Ẩn dụ nào trong “Cái chết của Barbara Radziwil”

Ẩn dụ nào trong “Cái chết của Barbara Radziwil”

Hội họa Ba Lan có nhiều tác phẩm rất ấn tượng vào thế kỷ 19. Đó là thế kỷ Ba Lan mất độc lập, mất tự do. Có lẽ do nhu cầu đấu tranh để bảo tồn nền văn hóa của đất nước nên các nghệ sĩ Ba Lan đã dồn hết khả năng của mình để thể hiện tình yêu nước trong âm nhạc, hội họa, văn học… qua đó đã đóng góp nhiều tác phẩm cho nhân loại.


Điểm đặc biệt là các họa sĩ Ba Lan rất thích những bức tranh hoành tráng, thật sự là khổng lồ, đến nỗi có cả một bảo tàng chỉ đủ để trưng bày một cái tranh duy nhất. Trong bảo tàng Quốc gia cũng rất nhiều bức tranh hoành tráng, ví dụ như bức tranh Nàng Dirce Thiên chúa giáo. Bức tranh hoành tráng nhất của bảo tàng quốc gia là bức Trận Grundwald, một mình nó chiếm cả một căn phòng lớn. Tuy nhiên tôi lại không thích bức tranh đó bằng một bức tranh khiêm nhường hơn ở phòng bên cạnh. Bức tranh khiến tôi mất hơn nửa giờ để ngắm. Đó là bức tranh Cái chết của Barbara Radziwill.

Đó là một bức tranh sơn dầu mang phong cách cổ điển, mô tả giờ phút chia tay của vị vua Sigismund II Augustus với người vợ mình là Barbara Radziwill.

Để hiểu được bức tranh ta cần ôn lại lịch sử Ba Lan vào thế kỷ 15-16. Đó là thời kỳ huy hoàng và rực rỡ của Ba Lan. Vua Sigismund II Augustus là con trai duy nhất của vua Sigismun I Augustus hay còn gọi là Sigismun Già thuộc triều đại Jagiellon. Ba Lan dưới thời kỳ của cha con hai vị này đã thành lập được Khối thịnh vượng chung Balan-Litva, trở thành quốc gia lớn nhất và đông dân nhất châu Âu. Quốc gia Ba Lan ngày nay chỉ là một phần nhỏ của khối thịnh vượng chung này. Việc thành lập khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva là công lao lớn do sự trị vì của vua Sigismund II kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Công tước xứ Litva.

Barbara được sinh ra trong một gia đình quyền quý của Litva. Sắc đẹp của cô rất nổi tiếng nên đã được gả cho một người chồng thuộc giới quý tộc cao quý nhất của Litva. Tuy nhiên cuộc hôn nhân không lâu bền, chồng cô mất do bệnh. Do cô không có con nên tài sản của chồng cô được chuyển cho vua Sigismund Già thừa kế theo luật định vì ông là Đại công tước của Litva. Vị vua này đã chỉ định con trai mình Sigismund II làm người tiếp nhận. Có lẽ khi sang Litva để tiếp nhận tài sản, hai người đã làm quen và trở thành người tình bí mật của nhau. Bởi vì lúc đó Sigismund II đang có vợ – công chúa Elizabeth của nước Áo, thành viên của dòng họ Habsburg lừng lẫy cai quản châu Âu lúc đó.


Barbara Radziwiłł

Đến khi Elizabeth mất do bệnh, Sigismund II và Barbara trở thành người tình chính thức của nhau. Tuy nhiên họ không thể đến với nhau vì sự ngăn cản của mẹ Sigismund II, nữ hoàng Bona Sforza, xuất thân từ nhà Sforza danh giá của Ý. Nữ hoàng kiên quyết chống lại Barbara, thậm chí bà còn cáo buộc Barbara là phù thủy, dùng sắc đẹp và bùa mê để quyến rũ con trai bà. Năm 1547, Sigismund II và Barbara bí mật cưới nhau, cuộc hôn nhân đó không được thừa nhận.

Không chỉ có nữ hoàng Bona Sfoza phản đối mà tất cả giới quý tộc Ba Lan đều phản đối quyết liệt vì họ cho rằng không môn đăng hộ đối (nhân tiện nhớ lại bài trên Soi, nguồn gốc từ này phải là "môn đang hộ đối" mới chính xác). Ngoài ra, việc Barbara theo đạo Tin lành còn Ba Lan là một nước công giáo cũng là một trở ngại to lớn.

Dù vua cha băng hà vào năm 1548, Sigismund II lên ngôi, nhưng giới quý tộc không chấp nhận Barbara làm hoàng hậu. Tại cuộc họp hội đồng quý tộc đầu tiên sau khi vua lên ngôi, họ dọa sẽ từ bỏ lòng trung thành với nhà vua, dọa sẽ làm giảm quyền uy của nhà vua. Trong suốt thời gian đó, Barbara thư từ qua lại với vua Ba Lan và hai người anh của mình, Nicolas Đỏ và Nicolas Đen, những người có chân trong hội đồng cai trị của Đại công quốc Litva.

Cuối cùng thì tình yêu cũng đã chiến thắng tất cả. Tháng 5. 1550, Barbara chính thức trở thành nữ hoàng của Ba Lan dù không có sự thừa nhận chính thức nào từ giới quý tộc. Tuy nhiên sự trị vì của bà không kéo dài lâu. Kể từ sau khi đội vương miện, sức khỏe của bà suy giảm nhanh chóng, bà than phiền vì bụng đau như bị những hòn đá đè nặng. Sigismund II tìm thầy thuốc cho bà, ông đã quyết định gửi Barbara đến thành phố khác ấm áp hơn để bà phục hồi. Khi cỗ xe chở bà không đi lọt khỏi cổng thành, ông đã yêu cầu phá cổng.

Vào tháng 3. 1551, Bona Sforza đã chính thức thừa nhận tính chính danh của Barbara, tuy nhiên Barbara không được hưởng hạnh phúc dài lâu, bà đã qua đời hai tháng sau đó.


Barbara Radziwiłł đội vương miện và đeo chuỗi hạt là trang sức đặc trưng của bà. Tranh chép lại từ một bức chân dung thế kỷ 16

Nguyên nhân cái chết của bà vẫn gây tranh cãi đến giờ. Có người cho là do những thứ thuốc bà dùng để cố gắng có con với nhà vua. Có người cho là bà bị ung thư. Cũng có cả giả thuyết bà bị nữ hoàng Bona Sforza hạ độc. Nên nhớ triều đình Ý lúc ấy nổi tiếng về âm mưu và độc dược.

Chuyện tình của Barbara và Sigismund nổi tiếng ở châu Âu sau đó vì tình yêu, âm mưu và sự bi thảm. Đã có nhiều tác phẩm văn chương kể về câu chuyện này, vào năm 1860, họa sĩ Josef Simmler, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn chương đã sáng tác bức tranh nổi tiếng nhất của ông, nói về giờ khắc khi Sigismund II chia tay vợ mình trên giường bệnh.

*Bức tranh được vẽ theo trường phái cổ điển với ánh sáng kịch tính như trên sân khấu. Toàn bộ bức tranh ở tông màu sẫm, tâm điểm của bức tranh là gương mặt của Barbara trên giường bệnh với màu trắng chủ đạo khiến cái nhìn của người xem phải dồn vào gương mặt xinh đẹp của bà.


.

Barbara mặc bộ áo lụa màu trắng, chiếc mũ đội đầu trang điểm bằng những viên ngọc trai trắng, cánh tay buông thõng bên giường. Mắt nhắm hờ, dường như bà đang ngủ. Mặc dù Barbara chìm trong sắc trắng của tang tóc nhưng sắc hồng trên gương mặt bà chưa bị cái chết xua đi được.


.

Ngắm nhìn gương mặt của Barbara, người ta sẽ có những suy nghĩ về bản chất của sự sống, cái chết. Điều gì làm nên sự sống của con người, điều gì đã rời bỏ thân xác này như người chủ vội vã rời căn nhà của mình? Tại sao một con người mới chỉ giây phút trước còn cười nói mà nay lại ra đi vĩnh viễn? Cái gì quyết định sống chết mỗi con người?

Tài nghệ của Simmler đã thể hiện ở đây, ông đã vĩnh viễn đóng đinh khoảnh khắc linh hồn của Barbara rời khỏi thân xác để về với Chúa.


.

Ông mô tả chi tiết từng hoa văn đăng ten trên chiếc gối, từng viên ngọc trai trên mũ, sắc lụa trắng óng ả và lạnh lẽo của bộ y phục. Phía cuối giường lộ ra đôi bàn chân của Barbara duỗi nhẹ như khẳng định sự sống không còn ở nơi đây.


.

Ở bên kia của bức tranh Sigismund II ngồi khuất trong bóng tối. Ông hơi nghiêng mình nhìn xuống gương mặt xinh đẹp của vợ. Đôi bàn tay với những ngón tay dài như nghệ sĩ dương cầm đan chặt lại chống vào đầu gối, như cố kìm lại đau thương.


.

Không có giọt nước mắt nào trên gương mặt vị vua, chỉ có sự nghẹn ngào, nuối tiếc cùng tình yêu thể hiện qua ánh mắt.


.

Tôi không thể không so sánh với bức tranh nổi tiếng của Anh có cùng chủ đề – bức Cô dâu của tử thần. Bức tranh này được vẽ dựa vào một câu chuyện một cô dâu mất ngay trước ngày cưới, vị hôn thê của cô đang than khóc bên giường. Bức tranh được vẽ cho công chúa con gái của vua Louis Philippe của Pháp.


Thomas Jones Barker, "The Bride of Death", 1839


Ở đây ta thấy sự biểu hiện nỗi đau khác nhau ở hai người đàn ông. Vua Sigismund thể hiện nỗi đau của một người đàn ông từng trải và bản lĩnh. Nên nhớ, ông đã phải đấu tranh chống lại giới quý tộc, chống lại kẻ thù và các âm mưu để lập nên một vương quốc Ba Lan hùng mạnh. Từ nền móng ông xây dựng đã mở ra một thời kỳ huy hoàng cho Ba Lan, từ đó đội quân kỵ binh có cánh nổi tiếng của Ba Lan đã lập nên nhiều chiến công hiển hách vang dội trước nhiều kẻ thù. Một con người như vậy thì cách thể hiện nỗi đau cũng phải khác.


.

*Cũng như các bức tranh khác của trường phái cổ điển, trong tranh có nhiều hình tượng ẩn dụ, tuy nhiên tôi không phải một nhà nghiên cứu nghệ thuật để có thể phân tích tỉ mỉ. Tôi chỉ có thể phỏng đoán. Ví dụ như trên ngón tay của Barbara và Sigismund II đều đeo nhẫn cưới để khẳng định tính chính danh của cuộc hôn nhân. Nữ hoàng Bona Sforza đã công nhận cuộc hôn nhân này hai tháng trước khi Barbara mất nên Barbara yêu cầu hãy để nàng đội vương miện khi chôn cất. Cách đây ít năm người ta tình cờ tìm thấy ngôi mộ của Barbara, mặc dù quan tài đã bị phá hủy nhưng xác ướp của bà còn tương đối nguyên vẹn và vẫn đội vương miện.

Ở dưới góc phải là một chiếc lò đốt hương, loại lò mà các linh mục Thiên chúa giáo vẫn dùng trong các nghi lễ. Có thể một vị linh mục vừa đến để làm lễ xưng tội cho Barbara trước giờ phút lâm chung. Barbara là một tín đồ Tin Lành. Phong trào kháng cách trong nhà thờ nổ ra tại Đức do mục sư Luther Khởi xướng. Từ đó đạo Tin lành đã lan sang các nước khác, trong đó có Litva. Sự xung đột giữa tân giáo và cựu giáo là nguyên nhân cho nhiều cuộc nội chiến và phải trả giá bằng mạng sống của nhiều người. Ở Ba Lan, có lẽ do cuộc hôn nhân với Barbara nên vua Sigismund II ủng hộ sự phát triển của đạo Tin Lành. Thậm chí những người theo đạo Tin Lành đã mang ra hội đồng quý tộc (sjem – hay được dịch là Hạ viện) để dem xét coi như là quốc giáo. Tuy nhiên vua Sigismund II đã ngăn cản vì không muốn có một cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra. Ngày nay đạo Tin lành, Chính thống giáo cùng với Công giáo là tôn giáo chính của Ba Lan.


 

Ở bên trái bức tranh là một chiếc ghế bọc nhung màu đỏ, trên ghế là chiếc khăn lụa mày trắng cùng một cuốn sách (hay là một cuốn Kinh thánh?) Tôi nghĩ có khi là một cuốn sách, của người chăm sóc đọc cho Barbara giải khuây. Hay thậm chí là chính vị vua đọc cho hoàng hậu. Người ta vẫn còn lưu giữ được nhiều bức thư của Barbara viết cho người thân. Trong đó có bức thư nói về vua Sigismund II dạy bà cách dùng đại từ nhân xưng nào cho xứng đáng với tước vị cao quý của bà.


.

*Chuyện tình giữa hai người đã trở nên nổi tiếng như Romeo và Juliet, nhiều tác phẩm văn học đã được sáng tác để ca ngợi. Tuy nhiên bức tranh này không chỉ để nói về tình yêu đơn thuần.

Sau khi Barbara chết, Sigismund II đã lấy một người vợ thứ ba, nhưng rất tiếc ông không có con. Ông đã cố gắng thậm chí có hai nhân tình là những người đẹp nổi tiếng Ba Lan nhưng chỉ vô vọng. Sigismund II không có người nối dõi, do đó đã là vị vua cuối cùng của triều đại Jagiellon. Sau khi ông mất, Ba Lan đã chuyển sang việc chọn vua nối dõi bằng cách bầu chọn bởi Hội đồng quý tộc. Chính vì cơ chế bầu cử này khiến cho sau này Nga hoàng đã can thiệp và thao túng dẫn đến việc Ba Lan mất độc lập.

Ba Lan bị Nga chiếm đóng trong suốt thế kỷ 19, tuy nhiên người Ba Lan đã không dễ dàng bị khuất phục. Đã có rất nhiều cuộc nổi dậy của người Ba Lan để chống lại quân xâm lược. Trong đó nổi tiếng nhất là cuộc nổi dậy tháng giêng năm 1863. Tuy nhiên tất cả các cuộc nổi dậy đã bị dìm trong bể máu. Do đó từ nửa cuối thế kỷ 19, giới trí thức Ba Lan đã nhận ra rằng họ phải bảo tồn nền văn hóa Ba Lan bằng nghệ thuật, để nuôi dưỡng ý chí đấu tranh của người Ba Lan, cũng như bảo vệ phần hồn của dân tộc. Như trong lời bài quốc ca của Ba Lan:

"Ba Lan sẽ không biến mấtChừng nào chúng ta còn sống…"

Năm 1861 đã có một triển lãm của Cộng đồng khuyến khích nghệ thuật tại Warsaw, đây là một tổ chức nhằm khuyến khích các hoạt động của các nghệ sĩ Ba Lan, qua đó bảo tồn các giá trị văn hóa của Ba Lan. Bức tranh này đã gây được tiếng vang tại triển lãm. Tác giả Jozef Simmler là một họa sĩ Do thái, gia đình sống ở Đức. Tuy nhiên với người Do Thái lúc đó dường như không có biên giới giữa các quốc gia. Cộng đồng Do thái ở Ba Lan là lớn nhất ở châu Âu, việc sinh sống ở Đức hay Ba Lan với họ không khác biệt gì lắm.

Jozef Simmler đã đóng góp to lớn vào nền nghệ thuật Ba Lan qua việc sử dụng các điển tích lịch sử để khơi gợi nên lòng yêu nước. Bức tranh cái chết của Barbara, ngoài việc nhắc nhở quá khứ hùng mạnh tự hào còn ám chỉ đến hiện thực của Ba Lan lúc bấy giờ.Jozef Simmler đã đặt nền móng cho các họa sĩ Ba Lan khác cùng thời kỳ tạo nên phong trào dùng lịch sử để nói chuyện hiện tại mà nổi tiếng nhất là một họa sĩ lúc đó còn trẻ, người sau này đã thành họa sĩ nổi tiếng nhất của Ba Lan, Jan Matejko. Chuyện về Matejko thì có lẽ xin được kể vào dịp khác.

Candid - soi.com.vn

Tin tức cùng chuyên mục

  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P1)

Thánh Gióng - Một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, là người anh hùng đã có công dẹp giặc Ân ...

Đọc thêm
  • 11 Jan 2018

Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)

Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải ...

Đọc thêm
  • 16 Jan 2018

Nghệ thuật có cao siêu (P1)

Nói đến nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là thánh địa của cái đẹp, là tháp ngà, là lâu đài... kỳ bí và cao ...

Đọc thêm