Các nguyên lý thị giác cơ bản

Các nguyên lý thị giác cơ bản (Phần 1)

Đây là những khái niệm cực kỳ căn bản mà bất kỳ nghệ sỹ thị giác nào cũng cần phải biết, nắm vững và vận dụng thành thạo.

1. Nguyên lý về sự hòa hợp trong đa dạng:

Tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh được xem là một chỉnh thể mà bên trong nó hàm chứa nhiều yếu tố khác nhau thể hiện sự đa dạng, tính biến hóa. Sự hòa hợp trong tác phẩm nghệ thuật phải thể hiện được sự hợp nhất bởi nhiều yếu tố khác nhau cùng hòa điệu trong một chủ đề ý tưởng nào đó. Nếu không giải quyết được sự mâu thuẫn của các yếu tố khác nhau thì sẽ không thể nào tạo được sự hợp nhất. Muốn tạo được sự hợp nhất đó thì phải thiết lập được sự chủ đạo. Thí dụ như màu chủ đạo, chủ sắc, đường nét chủ đạo, chất liệu chủ đạo, khối chủ đạo…

Có thể nói: "nguyên lý hòa hợp trong đa dạng" tương tự như là mối quan hệ về hợp nhất và biến hóa trong vũ trụ, cuộc sống và tác phẩm nghệ thuật. Nó là cơ sở lý luận, chỉ đạo cho các quá trình tạo nên sự hợp nhất của các phương tiện tạo hình trong nghệ thuật thị giác.

Nguyên lý này phản ánh từ nguyên lý tối thượng của sự sản sinh, vận hành và tồn tại của vũ trụ. Cho nên có lẽ chúng ta phải liên hệ nhiều vấn đề để giải thích nguyên lý này bằng minh họa tóm lược.

Chúng ta biết rằng, trong vũ trụ với vô vàn tinh tú này tưởng chừng như hỗn loạn nhưng thật ra chúng đã và đng vận hành theo nhiều hệ thống. Trái đất chúng ta vận hành theo hệ thống mà mặt trời (gọi là Thái Dương hệ) làm chủ đạo.

Mọi sự vận hành này phải tuân theo một trật tự nào đó, nhờ trật tự này mà nhiều hành tinh khác (không giống trái đất) cùng vận hành trong hệ mặt trời này phối hợp, tương tác với nhau một cách hợp lý giúp cho sự ổn định và tồn tại. Người ta gọi đó là sự hòa hợp của đại đại vũ trụ.

Đại đại vũ trụ giống và được coi như Cái Một (một sự phối hợp liên kết nào đó như là một chỉnh thể) trong đó còn nhiều tinh tú, nhiều hệ vận hành chính là sự biến hóa, sinh động.

Trái đất là một hành tinh của Thái Dương hệ, so với loài người, nó được coi và hiểu nôm na là một đại vũ trụ, còn con người được coi là tiểu vũ trụ. Con người tồn tại được trong vũ trụ bởi lẽ nó phải tuân theo và biết cách tuân theo hợp với các quy luật vận hành của đại vũ trụ.

Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của con người (con người được coi là tiểu vũ trụ). Do đó, nó phải biểu hiện, phản ánh các quy luật phối hợp và vận hành của đại vũ trụ. Theo Triết học cổ của Đông Phương xưa thì vũ trụ vật chất được sản sinh và vận hành dựa vào sự vận hành của Thái Cực. Thái Cực được hình tượng hóa một vòng tròn, tượng trưng cho Cái Một (sự hợp nhất).

Hình ảnh này cho thấy sự vận hành của vũ trụ theo quy luật chủ đạo của Thái Dương hệ

Hình ảnh này tượng trưng cho tác phẩm nghệ thuật có nhiều màu sắc phong phú


Minh họa từ Vô Cực đến Lưỡng nghi, Tứ Tượng, Bát Quái, đến Vạn Vật, tương ứng với Cái Một (tác phẩm, hàm chứa sự biến hóa = sự hợp nhất các yếu tố ý tưởng nội dung và giải pháp hình thức.

 

Minh họa trên đây muốn tóm tắt lý giải rằng muốn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh bên trong thể hiện sự biến hóa đa dạng thì chúng ta phải thiết lập hệ thống chủ đạo để điều tiết chung hệ thống chủ đạo cơ bản và đầu tiên nhất là Màu chủ đạo.

Trong Thái Cực tách ra làm hai phần Âm, Dương gọi là Lưỡng Nghi (Cái Hai). Tuy Một mà Hai, tuy Hai mà Một. Bên trong mỗi phần Âm, Dương đều có hạt nhân mâu thuẫn.

Trong phần Âm có hạt nhân thiếu Dương (trong Âm có Dương), trong Dương có hạt nhân thiếu Âm (trong Dương có Âm). Như vậy trong Lưỡng Nghi (Hai) hàm chứa bốn, nghĩa là Lưỡng Nghi sinh ra Tứ Tượng (Cái Bốn).

Rồi từ Tứ Tượng sinh ra Bát Quái (Cái Tám) và cả vạn vật.

Tất cả vạn vật này vận hành, sinh sôi nảy nở và hòa hợp, hợp nhất với cái Một. Nó tượng trưng cho sự hợp nhất, là một chính thể. Sự biến hóa và khái niệm vạn vật, tượng trưng cho sự phong phú.

Người ta có thể ví một tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thiện (là một bức tranh hay pho tượng hoặc tác phẩm đồ họa) tượng trưng cho Cái Một, cho sự hoàn chỉnh, là một chỉnh thể, là sự hợp nhất.

Các yếu tố hình thức, ngôn ngữ đa dạng, khác nhau sinh động: cái được họa sỹ, nhà điêu khắc, họa sỹ đồ họa, nhà kiến trúc, nhà thiết kế sử dụng để phối hợp với nhau thì gọi là sự biến hóa, sự phong phú, đa dạng.

Như vậy, bản thân nội dung, ý tưởng chủ đạo cũng được coi là Cái lớn nhất là Cái Một. Các ý tưởng nhỏ, ý tưởng phụ ẩn chứa bên trong ý tưởng chính bao gồm những ý tưởng vừa xung, vừa hợp tượng trưng cho sự biến hóa, nghĩa là các ý tưởng nhỏ, khác nhau, tương tác cho nhau chính là sự biến hóa.

Về hình thức cũng vậy, tổng thể không gian hình thức và các yếu tố vật chất dùng làm hiển thị nội dung một cách hài hóa, có chính có phụ cũng được coi là một chỉnh thể - Cái Một. Những nhóm hình thức phụ phối hợp, liên kết với nhau theo trật tự nào đó (do ý tưởng, tinh thần chủ đề quy định) chính là sự biến hóa phong phú.

Nói chung, điểm quan trọng của các yếu tố khác nhau, mâu thuẫn nhau không được giống nhau nhưng có sự xung hợp, tương tác hiện hữu bên trong nó. Chúng ta có thể nói rằng một tác phẩm hoàn chỉnh chính là một chỉnh thể mà bên trong đó được phối hợp có trật tự, có hệ thống nhiều dạng yếu tố hình thức khác nhau để nói được chủ đề, tư tưởng nào đó mà tác giả muốn chuyển tải.

Sự liên kết vô hình mà nghệ sỹ tạo ra hay bắt buộc phải tạo ra để làm cho tác phẩm đúng là "sự hòa hợp trong đa dạng". Nó chính là phương châm sáng tác đòi hỏi khả năng cần có của nghệ sỹ.

Ở đây, chúng ta hãy liên hệ đến những lời phát biểu từ những nhà hiền triết Đông Phương, Tây Phương để nối được mạch thống nhất lớn của thế giới về nguyên lý cơ bản này.

* Nhà hiền triết cổ Hy Lạp là Platon đã phát biểu về sự hợp nhất trong đa dạng bằng câu nói có thể đảo ngược thuận, xuôi đều hữu lý như sau: "Sự hợp nhất trong đa dạng, sự đa dạng trong hợp nhất". Ý ông nói là sự thống nhất phải tạo được trên sự phong phú, biến hóa, sinh động.

* Nhà toán học Pythagore đã phát biểu một câu rất tuyệt vời về bản chất của sự hòa hợp: "Hòa hợp là sự hòa điệu của những cái nghịch điệu, là sự hợp nhất của những cái tạp đa".

Nhà toán học Pythagore cũng nhấn mạnh đến sự hiện diện của những cái khác nhau, của nhiều cái dị biết vốn tiềm ẩn bên trong một chỉnh thể. Như vậy, để tạo được một chỉnh thể, sự hợp nhất, sự thống nhất không phải là triệt tiêu mâu thuẫn, không phải là sự đồng nhất mà là dung hợp những cái khác nhau và tôn trọng nó.

Ở Phương Đông, Khổng Tử cũng đã nói về bản chất của sự hòa hợp như sau: "Hòa nhi bất đồng", hòa hợp nhưng phải làm cho mỗi thứ giữ những nét phong phú riêng.

Trong triết học của ông cũng tồn tại câu phương châm: "Đại đồng, tiểu dị" (Về nét lớn thì giống nhau nhưng bên trong hàm chứa những cái khác nhau).

Theo triết học phương Đông thì sự hòa hợp những yếu tố tương dị, mâu thuẫn được gọi là: "Xung khí dĩ vi hòa". Trên thực tế tác phẩm nghệ thuật nào cũng thể hiện nguyên lý này.

Khi thiết kế kiến trúc trung tâm Rockefeller ở New York (1928-1941) do đội ngũ kiến trúc sư, kể cả Raymond Hood tham gia thiết kế. Đây là một tổ hợp kiến trúc đồ sộ, Paul Goldberger đã viết về công trình này như sau: "Nó là một toàn thể hợp nhất, tuy nhiên đồng thời nó cũng có thể tỏ vẻ có một sự đa dạng vô bờ bến".

Tóm lại điều mấu chốt mà chúng ta nên nhớ trong nguyên lý này là: Muốn cho các giải pháp phối hợp những yếu tố khác nhau tạo thành một chỉnh thể phải dựa trên sự xác định: "Hòa hợp theo hệ thống chủ đạo nào?".

Giải pháp liên kết, tạo nên hòa hợp phải dựa trên tinh thần nào mà chủ đề, đề tài đặt ra (cả khách quan lẫn chủ quan). Nếu đạt sự hòa hợp, hợp nhất mà làm lạc mất tinh thần của chủ đề thì coi như chưa thành công.

2. Nguyên lý về sự mâu thuẫn, tương phản:

"Không có mâu thuẫn, không có hòa hợp", không có mầu thuẫn sẽ không có sự vận động.

Nguyên lý này có thể nói một cách nôm na là mối quan hệ đối lập và cách thức vận dụng nó trong quá trình hiển thị hóa ý tưởng bằng ngôn ngữ thị giác.

Chúng ta ai cũng biết rằng bản chất của vật chất là vận động mà không có mâu thuẫn thì nó không thể vận động. Đó là quy luật muôn đời, nghịch với quy luật này thì sẽ không thể tồn tại.

Nhưng điều quan trọng là sự mâu thuẫn đạt đến mức độ nào là vừa đủ, thế nào là lố. Nếu không sẽ dẫn tới phá vỡ sự thăng bằng của quy luật vận động.

Mức độ tương phản được nghệ sỹ sử dụng trong tác phẩm cũng phải hợp với tinh thần, không gian của đề tài. Giống như quy luật tồn tại của con người ở dạng sơ đẳng nhất về y lý trên cuộc đời này là "phải giữ cho đầu máu (Âm) và bàn chân ấm (Dương)"Lạnh cẳng là lên bàn thờ" là chết (lòng bàn chân bị lạnh).

Bởi lẽ, trên trời là Dương thì đầu chúng ta phải ở trong tình trạng mát (Âm). Còn đất là Âm thì lòng bàn chân phải ấm (Dương). Đó là sự sinh tồn trong quy luật mâu thuẫn tương sinh tương khắc của vật chất, của đất trời. Điều này như là lời khuyên trong bố cục thị giác là phải giữ sự tương phản xung hợp bên trong các yếu tố hình thức nhằm tạo được sự sinh động, biến hóa và bằng mọi cách phải điều tiết sự mâu thuẫn một cách hợp lý để giữ được tính ổn định, sự hợp nhất thành một chỉnh thể của tác phẩm trên cơ sở tinh thần của tác phẩm.

Hai nguyên lý: nguyên lý Một và Hai nói trên gắn liền tới quy luật tồn tại và vận hành của vũ trụ và con người. Và tác phẩm, công trình của con người muốn tồn tại cũng phải tuân theo nguyên lý vận hành, sinh hóa của vũ trụ. Nguyên lý thứ hai này vốn luôn gắn chặt với nguyên lý thứ nhất.

Chúng ta có thể phân tích sâu thêm về các vấn đề, hình thức, hình thái của cái gọi là sự tương phản như sau:

- Tương phản về tinh thần nội dung: Thiện và ác, bi và hài, nhân đạo và bất nhân, sinh sôi và tàn lụi, u tối và rạng rỡ, tĩnh và động.

- Tương phản về diện tích, quy mô: lớn nhỏ, vĩ đại, nhỏ bé…

- Tương phản về ánh sáng: sáng tối.

- Tương phản về sắc độ: đậm nhạt, rõ mờ…

- Tương phản về cường độ: mạnh yếu, tươi tái.

- Tương phản về chất liệu: cứng và mềm, thô và mịn, sần và láng, đục và trong…

- Tương phản về mật độ: dày và thưa.

- Tương phản về khối lượng, trọng lượng: lớn, nhỏ, nặng, nhẹ.

- Tương phản về không gian: gần xa, sâu cạn, u tối, rạng rỡ, ấm cúng, lạnh lẽo, rộng hẹp, chặt chẽ, lỏng lẻo.

- Tương phản về khối: vuông tròn, cứng mềm, lồi lõm, âm dương.

- Tương phản về phong cách: cổ điển, hiện đại, xưa nay.

- Tương phản về tâm trạng nhân vật: vui buồn.

- Tương phản thuận: Thuật ngữ này nói đến tình huống mà nghệ sỹ muốn nhấn mạnh, tạo nên sự nổi bật vào vị trí nhân vật trong hoàn cảnh thích hợp cho dù hơi lố.

- Tương phản nghịch: Thuật ngữ này nói đến tình huống mà người nghệ sỹ cố tình tạo nên sự nghịch lý để gây sự chú ý.

Một số thuật ngữ đề cập đến những hình thái tương phản:

- Tương phản về màu nguyên sắc đặt cạnh nhau.

- Tương phản về quang độ.

- Tương phản về cường độ.

- Tương phản về nóng lạnh.

- Tương phản về số lượng.

- Tương phản về tính chất.

- Tương phản tối đa.

- Tương phản tối thiểu.

- Tương phản do phối hợp cạnh nhau.

- Tương phản về phong cách.

Nói chung, điểm mấu chốt mà chúng ta ai cũng biết là khi có hai lực đối trọng cùng tồn tại, hễ giảm bên này có nghĩa là làm tăng bên kia.

Trong quá trình đi tìm các giải pháp để tạo sự tương phản, sinh động mà làm mất tinh thần của chủ đề, đề tài là không yêu cầu.

Vấn đề là làm thế nào để cho các yếu tố tạo hình có sự xung hợp, tương tác tốt trên cơ sở xác định tinh thần chủ đạo hợp với chủ đề, đề tài: hợp với không gian, thời gian của đề tài để tạo sự hợp lý, sinh động về thị giác trên cơ sở bảo tồn thế cân đối và thăng bằng trong tổng thể của tác phẩm.

Cách bố cục để tạo nên sức hút thị giác


Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của bố cục


Cách bố trí để tạo nên sức hút thị giác


Lực thị giác trong bố cục


Theo: mythuatms.com

Tin tức cùng chuyên mục

  • 17 Apr 2018

4 Bộ nhận diện thương hiệu đẹp

Cùng chúng tôi xem những bộ thiết kế nhận diện thương hiệu rất đẹp mắt. Hy vọng cảm hứng đến từ những tác phẩm xuất sắc ...

Đọc thêm
  • 17 Apr 2018

5 Bộ nhận diện thương hiệu đáng học hỏi

Để tạo nên vẻ đẹp cũng như sự hấp dẫn cho bộ nhận diện thương hiệu đòi hỏi người thiết kế phải có sự cảm nhận ...

Đọc thêm
  • 17 Apr 2018

Các yếu tố nhằm thấu hiểu người dùng

Cảm xúc về thẩm mỹ và cảm hứng chưa đủ để tạo ra một thiết kế đẹp. Đó là lý do tại sao các nhà thiết ...

Đọc thêm