Đến Rome, đừng quên xem tượng Bernini

Đến Rome, đừng quên xem tượng Bernini

Bernini là một thiên tài, là nhân vật nổi trội nhất của điêu khắc Baroque. Trên thực tế, không có Bernini thì điêu khắc Baroque ắt đã mang một gương mặt rất khác. Ở lứa tuổi 20, khi mà nhiều người trong số chúng ta còn chơi vơi ở khoảng ăn chưa no lo chưa tới, ông đã là một cái tên lừng lẫy.


Hai tuần trước tôi ở Rome. Cả thành Rome giống như một khu di tích lịch sử khổng lồ. Trên taxi từ sân bay Leonardo da Vinci-Fiumicino về trung tâm thành phố, chúng tôi ngây ngất vì quang cảnh: các công trình đá cổ kính nằm lấp ló giữa vô vàn tán cây rộng xanh mướt, nhiều thảm hoa đủ màu rực rỡ buông hờ hững trên những bức tường rêu phong, không đếm xuể quảng trường, đài phun nước, bậc thang đá đan xen tạo nên một khung cảnh hoành tráng và lộng lẫy đến ngạt thở.


Hoa lá ở Rome. (Ảnh: A.Ng)


Nếu không tính thành Vatican nằm lọt thỏm trong lòng Rome (để đến đây thăm, rất nên mua vé Skip the Line để khỏi phải xếp hàng vài tiếng – trung bình mỗi ngày có gần 3 vạn du khách đến thăm Vatican cơ mà), có một số công trình cơ bản cần đến thăm khi ở Rome:


Đấu trường Colosseum (các Hoàng đế La Mã thậm chí còn ra lệnh đổ đầy nước vào đây để tổ chức các trận thủy chiến ngạt thở). 


Cách đó vài bước chân là Roman Forum – nơi diễn ra các sự kiện quy mô lớn của La Mã cổ đại, từ mừng công báo tiệp đến xét xử tội phạm. (Ảnh: A.Ng)


Đền Pantheon – một đỉnh cao của kiến trúc La Mã.


Đài phun nước Trevi, (Ảnh: A.Ng)


Lâu đài Sant' Angelo bên bờ sông Tiber có hành lang nối qua Vương cung thánh đường và được các Giáo hoàng dùng làm nơi ẩn náu khi có biến. 


và Villa Borghese.


Villa Borghese.


Đây là tên gọi chung cho một tổ hợp công viên, bảo tàng, và dinh thự nằm giữa trung tâm Rome. Nhìn từ vệ tinh xuống, Villa Borghese có hình dáng giống y hệt một trái tim màu xanh duyên dáng. Khách sạn chúng tôi ở nằm ngày sát cạnh đây và vì thế cũng được hưởng ké màu xanh mát của nó. Thật may mắn vì những ngày đó Rome nóng một cách khủng khiếp, hầu như không thể di chuyển bằng cách đi bộ nếu mặt trời chưa lặn (vào khoảng 8 giờ tối.)

Trong Villa Borghese có một cái hồ nhỏ nhắn, trên hồ là cái đền tí hon với bức tượng Aesculapius.


Hồ trong Villa Borghese. (Ảnh: A.Ng)


Trong Villa Borghese có Villa Medici – nơi chứa French Academy in Rome, và nối với đồi Pincio. Chỗ này có một cái obelisk (của La Mã chứ không phải ăn cướp của Ai Cập) và cũng là một nơi ngắm cảnh mặt trời lặn lý tưởng ở Rome. Như có thể đoán được, ở Rome hầu như không có mấy tòa nhà cao tầng tồn tại để giảm đi sự uy nghi của các công trình cổ điển. Tòa nhà cao nhất chỉ có 30 tầng.


Mặt trời lặn ngắm từ Pincian Hill.


Như đã thành thông lệ, mỗi khi đến một thành phố mới, chúng tôi đều cố gắng đi thăm ít nhất một bảo tàng. Lần này vì đã dự định thăm bảo tàng Vatican vào ngày hôm sau nên chúng tôi lựa chọn Galleria Borghese vừa nhỏ xinh vừa gần khách sạn để đỡ bị "bội thực nghệ thuật." Bảo tàng này trước thuộc sở hữu của gia tộc Borghese, bắt đầu từ Hồng y Scipione Borghese, một người cháu của Giáo hoàng Paul V. Hiện giờ nó đã trở thành tài sản của chính quyền Ý. Bảo tàng không quá lớn, chỉ có hai tầng và 20 căn phòng, nhưng chứa đựng một bộ sưu tập thực sự "đáng tiền," rất mạch lạc, giá trị, và trau chuốt. Đơn cử như Deposition (Hạ thánh giá) và Lady with a unicorn của Raphael, Boy with Basket of FruitSt. John the Baptist, Sick Bacchuscủa Caravaggio, tranh của Titian và Rubens và Veronese.


"Sick Bacchus" của Caravaggio


Tuy nhiên đặc sắc nhất ở Galleria Borghese là những tác phẩm điêu khắc của Bernini.

Bernini là một thiên tài, là nhân vật nổi trội nhất của điêu khắc Baroque. Trên thực tế, không có Bernini thì điêu khắc Baroque ắt đã mang một gương mặt rất khác. Ở lứa tuổi 20, khi mà nhiều người trong số chúng ta còn chơi vơi ở khoảng ăn chưa no lo chưa tới, ông đã là một cái tên lừng lẫy. Từ 21 đến 27 tuổi, dưới sự bảo trợ của Hồng y Borghese, ông tạo nên bốn tuyệt tác đỉnh cao, tất cả đều nằm ở Villa Borghese. Đó là: Aeneas, Anchises, and Ascanius (1619), The Rape of Proserpina (1621–22), Apollo and Daphne (1622–25), và David (1623–24). Vì khuôn khổ bài viết ngắn, ở đây chúng ta chỉ xem hai tác phẩm Apollo and Daphne và Rape of Proserpina.


Tác phẩm "Rape of Proserpina"


Đầu tiên, về bức Rape of Proserpina. Bức tượng này diễn tả cảnh Diêm vương Pluto (thần Âm phủ Hades trong thần thoại Hy Lạp) bắt cóc nữ thần Mùa xuân Proserpina (tương đương với Persephone) về làm vợ. Trước tiên cần dài dòng chút về chữ Rape trong tên của bức tượng này.

Có một vấn đề khi phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, đó là từ "rape" ngày nay thường chỉ được dùng với nghĩa "hiếp dâm," nhưng nó bắt nguồn từ raptio – tiếng La Tinh nghĩa là bắt cóc, hoặc là cướp bóc trên quy mô lớn. Ví dụ trong nghệ thuật hay có những bức tranh vẽ Rape of the Sabine Women. Trong bức tranh này thì dân La Mã bắt cóc phụ nữ thành Sabine rồi thuyết phục họ cưới chứ không phải hiếp dâm (mặc dù thế là cũng phạm luật rồi vì không có sự cho phép của cha, anh những phụ nữ này). Hay như trong lịch sử có vụ Rape of Nanjing (thảm sát Nam Kinh), chữ "rape" này chỉ cướp bóc, tàn sát chứ không phải cưỡng hiếp phụ nữ (mặc dù phụ nữ Nam Kinh cũng bị cưỡng hiếp chứ không phải không).

Có một ví dụ tương tự là từ "passion." Ngày nay đa phần mọi người sử dụng passion với nghĩa nồng nàn, đam mê. Nhưng theo nghĩa cổ thì passion là sự khổ nạn, thường dùng trong bối cảnh tôn giáo (vd: Passion of Christ).

Vì vậy, trong trường hợp Proserpina thì hành vi của Pluto không phải hiếp dâm mà là "bắt cóc với ý đồ quan hệ tình dục sau đó" mới chính xác. Chữ "rape" này cần hiểu theo nghĩa cổ. (Từ điển Oxford: (nghĩa cổ) The abduction of a woman, especially for the purpose of having sexual intercourse with her).


"The Rape of Proserpina" trong bảo tàng


Khi hoàn thành bức tượng này thì Bernini mới có 23 tuổi. Tài năng của ông thể hiện qua việc biến cẩm thạch cứng rắn thành thân hình người mềm mại, đầy sức sống đã làm rung động giới nghệ thuật. Nếu đi vòng quanh để chiêm ngưỡng, người xem có thể thấy dáng cong lưng để vận lực của Pluto hay tư thế giơ cao tay tuyệt vọng của thiếu nữ. Thế nhưng để cảm nhận sự tinh xảo của tác phẩm, có lẽ chỉ cần ngắm hai chi tiết này:


Những "lúm đồng tiền" được tạo ra khi Pluto bấm ngón tay vào đùi Proserpina


Những giọt nước mắt kinh hãi của Proserpina


Chủ đề của Apollo and Daphne cũng tương tự. Bị mũi tên của Cupid bắn trúng, Apollo say mê theo đuổi nàng tiên Daphne nhưng bị cự tuyệt phũ phàng. Quá sợ hãi, nàng cầu khẩn được giải thoát. Cha nàng đã nghe lời và biến nàng thành cây nguyệt quế. Ngay cả khi Daphne đã hóa thành cây, Apollo vẫn không từ bỏ việc sở hữu nàng và biến nàng thành loài cây gắn liền với vinh quang. Chính vì truyền thuyết này mà những nhà vô địch thường được đeo vòng nguyệt quế.


Apollo and Daphne


Giống như bức tượng Pluto và Proserpina, chủ đề "nam đuổi bắt nữ" cho phép Bernini khai thác chuyển động đặc sắc, sôi nổi, đấu tranh của hai thân hình tuyệt mỹ. Nếu kỳ tài của Bernini trong tác phẩm trước được biểu hiện qua sự miêu tả da thịt thì đối với Apollo and Daphne, thực vật mới là nét đặc sắc nhất. Những phiến lá cẩm thạch mỏng tang, những sợi rễ và dây leo cẩm thạch nhỏ xíu, phần thân cây cẩm thạch chuyển biến tinh tế từ thân người,… tất cả tạo nên một tổng hòa đầy ma thuật.


Chân của Daphne hoá thành rễ cây

Một góc khác

Cánh tay nàng hoá thành cành cây


Không phải Bernini miễn nhiễm với các lời chê bai. Chẳng có tên tuổi lớn nào trong lịch sử và nghệ thuật lại không trải qua một vài lần "xét lại." Vào thế kỷ 18 khi danh tiếng của ông bị lôi ra chà đạp, hai bức tượng của ông từng bị chê là quá điệu đà và rườm rà không cần thiết. Apollo bị chê là nhìn như một chàng chăn cừu, Pluto thì quá ưỡn ẹo mà thiếu phần cao quý, thần thì ít mà trang trí thì nhiều, vv và mây mây.


"Apollo and Daphne". Mái tóc Daphne hóa thành lá rợp


Thế nhưng thời gian đã trả lại cho những tác phẩm này giá trị thật mà chúng xứng đáng được nhận. Da thịt óng ả, những lọn tóc tung bay, vẻ mặt và chuyển động và hình dáng của bốn nhân vật biến chúng thành những đại biểu hoàn hảo của thần thoại. Những nhà phê bình cho rằng những tác phẩm của Bernini đã làm nên lịch sử và định nghĩa lại điêu khắc.

Quả thật tôi có rất nhiều cảm xúc khi chiêm ngưỡng những tác phẩm này nhưng khả năng văn chương có hạn không thể diễn tả hết vẻ đẹp của chúng. Đó có lẽ là một tính chất đặc biệt của Rome: sự hùng vĩ và trường tồn của nó khiến cho ngôn ngữ trở nên bất lực. Vì vậy nếu bạn có lỡ bước qua Rome thì ngoài ăn kem gelato và shopping thời trang châu Âu giá rẻ hãy đừng quên ghé thăm những tác phẩm nghệ thuật nơi đây. Giống như bầu không khí lịch sử giàu có và tráng lệ của Rome, chúng sẽ thành một phần của bạn để mãi nhớ về sau.



Anh Nguyễn - soi.com.vn

Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm