Các khái niệm Đại tự sự, Tiểu tự sự thông qua các công trình kiến trúc đương đại

Các khái niệm Đại tự sự, Tiểu tự sự thông qua các công trình kiến trúc đương đại

Như là quy luật vận động và phát triển của xã hội, Đại tự sự ra đời bởi chính sự hoài nghi đối với các Siêu tự sự (Master Narrative). Và, sau khi ra đời khái niệm Đại tự sự thì sẽ có giải Đại tự sự, tức là tạo ra các Tiểu tự sự, theo J. F. Lyotard thì ngày nay chúng ta là nhân chứng chứng kiến sự đạp vụn, xé lẻ "những lịch sử lớn" và sự xuất hiện vô vàn những "câu chuyện lịch sử manh mún", đơn giản, cục bộ. Thời kỳ Hậu hiện đại, con người dần dần nghĩ khác đi, họ không tin vào Đại tự sự và đi tìm sự luận giải ở Tiểu tự sự.


Các khái niệm Đại tự sự (Grand Narrative), Tiểu tự sự (Petit Narrative) và Hiện tượng học (Phenomenology)

1. Đại tự sự (Grand Narrative)


Khái niệm Đại tự sự ra đời, gắn liền với khái niệm Chủ nghĩa hậu hiện đại (Post-modernism), thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên khoảng những năm 1870 – Khi John Watkins Chapman gợi ý "một phong cách hội họa Hậu hiện đại" như là một phương cách vượt ra khỏi Chủ nghĩa Ấn tượng Pháp. Về sau, Chủ nghĩa Hậu hiện đại thật sự ra đời vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20 như là sự phản ứng lại với chủ nghĩa hiện đại, "Post-modernism" ở đây không chỉ có nghĩa như một tiến trình lịch sử, cái này ra đời thì cái kia biến mất, mà là một sự phản ứng trở lại (về phương diện lý thuyết) với chủ nghĩa hậu hiện đại đến từ phương Tây với các đại diện tiêu biểu là J. F. Lyotard, P. Anderson, T. Eagleton, F. Jameson, J. Baudrillard, I. Hassan,…

Khái niệm Đại tự sự (Grand Narrative) là một khái niệm của Chủ nghĩa Hậu hiện đại (Post – modernism), được Lyotard đưa ra trong cuốn "Hoàn cảnh Hậu hiện đại – La Condition Postmoderne". Với nhiều cách hiểu nhưng Richard Appignanesi và Chris Gattat thống nhất rằng: "Đại tự sự là những chân lý được coi là phổ quát, tuyệt đối hoặc tối hậu, được dùng để hợp thức hóa hay chính đáng hóa một số đề án nào đó, có thể là chính trị hoặc đề án khoa học"[8]. Cách hiểu giản đơn hơn thì Đại Tự Sự là cái phổ quát, cái chung mà nhân loại cùng trải nghiệm trong lịch sử; ngoài ra nó còn là những thứ mà người ta quan niệm, hi vọng và có thể biến nó thành cái phổ quát. Đại tự sự luôn gắn với những quan niệm truyền thống, là những câu chuyện kể (stories) mà một nền văn hóa hay một dân tộc tường thuật và tin vào.


2. Có Đại tự sự (Grand Narrative) thì sẽ có Tiểu tự sự (Petit Narrative)


Như là quy luật vận động và phát triển của xã hội, Đại tự sự ra đời bởi chính sự hoài nghi đối với các Siêu tự sự (Master Narrative). Và, sau khi ra đời khái niệm Đại tự sự thì sẽ có giải Đại tự sự, tức là tạo ra các Tiểu tự sự, theo J. F. Lyotard thì ngày nay chúng ta là nhân chứng chứng kiến sự đạp vụn, xé lẻ "những lịch sử lớn" và sự xuất hiện vô vàn những "câu chuyện lịch sử manh mún", đơn giản, cục bộ. Thời kỳ Hậu hiện đại, con người dần dần nghĩ khác đi, họ không tin vào Đại tự sự và đi tìm sự luận giải ở Tiểu tự sự.


3. Hiện tượng học (phenomenology)


Một trong những khám phá quan trọng về phương pháp luận trong triết học phương Tây thế kỷ 20 là phương pháp hiện tượng và triết học hiện tượng (phenomenology, phaenomenologie), được xây dựng trên quan điểm của E. Hussert (1859 – 1938): "… Hiện tượng học là khoa học nghiên cứu về những bản chất, và đối với khoa học thì tất cả mọi vấn đề đều quy về việc xác định những bản chất: Chẳng hạn bản chất của tri giác, bản chất của ý thức. Những hiện tượng học cũng là một triết học đặt các bản chất lại nơi hiện hữu, và nó quyết rằng chúng ta không thể hiểu được con người và thế giới, nếu không khởi sự từ những kiện tính của chúng…" [8]. Ở hai góc độ khác nhau, về khoa học, Hiện tượng học hướng đến một khoa học nghiêm túc, hướng tới đích đến cuối cùng; từ góc độ chức năng xã hội và văn hóa thì Hiện tượng học hướng đến sự xâm nhập vào thế giới tinh thần của con người. Hai khái niệm "hiện hữu" và "kiện tính" chỉ rõ cách đánh giá một sự vật hay hiện tượng cần đặt phải trong ngữ cảnh của chính nó, nơi nó được sinh ra. Do đó, bản chất của Hiện tượng học là tìm hiểu những bản chất cụ thể, hình ảnh trung thực của những kinh nghiệm sống và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó.

Trong bài của J.K Melvil viết về "Husserl – Hiện tượng học đến với chính sự vật" có nêu rõ quan điểm của Hiện tượng học của Husserl, ông mong muốn xây dựng triết học như một lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt – thế giới các hiện tượng (phenomenon), bao gồm cả ý thức, hiểu thông thường là sự phát lộ cái gì đó đằng sau sự vật. Phénomène là một "hiện tượng nơi mình" – (trước đây các hoạt động khoa học xuất phát từ một lòng tin được truyền từ đời này đến đời khác, niềm tin vào sự tồn tại một cách khách quan, không lệ thuộc vào ý thức hệ của thế giới xung quanh) tuy nhiên, Hiện tượng học lại đề cập đến việc từ bỏ cách đặt vấn đề mang tính chất tự nhiên, thay vào đó, chú ý đến thực tại, hướng vào chính ý thức. Theo Husserl, đối tượng của hiện tượng học là "cái gì đem đến trực tiếp", nghĩa là dòng chảy của những trạng thái tâm lý. Hiện tượng học Husserl thực chất là hình thức trực quan tâm lý, sự phân tích tâm lý bên trong, sự tìm hiểu tâm lý nội quan chính bản thân nó.

Phương pháp "epoche" (trung chỉ, treo lửng) là phương pháp áp dụng Hiện tượng học trong việc xét đoán quan hệ của cá nhân với thế giới cuộc sống. Thông qua phương pháp "epoche", toàn bộ cái khách quan được biến thành cái chủ quan. Từ đó mà xuất hiện nhiều cách nhìn khác nhau về một sự vật hiện tượng, đôi khi nó không phải của riêng tác giả mà là của cả một cộng đồng trong xã hội [6]. Theo như J.K Melvil đã khẳng định trong bài "Hiện tượng học đến với chính sự vật" thì Hiện tượng học còn ảnh hưởng đến cả sáng tác văn hóa – nghệ thuật. Phương pháp "epoche" gắn với khái niệm Tiểu tự sự. Theo khái niệm Tiểu tự sự, ở các tác phẩm nghệ thuật, việc "diễn giải tác phẩm là điều nhảm nhí"[9].

Như vậy, xét cụ thể hơn trong nghệ thuật kiến trúc thì hai khái niệm Đại tự sự và Tiểu tự sự được hiểu như sau:

Đại tự sự (Grand Narrative) trong kiến trúc là sự truyền đạt thông qua các thiết kế kiến trúc để diễn giải các tư tưởng đại diện cụ thể như những giá trị, những huyền thoại, niềm tin tập thể của lịch sử,… Đó là Đại tự sự. Thiết kế kiến trúc theo hướng Grand Narrative là thiết kế theo hướng mô tả, minh họa, mang tính chất áp đặt suy nghĩ của niềm tin tập thể cho các đối tượng thụ hưởng kiến trúc.

Tiểu tự sự (Petit Narrative) trong kiến trúc là sự truyền đạt, thiết kế kiến trúc không để diễn giải các tư tưởng đại diện mà chỉ đơn giản là sự kể lại các sự kiện lịch sử để khơi gợi tư tưởng cũng như tình cảm của người thụ hưởng kiến trúc, hướng đến các cảm xúc khác nhau một cách tự do,… Đó là Tiểu tự sự. Thiết kế kiến trúc theo hướng Petit Narrative là thiết kế với phương pháp khơi gợi, không áp đặt lên tư tưởng cũng như tình cảm của người thụ hưởng.


Thụ cảm thẩm mỹ kiến trúc chuyển từ Đại tự sự sang Tiểu tự sự

Theo tiến trình phát triển của lịch sử kiến trúc thế giới, thụ cảm thẩm mỹ kiến trúc cũng thay đổi rất nhiều. Ví dụ, nghệ thuật kiến trúc thời Hy Lạp cổ đại (3000-30 trước công lịch) là cái đẹp của tỷ lệ, quy tắc hình học, các biện pháp bố cục, tổ hợp, hiệu chỉnh thị sai (optical correction), phân vị, xử lý tương quan đặc rỗng và sáng tối, đường nét mạch lạc hài hòa. Hệ thống thức (order) là cơ sở cho việc xây dựng và tạo hình kiến trúc theo lý tưởng của "cái đẹp và hài hòa", là cách mà người Hy Lạp dùng hình ảnh để miêu tả kiến trúc, và người thụ hưởng cũng cảm nhận theo một hướng nhất định. Hướng tiếp cận như vậy gắn liền với khái niệm Đại tự sự. Đó là câu chuyện kể về cái đẹp, là quan niệm thẩm mỹ được truyền tải qua rất nhiều thế hệ, mà mãi đến thế hệ sau vẫn còn được vận dụng.


Sự tương quan về tỷ lệ vàng trên mặt đứng của Villa SaVoye và Đền Parthenon (nguồn: internet)


Đến thời kỳ Hiện đại, một trong các đại diện là KTS Le Corbusier. Ta có thể thấy trong công trình Villa Savoye ở Pari năm 1929 của ông, đâu đó biểu hiện khái niệm Đại tự sự qua cách miêu tả trên mặt đứng, tổ chức không gian của công trình để đưa ra quy tắc "năm điểm" (Five Points Towards a New Architecture) vào năm 1926. Qua một số phân tích về công trình Villa Savoye của Simon Unwin trong cuốn "Phân tích kiến trúc" (Analysing Architecture) chỉ rõ: Mối tương quan về tỷ lệ vàng của mặt đứng công trình với đền Parthenon, tỷ lệ các thành phần trên mặt đứng công trình của Villa Savoye với các thành phần trên mặt đứng Đền Parthenon, và sự tương đồng trong tổ chức không gian bên trong công trình với Nhà ở Pompeii. Sự tương đồng đó xuất phát từ chuyến đi của Le Corbusier đến Hy Lạp và Ý vào năm 1911, tức là 18 năm trước khi thiết kế công trình Villa Savoye, ở đó ông đã học tập rất nhiều bài học và đã vận dụng vào các thiết kế sau này. Tất cả các đặc điểm nêu trên minh chứng cho cách tiếp cận trong Villa Savoye gắn với khái niệm Đại tự sự.


Sự tương quan về thành phần trên mặt đứng của Villa SaVoye và Đền Parthenon (nguồn: internet)


Nhìn nhận qua tiến trình lịch sử kiến trúc phương Tây, từ cổ đại, trung đại đến hiện đại, hậu hiện đại, ta nhận ra rằng kiến trúc chịu tác động bởi sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các xu hướng kiến trúc được nhận dạng chủ yếu bằng các đặc điểm được miêu tả ngay trên hình thức mặt đứng công trình đó. Đấy là cách mà khái niệm Đại tự sự gắn với tiến trình phát triển của lịch sử kiến trúc phương Tây.


Sự tương quan về cấu trúc mặt bằng của Villa SaVoye với nhà ở Pompeii (nguồn: internet)


Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, tác động rất lớn đến sự biến đổi trong thiết kế cũng như cảm thụ kiến trúc. Tuy nhiên, điều mang đến sự thành công ở một công trình kiến trúc không phải là việc phô trương công nghệ xây dựng, vật liệu như thế nào mà nằm ở chỗ người thụ hưởng kiến trúc cảm nhận như thế nào về công trình đó. Louis Kahn đã tuyên bố: Một công trình vĩ đại, theo quan điểm của tôi, phải được bắt đầu từ yếu tố không đo lường được, phải đi từ các yếu tố đo lường được khi công trình được thiết kế và cuối cùng phải là yếu tố không đo lường được (A great building, in my opinion, must begin with the unmesurable, must go through measurable means when it is being designed and in the end must be unmeasurable): [1]. Kiến trúc mang trong mình cả yếu tố "vật thể" (material object) và "phi vật thể" (spiritual object). Chính các mã (code) kiến trúc được cài đặt vào trong công trình, bao gồm mã mang tính vật chất (nhìn thấy được) và các mã mang tính tinh thần (không nhìn thấy được), chính cảm nhận của người thụ hưởng kiến trúc (người tham gia vào quá trình giải mã (decode)) là điều mà người thiết kế hướng tới. Để quá trình giải mã xảy ra đúng theo ý tưởng thiết kế thì còn tùy thuộc và kinh nghiệm, trình độ, những hiểu biết của người thụ hưởng [2]. Đối với kiến trúc đương đại, điều quan trọng không nhất thiết phải giải mã (decode) đúng hay sai mà là việc hướng đến cảm nhận khác nhau của mỗi cá nhân người thụ cảm thẩm mỹ kiến trúc.Theo tôi, yếu tố vật thể (material object) gắn liền với khái niệm Đại tự sự (Grand Narrative) còn yếu tố phi vật thể (spiritual object) gắn liền với khái niệm Tiểu tự sự (Petit Narrative). Xu hướng của kiến trúc đương đại ngày nay, KTS ưu tiên hướng đến khái niệm Tiểu tự sự. Nhìn nhận ở góc độ là người hành nghề kiến trúc thì ở kiến trúc các nước phương Tây, người ta chú trọng vào khái niệm Đại tự sự, trái ngược với điều này, người phương Đông làm kiến trúc chú trọng vào yếu tố Tiểu tự sự nhiều hơn.


Biểu hiện của hai khái niệm Đại tự sự (Grand Narrative) và Tiểu tự sự (Petit Narrative) qua một số tác phẩm kiến trúc đương đại


1. Bảo tàng Do Thái Berlin ( Jewish Museum Berlin)

Bảo tàng do KTS Daniel Libeskind thiết kế năm 1989 và mở cửa vào năm 2001, ông là một trong các đại diện nổi tiếng của xu hướng kiến trúc Deconstruction, với thủ pháp sử dụng hình học gãy khúc, đứt đoạn (Fractal). Bảo tàng Do Thái là nơi khái quát toàn bộ lịch sử người Do Thái ở Đức suốt hơn hai thiên niên kỷ. Khối nhà mới được Libeskind thiết kế rất ấn tượng, đó là một khối công trình với mặt bằng ziczac (sharp zigzagging plan). Mặt đứng công trình biểu đạt các nhát cắt hình học không theo quy tắc trên bề mặt mạ kẽm, được ví như những vết cắt, những vết thương còn hằn lại trên da thịt của lịch sử. Đấy chính là câu chuyện kể về lịch sử, về nỗi đau của người Do Thái mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được, cách tiếp cận theo hướng "mô tả" là các biểu hiện của khái niệm Đại tự sự.


Hình khối ziczac của Bảo tàng Do Thái Berlin (nguồn: Archdaily)


Libeskind đã nhận định rằng: Nếu bạn quên đi ký ức về những nỗi đau mà bạn đã chôn kín, thì nó vẫn ám ảnh bạn. Nó vẫn diễn ra trong bạn, khiến bạn nhìn thấy những điều không tốt, không bình yên ở một số thời điểm (If you forget your memory, have a trauma and you repress it, it's going to come to haunt you. It's going to do something to you, something bad, something violent at some point) [5]. Cách nhìn nhận về nỗi đau của người Do Thái gợi mở nhiều câu chuyện nhỏ tác động đến tâm tư, tình cảm của người thụ hưởng, khiến họ suy ngẫm về số phận của người Do Thái khi đặt chính họ vào không gian đó. Bên trong công trình, với "khoảng rỗng của tưởng niệm"(Leerstelle des Gedenkens) – là một không gian lớn với lỗ thông tầng duy nhất xuyên suốt từ mặt đất cho tới mái, trên cao là không gian lờ mờ, hun hút như ở trong một tháp kín, dưới mặt sàn phủ gần 10.000 khuôn mặt với những biểu cảm khác nhau được đúc bằng sắt dày, mỗi khuôn mặt tượng trưng cho một người Do Thái đã ngã xuống do nạn diệt chủng được Menashe Kadishmann thiết kế. Nơi đây, du khách bước chân lên các tấm sắt, tạo nên những âm thanh khác nhau, chính các âm thanh trong không gian cộng hưởng với ánh nắng hiu hắt bên trên đem lại nhiều cảm xúc khác lạ. Đó là không gian nội thất để lại nhiều cảm xúc nhất đối với người tham quan. Ở đó, ta nhận thấy có sự chuyển tiếp từ khái niệm Đại tự sự sang Tiểu tự sự trong không gian kiến trúc.


Ảnh trái: Mặt đứng công trình với các nhát cắt hình học không theo quy tắc trên bề mặt mạ kẽm – được ví như những vết cắt, vết thương còn hằn trên da thịt lịch sử.Ảnh giữa: "Khoảng rỗng của tưởng niệm"(Leerstelle des Gedenkens)Ảnh phải: Không gian trưng bày với 10.000 khuôn mặt với những biểu cảm khác nhau (nguồn: Archdaily)


Không gian "Vườn tha hương" (Garden of Exile) là một thiết kế khác lạ so với các ngôn ngữ kiến trúc chung của bảo tàng. Kiến trúc "Vườn tha hương" không theo quy tắc thường thấy của hình học "Fractal" mà Libeskind thường hay sử dụng cho hầu hết các thiết kế của mình. Với 49 cột vuông tạo thành hình khối hoàn chỉnh và duy nhất, theo Libeskind – Vườn tha hương là nơi khách tham quan tìm thấy chính họ giữa các cột bê tông được phủ đầy cây. (Garden of Exile, where visitors find themselves amongst tall concrete pillars covered in plants"[5]. Dưới góc nhìn Hiện tượng học (Phenomenology), đây là phương pháp "epoche" gắn với khái niệm Tiểu tự sự, là cách mà Libeskind "treo lơ lửng" để người tham quan tìm thấy chính mình. Trong một bài phỏng vấn với Dezen, Libeskind đã phát biểu rằng: Tôi luôn ngạc nhiên là mọi người đều nghĩ rằng kiến trúc phải luôn vui tươi, phải đẹp, phải có sức hút dễ gần gũi. Bởi vì không gian và thế giới thì khác biệt nhau. (I'm always surprised that people think that architecture should be comforting, should be nice, should appeal to your domesticity. Because the space and the world is different."). Đôi lúc, chính những điều không bình thường, những thứ xa lạ, khó gần gũi như không gian "Vườn tha hương" lại mang đến cảm xúc nhiều nhất cho người thụ cảm. Hơn nữa, việc trải nghiệm không gian "Vườn tha hương" ở những thời điểm khác nhau trong ngày cũng đem lại nhiều cảm xúc khác lạ cho du khách. Libeskind đã lồng vào không gian ba chiều thường thấy một chiều thứ tư – chiều thời gian.


2. Khu vực Số O (Ground Zero Plan), New York


Khoảng lặng – Phương pháp "epoche" – "Treo lơ lửng" – Để người thụ hưởng thẩm mỹ tự cảm nhận. (nguồn: dezeen)


Tương đồng với cách tiếp cận Bảo tàng Do Thái ở Berlin năm 2001 và Ground Zero Plan, ba năm sau khi thảm họa khủng bố ngày 11/09/2001, năm 2003, Libeskind giành chiến thắng trong cuộc thi lựa chọn thiết kế tổng mặt bằng cho Khu vực số O (Ground Zero Master Plan) (Hình 3.9; Hình 3.10). Tổng thể bao gồm 4 tòa tháp cao, Bảo tàng và Đài tưởng niệm sự kiện 11/09 (National September 11 Memorial and Museum). Nói về dự án, Libeskind phát biểu với cụm từ "hàn gắn nỗi đau của New York, " (healing of New York), "ở một nơi gắn với ký ức" (a site of memory), và "không gian minh chứng cho sự hồi sinh của nước Mỹ" (a space to witness the resilience of America)[5]. Mặc dù Libeskind không nhận thiết kế bất kỳ một hạn mục riêng lẻ công trình nào ở khu vực này, nhưng việc đặt nền móng ngay ở giai đoạn tổng mặt bằng đã định hình cho ý tưởng kiến trúc Đài tưởng niệm 11/09 và nhiều công trình kiến trúc về sau. Trong triển lãm kiến trúc quốc gia (At the 2012 AIA National Convention), các KTS tham gia vào dự án Ground Zero đã được công nhận là "KTS của sự hàn gắn" (Architects of Healing), người đứng đầu trong danh hiệu này xứng đáng là Libeskind. Việc các thiết kế kiến trúc tập trung vào các yếu tố tinh thần (spiritual object) nhiều hơn yếu tố vật chất (material object) là hướng tiếp cận gắn với khái niệm Tiểu tự sự.

Trên cơ sở tổng mặt bằng (Ground Zero Plan) của Libeskind thiết kế, Đài tưởng niệm 11/09 được KTS Michael Arad và Handel Architects phát triển, vượt qua 5200 đồ án dự thi từ 63 quốc gia, cuộc thi thiết kế quốc tế để tưởng niệm sự kiện 11/9. Tác giả giải thích về ý tưởng của mình là Phương án nên tạo ra một "khoảng trống" sâu thẳm ngay vị trí hai tòa tháp, nhằm khơi gợi sự chiêm nghiệm và nỗi nhớ (This should be about creating a profound site for contemplation and memory, but it should also be something that's part of the city").

Kết luận

Kiến trúc ngày nay hướng đến sự khơi gợi, gợi mở sự cảm nhận của con người hay nói cách khác "nhận thức bằng con đường xúc cảm" [9]. Kiến trúc hướng đến khái niệm Tiểu tự sự là kiến trúc hướng đến chiều sâu trong nội tâm của người thụ cảm kiến trúc. Do đó, việc hiểu kỹ và vận dụng hai khái niệm Đại tự sự và Tiểu tự sự vào sáng tác, thụ cảm kiến trúc là điều cực kỳ quan trọng của người hành nghề. Đó là cách làm mới đang được kiến trúc đương đại tập trung khai thác, bên cạnh đó việc thêm vào chiều thứ tư – chiều thời gian trong không gian ba chiều mà chúng ta thường thấy nhằm biến kiến trúc thành kiến trúc "mở" – người thụ hưởng cảm nhận bằng cảm xúc riêng của bản thân mình thông qua tất cả các giác quan một cách tự do không áp đặt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO1. Dung Ngo (1998), Conversation with students, Princeton Architecture Press, New York.2. Lê Thanh Sơn (2001), Một số xu hướng Kiến trúc đương đại nước ngoài, NXB Xây Dựng, Hà Nội.3. Lê Thanh Sơn, Nguyễn Quốc Thịnh (2001), Kiến trúc Phương Tây – Thời Kỳ Cổ Đại, NXB Xây Dựng, Hà Nội. 4. Simon Unwin (2015), Twenty-Five buildings every Architect should understand, Routledge, New York.5. https://www.dezeen.com/2015/11/19/daniel-libeskind-architecture-should-not-be-comforting-memorials-ground-zero-masterplan-jewish-museum-berlin/6. http://www.archdaily.com/272280/ground-zero-master-plan-studio-daniel-libeskind7. http://www.triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/hien-tuong-hoc/hien-tuong-hoc-den-voi-chinh-su-vat_426.html8. http://www.triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/hien-tuong-hoc/hien-tuong-hoc-la-gi-ky-6_335.html9. http://www.triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-hau-hien-dai/


ThS.KTS Huỳnh Đức ThừaGiảng viên Khoa Kiến trúc – Đại học Kiến trúc TP HCM - tapchikientruc.com.vn

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)




Tin tức cùng chuyên mục

  • 17 Apr 2018

MVRDV với ý tưởng nhuộm hồng Bảo tàng nghệ thuật Taoyuan

Thiết kế của MVRDV cho bảo tàng 29,000 mét vuông, triển khai cùng với các kiến trúc sư - nhà quy hoạch JJP và TOPOTEK1; thiết ...

Đọc thêm
  • 17 Apr 2018

Thư viện đẹp nhất nước Mỹ, mới trông thì ghét...

Một cựu sinh viên của Học viện Phillips Exeter ở New Hampshire về thăm thư viện trứ danh của trường do kiến trúc sư Louis I ...

Đọc thêm
  • 17 Apr 2018

Thiết kế nhà tù: Khi nhà tù trông giống khách sạn 5 sao

Nhà tù Halden ở Na Uy giành được một giải thưởng thiết kế. Mỗi phòng giam đều có ti vi màn hình phẳng, một dãy nhà ...

Đọc thêm