Bauhaus - Nguồn cảm hứng bất tận

Bauhaus - Nguồn cảm hứng bất tận

Tại sao Phát-xít Đức lại ra sức đàn áp trường phái Bauhaus như vậy? Tại sao chúng lại sợ một ngôi trường nghệ thuật chuyên làm đồ nội thất và dụng cụ làm bếp? Bởi vì Bauhaus mang một cái nhìn đối lập với chủ nghĩa của Đức Quốc Xã.



Bạn biết gì về Bauhaus? Bauhaus có ảnh hưởng như thế nào đến kiến trúc và mỹ thuật hiện đại?


Hiện tại ở Berlin (Đức), Viện bảo tàng Bauhaus Archiv đang tạm thời đóng cửa cho một đợt trùng tu lớn. Trong thời gian chờ đợi, nơi đây đã tổ chức một buổi triển lãm bao gồm những "tác phẩm tuyệt vời nhất" trong bộ sưu tập khổng lồ về trường phái Bauhaus. Du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo, đồng thời có được cái nhìn tổng quát về trường phái huyền thoại này.


Viện bảo tàng Bauhaus Archiv tại Đức đang tổ chức một buổi triển lãm về trường phái Bauhaus trong khi đang trùng tu. (Credit: Schöning/Ullstein Bild/Getty)


Cho những ai chưa biết, Bauhaus chính là cái nôi của chủ nghĩa "Thiết kế công năng," là một trong những đại diện sáng giá cho trường phái nghệ thuật thời đại mới. Ra đời vào cuối Thế chiến Thứ nhất (1919) tại thành phố Weimar bởi kiến trúc sư Walter Gropius, tính đến nay đã gần một thế kỷ, Bauhaus vẫn là một trường phái có ảnh hưởng sâu sắc lên thiết kế và mỹ thuật hiện đại. Đây đồng thời là một ngôi trường về mỹ thuật và thiết kế, nhưng theo một cách rất đặc biệt. Thay vì học vẽ tranh khỏa thân hay thứ gì đó tương tự, nơi đây dạy cho học viên cách nhìn thế giới xung quanh qua một lăng kính hoàn toàn mới.

Trong tiếng Việt, Bauhaus có nghĩa là "ngôi nhà của những công trình," nhưng nhà sáng lập Gropius không chỉ muốn làm mỗi việc đó. Ông muốn đào tạo một lứa họa sĩ mới có thể làm được bất cứ thứ gì. Những trường nghệ thuật truyền thống thường rất bảo thủ và xem nhẹ tính thực dụng. Trong khi những trường kỹ thuật lại khá khô khan và cứng nhắc. Gropius chính là người đã bắt nên cây cầu nối giữa mỹ thuật và thiết kế ứng dụng.


Học viện Thiết kế Bauhaus được thành lập vào năm 1919 tại thành phố Weimar (Đức) bởi kiến trúc sư Walter Gropius, người bên phải bức hình (Credit: Keystone Pictures/Alamy)


"Không có gì khác biệt giữa một người họa sĩ và một người thợ thủ công," ông nói. Những học viên ở đây được học cách làm đồ gốm, thiết kế bản in, đóng sách và cả nghề mộc. Bên cạnh đó, họ còn được học về typography và quảng cáo. Tất cả đều bắt đầu từ căn bản với một cái nhìn hoàn toàn mới.

"Một vật thể được xác định dựa vào bản chất của nó," Gropius nói. "Để thiết kế một vật thể sao cho đúng, phải nắm rõ được bản chất. Để hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình, vật thể đó phải được thiết kế một cách thực tiễn." Thay vì ngồi mài đũng quần trong lớp vật vờ với những bài giảng vô vị, học sinh được xắn tay áo vào làm ở các xưởng thiết kế.


Bản chất của vật thể

Kết quả thu được thật đáng kinh ngạc. Từ đèn treo cho tới bộ cờ vua, tất cả đều vô cùng thực tiễn và mang nét thẩm mỹ độc đáo. Đơn giản và hiệu quả, chính những điều này làm chúng trở nên tuyệt vời. Trong kỷ nguyên trang trí thời đó, những sản phẩm của Bauhaus tựa như một cuộc cách mạng. Chúng mở ra một thời đại thiết kế hoàn toàn mới.


Từ bộ cờ vua cho tới cái gạt tàn như trên hình (tác giả Marianne Brandt), phong trào Bauhaus trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều dự án thiết kế (Credit: Gunter Lepkowski/Bauhaus Archiv/VG Bild-Kunst)


"Các xưởng nghệ thuật của Bauhaus giống như những phòng thí nghiệm vậy, chúng tôi luôn cố gắng nghiên cứu và cải tiến sản phẩm liên tục," Gropius nói. "Trong những phòng nghiên cứu đó, Học viện Bauhaus sẽ đào tạo một lứa thợ lành nghề cho thủ công và công nghiệp, họ sẽ hội tụ cả khiếu thẩm mỹ và công nghệ."

Nhưng không phải ai cũng cùng chung ý tưởng với ông. Trong các cuộc bầu cử địa phương vào năm 1924, những người ủng hộ chủ nghĩa Bauhaus đã thua cuộc, và chính phủ bảo thủ lâm thời đã cắt nguồn tài trợ của Học viện này. Ngày 1 tháng Tư 1925, sau đúng 6 năm đi vào hoạt động, ngôi trường đã bị buộc phải đóng cửa.


Sản phẩm đèn bàn nguyên mẫu của Wilhelm Wagenfeld (bên trái), một tác phẩm tiêu biểu của trường phái Bauhaus và một sản phẩm làm lại vào năm ngoái (bên phải) được trưng bày ở viện bảo tàng Bundeskunsthalle tại Đức (Credit: Oliver Berg/DPA/Alamy)


Tuy nhiên, tư tưởng của Bauhaus đã lan tới một thành phố khác của Đức, Dessau. Chính vì vậy mà chính quyền địa phương thành phố này đã quyết định hỗ trợ Gropius xây dựng một 'căn cứ' mới cho Bauhaus.


Ngôi nhà mới

Ở Dessau, Gropius đưa vào giảng dạy một số bộ môn khác bên cạnh kiến trúc; bao gồm dệt, cơ khí, nhiếp ảnh và thiết kế sân khấu. Vào năm 1928 Gropius dừng việc giảng dạy để tập trung vào kiến trúc. Quản lý mới Hannes Meyer đã giúp ngôi trường ngày càng lớn mạnh. Những tác phẩm của trường phái Bauhaus bán chạy như tôm tươi, tạo nên nguồn lực tài chính bền vững để phát triển việc giảng dạy nghệ thuật.


Tại thành phố Tel Aviv, chúng ta có dịp chiêm ngưỡng tổ hợp White City bao gồm hơn 4000 công trình được xây từ những năm 1930 theo trường phái Bauhaus (Credit: IAISI/Getty)


Nhưng vào lúc bấy giờ, trường phái Bauhaus lại gặp rắc rối với chính trị, cụ thể là Đức Quốc Xã. Năm 1930, hội đồng thành phố Dessau đã bãi nhiệm chức quản lý của Meyer do "xu hướng cộng sản" của ông. Năm 1931, Phát-xít Đức đã giành được quyền bầu cử ở địa phương và nhanh chóng đàn áp trường phái Bauhaus (chúng gọi đây là "Cuộc cải cách văn hóa xã hội"). May mắn thay, những công trình của Gropius đã 'thoát nạn' và đứng vững cho tới ngày nay, nhưng những học viên và giảng viên của trường phái Bauhaus bị buộc phải trục xuất khỏi địa phương. Họ nhanh chóng thành lập cơ sở mới trong một nhà máy cũ của Berlin dưới sự điều hành của kiến trúc sư đại tài Mies van der Rohe. Nhưng đến năm 1933, khi Hitler chính thức lên nắm quyền, hắn đã nhanh chóng dập tắt trường phái Bauhaus.


Sau khi Bauhaus bị dập tắt, thành phố Dessau đã cho xây dựng trụ sở mới theo thiết kế của Gropius (Credit: Iain Masterton/Getty)


Mối đe dọa từ mỹ thuật hiện đại

Tại sao Phát-xít Đức lại ra sức đàn áp trường phái Bauhaus như vậy? Tại sao chúng lại sợ một ngôi trường nghệ thuật chuyên làm đồ nội thất và dụng cụ làm bếp? Bởi vì Bauhaus mang một cái nhìn đối lập với chủ nghĩa của Đức Quốc Xã.

Phát-xít đại diện cho sự hoài cổ và chủ nghĩa dân tộc. Trong khi Bauhaus lại mang nét phá cách hiện đại cùng với sự hội nhập quốc tế - đây là những thứ đi ngược lại ảo vọng điên rồ của Hitler. Chúng ta có thể hiểu rằng, sự đàn áp chính là lời khen ngợi dành cho Bauhaus. Đức Quốc Xã ghét mọi thứ mà Bauhaus đang đại diện, chúng sợ sức mạnh của trường phái hiện đại này.


Một du khách đang quan sát các tác phẩm được trưng bày tại buổi triển lãm 'Bauhaus Art as Life' tại Luân Đôn, 2012 (Credit: Fred Duval/WireImage)


Nhưng mỉa mai thay, chính sự đàn áp của Đức Quốc Xã đã làm cho Bauhaus phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Do sự truy lùng ráo riết của quân Phát-xít, Gropius và Mies van der Rohe đã bỏ trốn sang Mỹ, nơi mà họ gia nhập với một đội ngũ giảng viên của Bauhaus như Josef Albers, Herbert Bayer, Walter Peterhaus và Laszlo Moholy-Nagy. Năm 1937, Moholy-Nagy đã thành lập "New Bauhaus" ở Chicago. Năm 1938, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York đã tổ chức một buổi triển lãm Bauhaus cực kỳ thành công. Từ đó, trường phái Bauhaus đã có nền móng cực kỳ vững chắc để phát triển.


Lời kết

Nhưng phong cách Bauhaus chính xác là gì? Có lẽ phương châm của Mies van der Rohe'Less is more' sẽ là câu trả lời vắn tắt cho câu hỏi này. Nét thẩm mỹ phải đi kèm với một chức năng rõ ràng. Mỗi yếu tố đều mang một nhiệm vụ thiết yếu. Nhiệm vụ của Bauhaus chính là kết nối giữa nghệ thuật và tính thực tiễn.


Ảnh hưởng của Bauhaus đã trở nên phổ biến cho tới ngày nay - ảnh chụp căn hộ Barbican Estate tại Luân Đôn(Credit: Robert Oliver / ArcaidImages)


Dạo một vòng quanh Bauhaus Archiv (một công trình được thiết kế bởi Gropius và được xây sau khi ông mất), ắt hẳn bạn sẽ thoáng chút ngạc nhiên khi nhận ra trường phái này đã tồn tại được gần 100 năm. Cái tên Bauhaus không chỉ đơn thuần là tên của một học viện, một trường phái mà nó đã trở thành một phong cách, một thời kỳ nghệ thuật gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật, kiến trúc trên thế giới. Những tư tưởng của Bauhaus đã, đang và sẽ tiếp tục là cây cầu nối giữa mỹ thuật, nghệ thuật và tính ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Theo idesign.vn - Nguồn: bbc.com - Người dịch: Hà Đình Nhân


Tin tức cùng chuyên mục

  • 17 Apr 2018

4 Bộ nhận diện thương hiệu đẹp

Cùng chúng tôi xem những bộ thiết kế nhận diện thương hiệu rất đẹp mắt. Hy vọng cảm hứng đến từ những tác phẩm xuất sắc ...

Đọc thêm
  • 17 Apr 2018

5 Bộ nhận diện thương hiệu đáng học hỏi

Để tạo nên vẻ đẹp cũng như sự hấp dẫn cho bộ nhận diện thương hiệu đòi hỏi người thiết kế phải có sự cảm nhận ...

Đọc thêm
  • 17 Apr 2018

Các yếu tố nhằm thấu hiểu người dùng

Cảm xúc về thẩm mỹ và cảm hứng chưa đủ để tạo ra một thiết kế đẹp. Đó là lý do tại sao các nhà thiết ...

Đọc thêm