Những phút cuối cùng của nhà báo Khashoggi?

Những phút cuối cùng của nhà báo Khashoggi?

Khashoggi là một cây bút lâu năm của tờ Washington Post, một tiếng nói chỉ trích Thái tử Saudi Mohammed bin Salman (MBS). Người ta thấy ông lần cuối bước vào lãnh sự quán Saudi vào ngày 2 tháng Mười năm 2018. Sau đó tin tức loan ra ông đã bị giết ngay trong tòa lãnh sự, khi một số gương mặt quan trọng của hoàng gia Saudi muốn ông im tiếng.


"The Safe" (2019 – chơi chữ, vừa là "cái két sắt", vừa khiến ta nghĩ tới sự an toàn) của Abdulnasser Gharem (Saudi) là một sắp đặt tại Art Basel (Thụy Sĩ), đưa người xem vào một căn phòng chật chội, bịt kín như một cái hộp, gợi đến căn phòng nơi diễn ra cuộc tra tấn (và xẻ thịt) nhà báo Khashoggi.

Bên ngoài cái hộp ấy trông giống lãnh sự quán Saudi tại Istanbul, thêm mái hiên màu vàng bên trên cổng, nơi người ta thấy Khashoggi bước vào và từ đó không quay trở lại. Bước vào trong phòng như bước vào một bệnh thất, tường trắng toát, một bộ sofa và một bàn phẫu thuật bằng thép không gỉ, bên cạnh là bồn rửa tay. Trên tường là một lá cờ lớn của Saudi Arab.


Abdulnasser Gharem, "The Safe" (2019) tại Art Basel Unlimited 2019. Ảnh của Simon Vogel.


Mỗi người xem có 60 giây bên trong phòng. Nỗi sợ như sờ thấy được trong không khí.

Tác giả Gharem không qua trường lớp nào về nghệ thuật. Ông vốn là một sĩ quan trong quân đội Saudi, đã cấu trúc nên sắp đặt này dựa vào những hình ảnh mà camera tại lãnh sự quán ghi lại và lan truyền khắp thế giới, cho thấy những khoảnh khắc cuối cùng của Khashoggi, kèm theo những bài tường thuật của truyền thông về cái chết của ông, cũng như bản ghi âm cuộc hội thoại diễn ra bên trong tòa lãnh sự.

Abdulnasser Gharem, "The Safe" (2019) tại Art Basel Unlimited 2019. Ảnh của Simon Vogel.


Gharem phục vụ trong quân đội Saudi suốt hai mươi năm, làm đến hàm trung tá. Ông từng chứng kiến hai người bạn cùng lớp tham gia các nhóm khủng bố Hồi giáo và hai người ấy tham gia tấn công vụ 11/9 năm 2001. Gharem hiện sống và làm việc tại Riyadh, thù đô của Saudi, và thực hiện các tác phẩm có thể khiến hoàng gia nổi giận.


Gharem trước một tác phẩm của ông. Ảnh từ trang này 


Khách tham quan sắp đặt này có thể đóng lên tường một trong nhiều con dấu mang những dòng chữ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Ả-rập, thí dụ: "Sự khác nhau giữa tên khủng bố và kẻ tử vì đạo là ở cách truyền thông mô tả" hoặc, "Bạo lực là tự kết liễu".


.

Tác phẩm này do Galerie Nagel Draxler & Galerie Brigitte Schenk tài trợ để thực hiện. "Tác giả không nói thẳng đây là cái chết của Khashoggi, cũng không phán xét gì về cái chết của Khashoggi, nhưng tác phẩm đã tạo nên một bầu không khí bất an, và nhắc người xem rằng, bên ngoài hội chợ này, vẫn còn một thực tế khác." Người chủ của galerie nói với báo chí.

"The Safe" sẽ đến Art Basel Hong Kong vào 2020. Triển lãm do Giovanni Carmine giám tuyển.



 T.L lược dịch từ Hyperallergic - soi.com.vn

Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm