng tối của hang động cũng càng khiến động tác lần sờ trở nên cần thiết. Kết quả là một tổng hợp giữa xúc giác và thị giác, vì thế nó có chất cảm và độ rung động trực tiếp kiểu xúc giác đặc biệt mạnh. Nếu so sánh giữa việc lần sờ này với việc vẽ bằng bút lông, thì có thể ví như bắt mạch trực tiếp trên cổ tay so với bắt mạch qua sợi chỉ, cách màn. Việc nhận diện được mạch lạc sẽ khó khăn gấp nhiều lần.


"Cueva de las Manos" (Hang động của những bàn tay) tại Santa Cruz, Argentina. Ảnh của Mariano

Kết luận 1: Một trong những bí quyết dẫn tới hiệu quả đặc biệt của các tác phẩm nghệ thuật Đồ Đá Cũ là việc tương tác, chọn lọc được những nền có hàm chứa nội dung sẵn, và dùng tay trực tiếp cảm nhận, bắt mạch cái nền đó, tìm cách phát huy tiềm năng của nó. Việc này dễ dàng và ít trừu tượng hơn rất nhiều so với việc dùng bút lông, vẽ trên nền trắng.

Một người mới bắt đầu với hội họa, không khác gì một người tiền sử, hay một baby trên đường đời nghệ thuật, có nên chăng bắt đầu với đúng cách dễ dàng mà người tiền sử đã làm, chứ chưa nên nhảy ngay vào những mức trừu tượng cao, với những công cụ tinh vi, hiện đại khi chưa thể biết cách phát huy chúng. Tất nhiên chúng ta khó có thể có điều kiện chọn nền như hang động, nhưng nhiều vật nhỏ cũng có thể có những chất cảm tự nhiên sẵn có, hoặc có thể tạo ra những nền tự nhiên bằng những dạng độc bản. Những độc bản nền này tốt nhất nên có cả chất cảm bề mặt, hơi có hình khối, chứ không chỉ hoàn toàn phẳng. Chỉ riêng việc thu từ kích thước thật, tức là có thể sờ lần bằng cả bàn tay, sải tay về một kích thước nhỏ, chỉ có thể cảm nhận bằng đầu ngón tay là một bước khó hơn nhiều lần so với vẽ trên thành hang động, nhưng vẫn còn đơn giản hơn nhiều so với dùng bút lông trên nền toan trắng.


Tranh hang động tại di sản thế giới Tassili n'Ajjer, Algeria. Ảnh của Patrick Gruban


2. Giải phẫu và nghiên cứu trạng thái

Ngày nay, ta chỉ có thể phỏng đoán về mục đích của những tác phẩm tiền sử lớn còn lại, như những bức tranh hang động nổi tiếng, chứ không thể biết chắc điều gì. Tuy nhiên, quan sát những bộ lạc còn sống trong trạng thái săn bắn hái lượm tới gần đây cho thấy, khả năng lớn những hình vẽ hang động đó là dạng giáo cụ trực quan. Ban ngày, người ta phải ra ngoài săn bắn hái lượm. Tối về, hoặc khi thời tiết không thuận lợi, người ta tập trung trong hang động, đốt lửa. Khi đó, người lớn sẽ tìm cách truyền đạt kiến thức cần thiết cho trẻ em, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Những kiến thức sống còn nhất là về các con mồi và các loại kẻ thù ăn thịt. Những kiến thức này thường sẽ được truyền đạt thông qua hình vẽ và mô tả bằng lời nói, hành động, âm thanh.

Khác với những tác phẩm của các thời kỳ sau, khi nội dung tâm linh, tín ngưỡng chiếm ưu thế, thường sẽ làm thay đổi tỷ lệ, hình hài một cách nhân tạo dựa trên nhu cầu cần nhấn mạnh, biểu tượng hóa một số vấn đề, các tác phẩm thời kỳ Đồ Đá Cũ thường là tả thực, với mục đích truyền đạt kiến thức tự nhiên. Vì thế, đa số hình vẽ có những hình dáng, tỷ lệ khá chuẩn về giải phẫu học. Gần như không có những cách điệu mang tính biểu tượng hay trang trí trong những tác phẩm Đồ Đá Cũ. Việc nghiên cứu kỹ, chính xác hình dáng, giải phẫu của các động vật, người do đó là điều kiện cần để có thể tạo ra những sản phẩm như vậy.


Tranh trong hang Lascaux


Tuy nhiên, đó không phải là điều kiện đủ. Những bài học cơ bản về giải phẫu, chính xác tới từ thớ cơ, từng khớp xương v.v. không hề đảm bảo được năng lực diễn đạt những động vật sinh động như vậy. Đó là vì nội dung những giáo trình giải phẫu là những tỷ lệ tĩnh, trong khi điều cần được truyền đạt trong giáo cụ trực quan nguyên thủy lại là những trạng thái động.

Giống như một con cọp cần phải phân biệt được những trạng thái khác nhau của con mồi: no hay đói, khỏe hay yếu, nhanh hay chậm, già hay trẻ, có đang cảnh giác hay mất cảnh giác v.v. một người nguyên thủy cũng cần những kiến thức sống còn như vậy về các loại con mồi và kẻ thù tự nhiên của mình. Để làm được điều đó, cần phải có được sự phân biệt mạch lạc giữa những trạng thái quan trọng khác nhau, sau đó phải có năng lực thể hiện lại được nó, trên cơ sở phát huy năng lực sẵn có của cái nền. Một trong những kỹ thuật thể hiện trạng thái động là việc lặp lại hình ở những góc độ khác nhau, như nguyên lý vẽ hoạt hình. Cách này đã được quan sát trên nhiều tranh hang động. Nhưng kỹ thuật thể hiện có thể học, nó không quan trọng bằng việc nhận diện chính xác những động thái, trạng thái cần phải thể hiện.


Tranh trong hang Dã thú, (Gilf Kebir, Tây Nam sa mạc Ai Cập-Libya). Ảnh của Clemens Schmillen


Con người ngày nay không còn mối liên hệ sống còn đối với các sinh vật trong thiên nhiên nữa, nên dù quan sát cũng không còn sự căng thẳng tinh thần tột cùng như thời đó nữa, vì vậy gần như không thể nhận diện được những trạng thái khác nhau của con vật, và càng không thể thể hiện chúng. Đó là lý do chính khiến cho đa số chúng ta đều phải trầm trồ thán phục hiệu quả của những bức tranh hang động tiền sử và phải công nhận rằng cho dù có dày công nghiên cứu, thử nghiệm, ta cũng khó lòng làm được như họ.

Kết luận 2: Để có được những hiệu quả như các bức tranh hang động thời kỳ Đồ Đá Cũ, gần như không thể chỉ dựa vào năng khiếu hay trực giác, mà phải có nghiên cứu rất tỷ mỷ, cẩn thận về giải phẫu học. Nhưng quan trọng nhất là phải nghiên cứu được các trạng thái đặc trưng của các con vật.

Cái khó ở chỗ những trạng thái đặc trưng này không phải do ta tùy tiện đặt ra, mà phải có được cảm nhận về sự cần thiết sống còn của nó, nếu ta là kẻ đi săn hoặc bị săn. Cảm nhận này gần như không thể có được bằng cách nào đối với con người hiện đại, nên người hiện đại gần như không thể làm ra được những tác phẩm tương tự.


Tranh tại hang Lascaux, 15.000 – 10.000 năm TCN


Tuy nhiên, với cùng một nguyên lý như vậy, nếu có thể đạt đến sự thấu hiểu trạng thái động vật từ những góc độ khác, chẳng hạn góc độ thú y, người chăn nuôi, người bạn v.v. thì cũng có thể xác định được một số trạng thái quan trọng. Người nghệ sỹ cần phải tự xác lập một loại quan hệ riêng, khăng khít với loài động vật cần mô tả, để có thể quan sát chúng một cách sâu sắc, thấu hiểu. Căn cứ vào mối quan hệ này, sẽ xác định được những trạng thái của động vật được coi là hệ trọng. Mức độ quan trọng và điển hình của trạng thái có quyết định cơ bản tới năng lực biểu cảm của nó.

Tuy nhiên, nếu mối quan hệ đó khác với săn và bị săn như thời kỳ đồ đá, khả năng truyền cảm của các trạng thái cũng khó hơn, vì những thông điệp săn và bị săn không chỉ quan trọng đối với người gửi thông điệp, mà nó còn là mối quan tâm sống còn của người nhận thông điệp. Chỉ khi người nhận cũng thực sự quan tâm, thông điệp mới được chuyển tải tối ưu.


Tranh hang động tại Chauvet, Ardeche, Pháp. Hình tại trang này


3. Bối cảnh hang động và ánh sáng ngọn lửa

Khi xem ảnh chụp những tranh hang động, một số chỗ thấy cũng không hẳn là đúng tỷ lệ giải phẫu lắm. Đặc trưng là có những chỗ bị kéo dài, bóp méo, những nét không thẳng, hình không đóng kín, hình chồng chéo lên nhau v.v. Nhưng những ai đã chứng kiến những tranh hang động tại hiện trường, trong ánh sáng lửa, đều nhận ra rằng chúng có sức thuyết phục, chân thực hơn hẳn ảnh chụp. Lý do là bản thân ánh sáng chập chờn của ngọn lửa trong hang và nền tối của thành hang đã tạo nên những sự chuyển động rất đa dạng, khiến cho có cảm giác bầy thú chuyển động trong rừng, hay xuất hiện từ trong rừng.


Tại hang Lascaux, được 4 thiếu niên người Pháp phát hiện năm 1940 trong lúc đi tìm chó lạc. Có khoảng 1.500 bức khắc và 600 bức tranh, từ 15,000 – 9,000 năm trước Công nguyên. Ảnh từ trang này.

Kết luận 3: Việc vẽ trong bóng tối với ánh lửa có thể tạo ra những hiệu quả rất khác biệt với khi vẽ trong ánh sáng ổn định. Hiệu quả này phát huy cao nhất khi tác phẩm cũng được chiêm ngưỡng trong ánh lửa và nền tối, nhưng sẽ vẫn có hiệu quả ngay khi đưa ra quan sát trong ánh sáng ổn định. Theo nguyên lý tương tự thì nếu ta dùng một lăng kính không bình thường, ánh sáng không bình thường để quan sát vật định vẽ, hoặc nhìn tác phẩm trong quá trình vẽ, thì sẽ luôn ra được những kết quả vừa có độ bóp méo bất thường, mà vẫn có tính logic nội bộ chặt chẽ. Nhưng ngọn lửa là một trong những phương pháp đơn giản nhất mà lại rất hiệu quả, vì nó tự nhiên và phổ quát, chứ không phải là một lăng kính kỳ quái của một cá nhân nào. Việc tạo bối cảnh hang động và ánh lửa do đó là một phương pháp để tăng động tính cho những tác phẩm tả thực.


Theo Phó Đức Tùng -  soi.com.vn

Xem thêm những bài liên quan:




Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm